GS, TS PHẠM TẤT DONG, nguyên Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam:

Tăng cường giám sát chất lượng giáo dục

Thực tế, lĩnh vực nào có thi đua, khen thưởng thì ở đó đều nảy sinh “bệnh thành tích”. Căn bệnh này ở lĩnh vực nào cũng nguy hại nhưng nguy hại nhất là trong giáo dục vì nó liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực. Ngay ở cấp tiểu học hiện nay, “bệnh thành tích” đã trầm trọng. Trong nhiều lớp ở cả 3 cấp học có hiện tượng cả lớp học sinh giỏi hoặc chỉ có vài học sinh khá, 1-2 học sinh trung bình, còn lại đều giỏi. Điều đó là sai quy luật vì trong một số đông, bao giờ học sinh học giỏi và kém cũng là số ít, số học sinh ở mức giữa mới chiếm đa số. Đối với cấp đại học, hiện nay xét trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế có tiêu chí số lượng bài báo đăng trên tạp chí quốc tế. Một số trường muốn có danh đã thuê giáo viên bên ngoài viết bài đăng báo để đủ tiêu chí, còn chất lượng giảng dạy vẫn như cũ... Những thành tích ảo đó làm cho người lãnh đạo chủ chốt mất định hướng chỉ đạo, không đánh giá đúng, từ đó không có chỉ đạo bồi dưỡng học sinh còn yếu của trường, không thấy những hạn chế trong công tác giảng dạy để chỉ đạo khắc phục. Hậu quả của “bệnh thành tích” là tạo ra chất lượng nguồn nhân lực ảo, mà chất lượng nguồn nhân lực lại là một trong 3 khâu đột phá của chiến lược phát triển đất nước.

Theo tôi, để chống “bệnh thành tích” trong giáo dục thì không gì khác ngoài việc tăng cường giám sát chất lượng giáo dục. Thực tế, để giám sát, đánh giá chất lượng học sinh của một lớp, một trường không khó, chỉ cần qua một vài bài kiểm tra và chặt chẽ trong khâu trông thi, chấm điểm. Còn lãnh đạo cứ quan liêu và cán bộ cứ báo cáo không trung thực thì “bệnh thành tích” trong giáo dục vẫn còn tiếp diễn.

HÀ PHƯƠNG (ghi)

 Cô và trò Trường Mầm non thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: PHÚ SƠN

 

Đại tá, TS NGUYỄN XUÂN SINH, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam:

Trách nhiệm người đứng đầu và giáo viên

 Trong lĩnh vực giáo dục, thành tích là sự ghi nhận nỗ lực của học sinh trong học tập, rèn luyện. Việc ghi nhận thành tích được xem như một cách để tạo động lực cho học sinh. Thành tích là những kết quả mà cá nhân hoặc tổ chức đạt được bằng thực chất và sự nỗ lực hết sức của bản thân. Thành tích và “bệnh thành tích” có ranh giới rất mong manh. Nếu như thành tích là sự ghi nhận các nỗ lực thực chất thì “bệnh thành tích” khiến người ta chỉ xem trọng về lượng mà không bảo đảm về chất; khiến người ta dễ ảo tưởng, lừa lọc, dối trá. “Bệnh thành tích” là tư tưởng thích khen ngợi, đánh giá cao, là căn bệnh phổ biến trong giáo dục Việt Nam hiện nay. Vì mắc “bệnh thành tích” mà các nhà trường đánh giá học sinh không thực chất, các thầy, cô giáo cho điểm không đúng với thực lực của học sinh; phụ huynh vì thành tích mà chạy điểm, mua điểm, muốn con vào trường tốt, lớp chọn, được thầy, cô giáo quan tâm. Nhiều trường, nhiều lớp vì thành tích mà báo cáo không trung thực về kết quả giáo dục, tạo dựng thành tích ảo, giấu giếm những tồn tại, khuyết điểm.

Theo tôi, để khắc phục “bệnh thành tích” trong giáo dục cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng, đặc biệt là người đứng đầu và giáo viên về tác hại của vấn nạn này trong giáo dục; nâng cao chất lượng, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới cách đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hướng ứng dụng thành tựu chuyển đổi số của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng môi trường dân chủ, môi trường sư phạm ở các tập thể và các nhà trường.

