Công nghiệp bán dẫn trở thành ngành đào tạo “hot”
Để chuẩn bị nguồn nhân lực dồi dào cho ngành bán dẫn, các trường đại học đang tích cực mở rộng các chương trình đào tạo, thu hút học viên. Ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Công ty FPT IS kiêm Chủ tịch FPT Semiconductor chia sẻ, Trường Đại học FPT đang song hành đào tạo cả ba hệ ngắn, trung và dài hạn, hợp tác với gần 20 trường đại học quốc tế, mục tiêu đến năm 2033 có 30 nghìn nhân sự bán dẫn, phát triển dòng chip nguồn, chip IoT và AI chip, đóng góp vào mục tiêu có 50-100 nghìn nhân lực ngành bán dẫn của Chính phủ. Từ năm 2014 đến nay, FPT đã triển khai cung cấp các dịch vụ thiết kế vi mạch, phát triển lên khoảng 150 kỹ sư. Năm 2024, Trường Đại học FPT dự kiến tuyển 1.000 chỉ tiêu liên quan đến thiết kế vi mạch.
|
|
Giới thiệu về công nghệ bán dẫn tại Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP Hà Nội năm 2024.
|
Thời gian vừa qua, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã tăng cường chỉ tiêu đào tạo ngành bán dẫn. GS, TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, năm học vừa rồi trường tuyển sinh 2.960 chỉ tiêu thì hơn một nửa là các ngành liên quan trực tiếp đến bán dẫn. Nhà trường cũng bảo đảm đầu ra cho sinh viên, không chỉ riêng cho một công ty nào mà còn phù hợp với ngành công nghiệp bán dẫn trên toàn thế giới.
Trong quá trình đào tạo, các nhà trường còn tích cực phối hợp các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực để tăng tính hiệu quả của chương trình đào tạo. Trường Đại học Công nghệ đã hợp tác với Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) triển khai chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành vi mạch bán dẫn. Đây là chương trình đầu tiên đào tạo về công nghệ bán dẫn ở bậc sau Đại học tại Việt Nam. Học viên được cả nhà trường và phía Samsung hỗ trợ chi phí để hoàn toàn có thể toàn tâm toàn ý học tập và nghiên cứu.
Với một chiến lược lâu dài thì bên cạnh việc thu hút học viên, các nhà trường cũng có nhu cầu lớn với lực lượng giảng viên có chất lượng. Đại học Bách khoa Hà Nội đã xây dựng cơ chế riêng để thu hút đội ngũ giảng viên chuyên ngành bán dẫn có chất lượng. Vừa qua, trường đã tuyển dụng được một số phó giáo sư xuất sắc ở nước ngoài quay trở về Việt Nam làm việc. Đây cũng là một trong các giải pháp để giải bài toán thiếu nguồn nhân lực hiện nay. Đại học Bách khoa Hà Nội đặt mục tiêu sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu mạnh về công nghệ bán dẫn trong khu vực, hình thành các nhóm nghiên cứu, tập trung phát triển công nghệ lõi về vi mạch và chip bán dẫn. Trong đó, sẽ nghiên cứu phát triển thành công và nội địa hóa thiết kế, chế tạo một số IC và chip bán dẫn ứng dụng trong các hệ thống thông minh, phát triển nội địa hóa sản phẩm trong công nghiệp bán dẫn trong nước.
Nắm bắt thời điểm
Đánh giá về các lợi thế để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Hà Nội, GS, TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, Thủ đô có lợi thế đặc biệt nhờ là trung tâm giáo dục, hội tụ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu với đội ngũ giáo sư, chuyên gia hàng đầu về khoa học công nghệ cũng như lực lượng nhân lực trẻ dồi dào. Có thể thấy, địa bàn Hà Nội sẽ tập trung các đơn vị đi đầu trong việc xây dựng tháp nhân lực bán dẫn Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế là hiện TP Hà Nội vẫn chưa khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế này. PGS, TS Nguyễn Văn Quy, Trưởng khoa Vật liệu điện tử và Linh kiện, Trường Vật liệu - Đại học Bách Khoa Hà Nội đánh giá: “Công tác đào tạo nhân lực ngành bán dẫn vẫn đang gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất chuyên sâu cho chip bán dẫn còn thiếu phần mềm, máy móc đo kiểm, chế tạo thử nghiệm... Số lượng giảng viên, sinh viên thấp trong khi yêu cầu cơ sở vật chất đòi hỏi chi phí cao, đầu tư lớn”.
Theo thống kê, trong hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, Hà Nội hiện chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, cả về số lượng doanh nghiệp cũng như lực lượng lao động. Trong số hơn 5.000 kỹ sư thiết kế vi mạch tại Việt Nam, Hà Nội chỉ chiếm 8%, còn tại TP Hồ Chí Minh chiếm tới 85%. Do đó, nhiều chuyên gia khẳng định, nếu không bắt tay ngay, Hà Nội sẽ tuột mất cơ hội vàng bởi để đào tạo một kỹ sư ngành bán dẫn sẽ mất khoảng 3,5 đến 4 năm.
|
|
Giới thiệu về công nghệ bán dẫn tại Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP Hà Nội năm 2024. |
Theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, có ba thách thức lớn trong đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. Đó là phải đào tạo số lượng lớn cho một ngành công nghiệp; thời gian đào tạo ngắn bởi trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng có cơ hội trong 3 năm là tối đa. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực này buộc phải “nhảy” vào cuộc chơi toàn cầu, nghĩa là phải đào tạo chuẩn quốc tế để có thể làm việc và học tập ở nước ngoài.
GS, TS Chử Đức Trình cho rằng, để chuẩn bị cho một thị trường giáo dục và nhân lực, cần có các chiến lược gắn với ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Ngắn hạn là các nhà trường, cơ sở đào tạo thực hiện tốt chương trình đang có. Nhưng về trung và dài hạn thì cần đẩy mạnh đào tạo ở trình độ cao hơn nữa để chuẩn bị cho các trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) lớn toàn cầu về Việt Nam. Thành phố Hà Nội cần có cơ chế ưu tiên, khuyến khích và đầu tư cho đội ngũ nhân lực cùng chuyên gia trình độ cao với tầm nhìn xa hơn.
Đánh giá cao khả năng có thể đáp ứng số lượng kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn cho thị trường, TS Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết, Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” dự báo cần khoảng 50 nghìn kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn. Trên thực tế, qua khảo sát các trường đại học lớn của Việt Nam cũng như Hà Nội cho thấy, chúng ta hoàn toàn có khả năng đào tạo lực lượng này. Do vậy, thời gian tới, các chương trình đào tạo cần được đa dạng hóa, chú trọng nâng cao, chuyển đổi và liên thông. Việc hợp tác đào tạo quốc tế cần được triển khai bài bản, hiệu quả, có trọng tâm; xây dựng nguồn nhân lực phải đi đôi với xây dựng hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn và dựa trên thế mạnh và lộ trình phát triển của Thủ đô và đất nước.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng khẳng định, dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, thành phố ưu tiên phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và AI đi đầu trong phát triển các ngành mới nổi theo xu thế công nghệ hàng đầu của thế giới. Thành phố sẽ tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ và giải pháp phát triển công nghệ số nói chung với quan điểm “Chính quyền đồng hành - Doanh nghiệp hiến kế - Kinh tế phát triển”. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đầu mối, dẫn dắt nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo; là trung tâm thiết kế và cung ứng sản phẩm bán dẫn và trí tuệ nhân tạo hàng đầu của cả nước, ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới ở một số lĩnh vực.
Bài, ảnh: LÂM HƯNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.