Bức ảnh được công bố bởi Cơ quan Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho thấy, hạt bông đã lên chồi non và có 2 lá.
Việc tàu Hằng Nga 4 hạ cánh xuống phần tối của Mặt Trăng (là nửa Mặt Trăng không bao giờ được nhìn thấy từ Trái Đất) vào đầu năm 2019 là sự kiện đi vào lịch sử vũ trụ thế giới khi lần đầu tiên một tàu thăm dò đổ bộ xuống phần tối của vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất.
 |
Hạt bông (mũi tên đỏ chỉ) đã nảy mầm và ra lá trên Mặt Trăng. |
Tàu Hằng Nga 4 mang theo khối sinh quyển nhỏ nặng 2,6kg, gọi là Hệ sinh thái siêu nhỏ (LME), được đặt trong một bình trụ kín dài 18cm, đường kính 16cm. LME mang theo 6 mẫu sống: hạt bông, hạt khoai tây, hạt cải, men, trứng ong và cỏ Arabidopsis thaliana - một một loại cây có hoa nhỏ thuộc Họ Cải nguồn gốc từ châu Âu, châu Á và tây bắc châu Phi có thể sống ở môi trường khắc nhiệt. Chúng được giữ trong điều kiện tự nhiên giống Trái Đất nhất, ngoại trừ môi trường trọng lực và bức xạ từ Mặt Trăng.
Thí nghiệm này được thực hiện cuối tháng 1-2019, ngay sau khi tàu Hằng Nga 4 đổ bộ lên Mặt Trăng. Dữ liệu phân tích được gửi về qua hình ảnh tái hiện 3D, cho thấy rõ cây bông đã mọc được 2 lá, trong khi các mẫu vật khác vẫn chưa có kết quả.
 |
Tàu Hằng Nga 4 trên bề mặt vùng tối của Mặt Trăng. |
Do LME không tự làm ấm được nên ngày đầu tiên trên Mặt Trăng – tương đương khoảng 14 ngày ở Trái Đất – mầm bông chết vì nhiệt độ giảm xuống -190 độ C. Nhưng thí nghiệm vẫn tiếp tục được tiến hành để kiểm tra giới hạn chịu đựng của LME trên Mặt Trăng.
Trước đó, Trung Quốc dự định đưa một chú rùa nhỏ lên Mặt Trăng, nhưng tàu Hằng Nga 4 không thể vận chuyển được mẫu vật nặng quá 3kg. Kể cả nếu được đưa lên thì nó sẽ không phải là chú rùa đầu tiên bay vào vũ trụ. Vinh dự này thuộc về 2 chú rùa trong Chương trình Zond 5 của Liên Xô năm 1968. Ngoài hai chú rùa còn có ruồi giấm và cây cỏ, hai chú rùa bị tước hết thức ăn và phải chịu đói đến khi trở về Trái Đất. Tuy nhiên, tàu Hằng Nga 4 vẫn là tàu vũ trụ đầu tiên đưa mẫu vật sống ở Trái Đất lên Mặt Trăng.
 |
Xe tự hành Thỏ Ngọc 2 rời tàu vũ trụ Hằng Nga 4 để thăm dò Mặt Trăng. |
Các nhiệm vụ khác của tàu Hằng Nga 4 gồm quan sát thiên văn, địa hình, thu thập và phân tích thành phần khoáng chất của Mặt Trăng, đo bức xạ neutron và các nguyên tử trung lập để nghiên cứu môi trường mặt tối của Mặt Trăng.
Thời gian tới, Trung Quốc dự định sẽ thực hiện các chương trình mang được nhiều dạng sống phức tạp hơn với tải trọng lớn hơn, đồng thời dự định phóng tàu Hằng Nga 5 và Hằng Nga 6 nhằm đưa mẫu phẩm từ Mặt Trăng về Trái Đất vào giữa năm 2020.
Bắc Kinh đang đặt mục tiêu theo kịp Nga và Mỹ để trở thành một cường quốc vũ trụ lớn trên thế giới vào năm 2030. Trong đó, nước này có kế hoạch xây dựng một trạm vũ trụ có người ở của riêng mình cũng như xây dựng một trạm nghiên cứu trên Mặt Trăng.
MAI HÀ (theo Science Alert, SCMP)