“Tủ sách lớp học” do cô Nguyễn Thị Hồng Ngân, giáo viên môn tiếng Anh của trường khởi xướng. Để xây dựng “Tủ sách lớp học”, cô Ngân đã đến các địa phương khác tìm hiểu mô hình tủ sách, thư viện của các trường, gặp các chuyên gia như anh Nguyễn Quang Thạch (người sáng lập chương trình “Sách hóa nông thôn”) để được tư vấn. Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Hồng Ngân kêu gọi các tổ chức, đồng nghiệp, bạn bè, cựu học sinh ủng hộ, quyên góp.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Ngân (ở giữa) cùng học sinh thảo luận các tác phẩm hay. 

Thầy Trịnh Văn Huệ, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hữu Trác, cho biết: “Sau khi có “Tủ sách lớp học”, nhà trường đã phát động phong trào đọc sách trong toàn trường với khẩu hiệu “Đọc sách giúp chúng ta có tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn”. 15 phút đầu giờ vào thứ 3, 4, 5 hàng tuần, chúng tôi tổ chức đọc sách tập trung. Sáng thứ 2 hàng tuần, dành 25 phút để đại diện các lớp tham gia bình những tác phẩm hay, những nội dung ý nghĩa. Qua đó hướng các em có cách tiếp cận tri thức hiệu quả và rèn luyện kỹ năng tự học theo đúng xu hướng mà ngành giáo dục đang hướng tới là “Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh”.

Đến nay, 27/27 lớp của Trường THPT Lê Hữu Trác đều được trang bị tủ sách. Mỗi tủ sách có trung bình 40-60 cuốn đa dạng về thể loại, từ sách tham khảo tới sách khoa học, lịch sử, kỹ năng sống, văn học, ngoại ngữ... Tùy theo từng khối và lớp học (lớp khối A, lớp khối D...) để bố trí các loại sách sao cho học sinh dễ tiếp cận loại sách mình cần và yêu thích. Ở các lớp đều phân công tổ quản lý, sổ ghi chép về mã số sách, sổ đăng ký mượn sách, nội quy tủ sách. Em Phạm Cẩm Ly, học sinh lớp 11A, chia sẻ: “Trước đây, ngoại trừ sách giáo khoa, chúng em đọc sách không nhiều vì phải lên thư viện mượn nên hơi ngại. Giờ có sẵn tủ sách trong lớp đủ các thể loại, bạn nào cũng thích đọc, giờ ra chơi nhiều bạn vẫn tranh thủ đọc. Thường xuyên đọc sách bổ sung cho chúng em được nhiều kiến thức bổ ích, giúp kết quả học tập cao hơn”.

Ngoài việc tổ chức hiệu quả hoạt động “Tủ sách lớp học”, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Ngân cũng là quản trị viên của nhóm “Hỗ trợ trẻ em nông thôn học tiếng Anh”. Nhóm là nơi gặp gỡ của những người có tấm lòng và kiến thức tiếng Anh từ mọi miền Tổ quốc và người Việt ở nước ngoài muốn được giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với học sinh vùng nông thôn không có điều kiện học ngoại ngữ. “Với mong muốn mang tới sự bình đẳng trong điều kiện học tập cho các em học sinh, ở đâu có mô hình hay, cách làm khoa học là tôi cố gắng tìm hiểu và chọn lọc để về áp dụng vào quá trình dạy học của mình. Cả cô và trò cùng thay đổi, cùng tiến bộ. Tôi đang lên kế hoạch mở rộng hệ thống “Tủ sách lớp học” thành thư viện lớp học nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh mượn-trả sách nhanh chóng, tiện lợi, phục vụ phương pháp tự học, tự nghiên cứu cho học sinh THPT” - cô Ngân chia sẻ.

Dù là trường ở huyện miền núi, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, Trường THPT Lê Hữu Trác có nhiều học sinh giỏi cấp quốc gia và đạt kết quả cao khi tham gia Chương trình "Đường lên đỉnh Olympia". Đó là kết quả của quá trình không ngừng sáng tạo trong dạy và học của thầy và trò toàn trường.

Bài và ảnh: NGUYỄN CHÍ HÒA