Như đoán được suy nghĩ của tôi, chị thủng thẳng tiếp: “Vấn đề là, ai cũng biết nó rất vô duyên, không cần thiết, gần như 100% phụ huynh phản đối, nhà trường thừa biết nhưng vẫn muốn giữ. Có lẽ nào vì có "hoa hồng" tốt?”. Câu hỏi đầy nghi hoặc của chị về một thứ “có cũng như không” mang tên “sổ liên lạc điện tử” khiến tôi băn khoăn.
Sổ liên lạc điện tử đã xuất hiện và xâm nhập hầu hết trường học trong nhiều năm nay. Việc sử dụng ứng dụng này nhằm giúp nhà trường thông tin tới phụ huynh và phụ huynh nắm được tình hình học tập cua con em mình ở trường. Nếu sổ liên lạc điện tử thực hiện đúng chức năng như “quảng cáo” với nhiệm vụ bài tập, học liệu điện tử, thực đơn bữa ăn... thì có lẽ không có gì đáng bàn. Điều khiến phụ huynh bức xúc là sổ liên lạc điện tử nhưng không mấy khi dành để liên lạc, trao đổi gì. Phụ huynh chỉ nhận được tin nhắn một chiều, không thể trả lời, phản hồi. Với mức tiền gần 200.000 đồng chỉ để nhận 2 đến 4 tin nhắn một năm về việc đóng tiền, những thông tin không đọc cũng biết là quá phung phí và đắt đỏ. Sự kém hiệu quả đó còn ở việc khi truy cập vào ứng dụng luôn trong trạng thái “chưa có dữ liệu”, “chưa có bài học nào”. Thậm chí, phụ huynh còn "rước" thêm phiền hà khi có rất nhiều cuộc gọi rất đúng tên, đúng lớp mời chào các khóa học tiếng Anh, sinh trắc vân tay...
Sự không còn phù hợp của sổ liên lạc điện tử càng thấy rõ khi công nghệ phát triển, có rất nhiều ứng dụng trao đổi miễn phí, việc thông tin giữa giáo viên hoặc nhà trường qua các nhóm chat trên Zalo, Facebook trở nên thuận lợi hơn. Thậm chí, đây gần như kênh tương tác chính, nhanh gọn, thuận tiện và hiệu quả giữa giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh. Vậy nhưng, bất chấp việc phụ huynh đề nghị tạm dừng sổ liên lạc điện tử vì nó không thiết thực, hiệu quả, nhiều nhà trường vẫn ép phụ huynh sử dụng dịch vụ này.
Từ thực tế đó, nhiều người đặt câu hỏi liệu có "lợi ích nhóm" ở đây? Điều ai cũng nhìn thấy đó là phía sau việc làm này có phần chiết khấu "hoa hồng" từ các nhà mạng, đơn vị cung cấp ứng dụng cho ban giám hiệu nhà trường. Cứ một học sinh đăng ký sử dụng sổ liên lạc điện tử, nhà trường sẽ nhận được một khoản tiền "hoa hồng" tương ứng.
Theo thông tin của người trong ngành, số "hoa hồng" nhà trường nhận về sẽ là 30%, một con số không hề nhỏ. Giả sử một trường học có 1.000 học sinh đăng ký sử dụng sổ liên lạc điện tử eNetViet, mỗi năm học (9 tháng), mỗi học sinh đóng ít nhất 20.000 đồng/tháng, nhà trường sẽ thu về gần 100 triệu đồng. Cả nước có hơn 1,5 triệu học sinh, con số này có thể lên tới hàng chục tỷ đồng.
Có lẽ cần nghiêm túc nhìn nhận mục đích của sổ liên lạc điện tử là gì. Tại sao cứ nhất thiết phải chi ra số tiền hằng tháng để duy trì, gây lãng phí xã hội trong khi có rất nhiều công cụ miễn phí khác? Còn nếu đã thu tiền của phụ huynh thì sổ liên lạc điện tử cần phải cải tiến sao cho “xứng với đồng tiền bát gạo”. Thay vì “nhiệt tình” tự động triển khai một dịch vụ không tạo ra giá trị, các trường nên chủ động nắm bắt thay đổi của cuộc sống, của công nghệ để đáp ứng nhu cầu thật sự của người học và phụ huynh. Có như thế, sự kết nối giữa nhà trường và phụ huynh mới chặt chẽ, bền vững.
THÁI AN