NGÔ NGUYÊN KHÁNH (ghi)

---------------

Cô giáo PHÙNG THỊ LIÊN, Hiệu trưởng Trường THCS Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La:

Nâng cao chất lượng giáo dục bền vững

Trường THCS Chiềng Khương ở bản Tân Lập, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, có biên giới giáp nước bạn Lào. Nơi đây, điều kiện khí hậu khắc nghiệt và Trường còn nhiều khó khăn, ở xa trung tâm. Năm học 2022-2023, Trường có 22 lớp học nhưng chỉ có 12 phòng học nên học sinh được bố trí học trong các phòng chức năng hoặc học ghép khiến chất lượng dạy và học cũng bị ảnh hưởng. Vượt qua những khó khăn khách quan, chúng tôi tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy, nói không với “bệnh thành tích” trong giáo dục.

Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch để mỗi giáo viên tự xây dựng phương pháp đổi mới trong truyền đạt kiến thức và trong cách kiểm tra, đánh giá học sinh phù hợp với đối tượng, môn dạy, bài dạy mà mình được phân công. Các kỳ kiểm tra theo đúng quy định nhưng gọn nhẹ, giảm tối đa áp lực cho học sinh. Khung đánh giá năng lực học sinh của Trường những năm gần đây cũng toàn diện hơn, bởi ngoài điểm số còn dựa trên sự tiến bộ của học sinh qua mỗi kỳ học. Kết quả học tập, rèn luyện được chấm công bằng, khách quan, chính xác, toàn diện và được niêm yết tại bảng tin nhà trường và báo cho gia đình vào cuối học kỳ I và cuối năm học. Với đặc thù của Trường có đa dạng các em học sinh của nhiều dân tộc thiểu số như: Thái, Mông, Xinh Mun... chúng tôi tôn trọng sự khác biệt của mỗi em, khuyến khích sự sáng tạo, tìm hiểu, tiếp thu kiến thức, để các em tự tin vươn lên trong học tập.

HUYỀN TRANG (ghi)

------------------

Chị TRẦN THU HÀ, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội:

Mong mỗi ngày đến trường là một ngày vui

Tôi có hai con đang theo học tại hai trường trên địa bàn TP Hà Nội. Mỗi ngày, khi đưa các con đến trường, tôi đều được đọc dòng chữ: “Trường học thân thiện, học sinh tích cực, mỗi ngày đến trường là một ngày vui” ở ngay sân trường. Tuy nhiên, tôi thấy mọi hoạt động trong trường học từng ngày, từng tuần, mỗi năm đều được tính toán, xếp thứ bậc. Nhìn vào đó, vô tình đã tạo áp lực học hành cho con trẻ, còn giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn lẫn phụ huynh chúng tôi là đối tượng phải chạy theo những con số đó. Năm học vừa qua, tại trường của con tôi xảy ra hiện tượng các giáo viên chủ nhiệm, nhà trường gợi ý hoặc thúc ép các em học sinh có học lực yếu không nên thi vào lớp 10 trường công lập mà nên chọn trường tư thục, xét tuyển học bạ để không ảnh hưởng đến chỉ tiêu của trường và lớp. Việc này khiến học sinh, phụ huynh vô cùng bất an, hoang mang trước sự lựa chọn.

Về phía gia đình, tôi thấy nhiều phụ huynh ép buộc con mình đi học phải là học sinh khá, giỏi trong khi năng lực của mỗi em lại khác nhau. Khi thấy con của bạn bè, người thân đạt được kết quả tốt thì kỳ vọng con của mình cũng như vậy. Phụ huynh cần tương tác với thầy, cô giáo nhiều hơn để thực sự hiểu lực học của con mình. Trẻ sẽ thích thú khi được làm những điều yêu thích, trong học tập cũng vậy. Phụ huynh nên cho con dành thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi sau những giờ học tập căng thẳng. Khi trẻ được tái tạo năng lượng tích cực sẽ vui vẻ hơn để hợp tác trong các giờ học tiếp theo. Tôi mong mỗi ngày đến trường của các con tôi thực sự là một ngày vui.

NGUYỄN HUYỀN (ghi)