Là một trong những đơn vị đang đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên để đào tạo ngành này, PGS, TS Nguyễn Thanh Tùng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học CMC cho rằng để có sự phát triển bền vững, cần những chính sách đột phá cho giảng viên ngành bán dẫn.

Phóng viên (PV): Từ năm học 2024-2025, Trường Đại học CMC mở ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông trong đó có chương trình Thiết kế vi mạch bán dẫn. Đâu là nền tảng để trường xây dựng chương trình cho một ngành không dễ đào tạo này? Trường tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho những trình độ nào trong tháp nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam?

PGS, TS Nguyễn Thanh Tùng: Tập đoàn CMC từ khi thành lập đã có nhu cầu nghiên cứu, phát triển lĩnh vực thiết kế vi mạch và đạt được một số thành công nhất định, trong đó có thể kể đến ứng dụng nhận diện khuôn mặt CIVAMS được thiết kế từ chip FPGA tại Viện Ứng dụng Công nghệ (CMC ATI). Từ tháng 6-2023, Tập đoàn CMC đã xây dựng dự án về thiết kế vi mạch với 3 trụ cột: Trường Đại học CMC đào tạo nguồn nhân lực, Viện ATI phụ trách hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ, Công ty CMC Global đào tạo nguồn kỹ sư hiện có liên quan đến điện tử - viễn thông để trở thành các kỹ sư thiết kế vi mạch. 

leftcenterrightdel
PGS, TS Nguyễn Thanh Tùng. 

Ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông tại Trường Đại học CMC được xây dựng với chương trình Thiết kế vi mạch bán dẫn là một trong những định hướng đào tạo cốt lõi. Chương trình đào tạo của Trường được xây dựng dựa trên nền đào tạo về công nghệ kỹ thuật điện tử theo tiêu chuẩn ABET, một tổ chức kiểm định uy tín của Hoa Kỳ. Nhà trường tập trung đào tạo chủ yếu ở khâu thiết kế, đào tạo các kỹ sư/cử nhân thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo.  

PV: Việc đảm bảo chất lượng từ đội ngũ chuyên gia, giảng viên đến cơ sở vật chất và giáo trình ra sao trong bối cảnh nhu cầu thị trường cao nhưng nguồn lực đào tạo còn hạn chế?

PGS, TS Nguyễn Thanh Tùng: Nhà trường ưu tiên tuyển chọn đội ngũ giảng viên tốt nghiệp từ các nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến, đối với các giảng viên khối ngành gần như điện tử, kỹ thuật máy tính, cơ điện tử... Trường Đại học CMC đã và đang kết hợp với các đối tác nước ngoài với sự hỗ trợ của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI). Nhà trường cũng đã cử giảng viên tham dự Khóa đào tạo về thiết kế vi mạch dành cho giảng viên các trường đại học khu vực Hà Nội và kỹ sư tại các công ty công nghệ lần thứ nhất do NIC tổ chức.

Trường Đại học CMC đã đầu tư cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Trước đó, Tập đoàn CMC đã hợp tác với Synopsys - một hãng thiết kế điện tử lớn của Mỹ để thành lập Phòng thí nghiệm IC Design tại Trường Đại học CMC. Sinh viên sẽ được thực hành tại các phòng thí nghiệm với trang thiết bị do Synopsys, Cadence cung cấp bản quyền. Đối với giáo trình và học liệu, nhà trường có hội đồng chuyên môn tuyển chọn những tài liệu, giáo trình của các đối tác tại Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc).

Các định hướng đào tạo của ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử – Viễn thông của Trường Đại học CMC đáp ứng nhu cầu cao của xã hội như: Thiết kế vi mạch bán dẫn (IC Design), Công nghệ Mạng và Truyền thông tiên tiến, Hệ thống nhúng và IoT. Định hướng Thiết kế vi mạch bán dẫn trang bị cho sinh viên kiến thức về phần cứng, phần mềm và thiết kế điện tử, có thể tham gia vào các khâu tư vấn, nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, hoặc đóng gói vi mạch trong hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam hoặc trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Ngoài ra, sinh viên được học kỹ năng sử dụng các công cụ thiết kế, mô phỏng và đánh giá kiểm tra từ các hãng nổi tiếng trên thế giới như Synopsys, Cadence, Siemens (Mentor Graphics), Xilinx… để tham gia các dự án tại doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
 Sinh viên Trường Đại học CMC được tăng cường trau dồi khả năng thực hành, nghiên cứu khoa học.

PV: Cơ hội thực tập và việc làm của sinh viên ra sao, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Thanh Tùng: Với mạng lưới doanh nghiệp liên kết trong nước và quốc tế và lợi thế trực thuộc Tập đoàn Công nghệ CMC, nhà trường cam kết việc làm cho 100% sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử – Viễn thông hệ song ngữ nhập học năm 2024. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được cam kết việc làm tại Tập đoàn Samsung, Microsoft và các công ty thành viên của Tập đoàn Công nghệ CMC như: CMC Telecom, CMC Global, CMC Technology & Solution, CMC Cyber security… 

Với sự hỗ trợ từ Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC (CMC ATI) - nơi nghiên cứu các ứng dụng công nghệ mới để phát triển sản phẩm cho Tập đoàn CMC, sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử – Viễn thông có cơ hội được trau dồi khả năng thực hành, nghiên cứu khoa học trong các dự án thực tế.

PV: Song song với hoạt động đào tạo, công tác dự báo ra sao để tránh tình trạng phát triển nóng vội, đào tạo ồ ạt trong ngành Thiết kế vi mạch?

PGS, TS Nguyễn Thanh Tùng: Đào tạo kỹ sư/cử nhân thiết kế vi mạch cần đầu tư nguồn lực và cơ sở vật chất rất nhiều, nhà trường đào tạo đáp ứng một phần nguồn lực được dự báo trong đề án phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.  

PV: Theo ông, cần có những chính sách gì để định hướng và phát triển ngành Thiết kế vi mạch một cách bền vững?

PGS, TS Nguyễn Thanh Tùng: Chính sách đầu tiên và quan trọng nhất là con người, cần có những chính sách đột phá về điều kiện và môi trường cho đội ngũ giảng viên. Ngoài ra, thị trường và nền công nghiệp sản xuất vi mạch tại Việt Nam chưa rõ ràng, cần có những chính sách mạnh mẽ để thu hút đầu tư trong và ngoài nước thúc đẩy nền công nghiệp này, từ đó mới hình thành thị trường lao động cho nền công nghiệp bán dẫn.

PV: Xin cảm ơn ông!

THU HÀ (thực hiện)

Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.