Việc nhận hồ sơ nhập học vào lớp 10 tại Hà Nội năm nay ở một số trường ngoài công lập gây nên bức tranh hỗn độn khi các thí sinh dù đạt mức điểm chuẩn thông báo của trường nhưng phụ huynh vẫn phải xếp hàng cả đêm để “tranh giành” suất học cho con bởi nhiều trường thông báo “sẽ dừng nhận hồ sơ khi tuyển đủ chỉ tiêu”.

leftcenterrightdel
Thí sinh dự kỳ thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội. 

Tình cảnh phụ huynh phải xếp hàng trắng đêm để nhập học cho con ở Hà Nội không chỉ xảy ra với học sinh vào lớp 10 mà còn xuất hiện trong đợt tuyển sinh đầu cấp khác. Nhìn vào số trường học và lớp học phổ thông tại thời điểm 30-9-2021 trong Niên giám thống kê năm 2021 của Tổng cục Thống kê, từ năm 2019 đến năm 2022 số lớp học khối trung học cơ sở tăng thêm 7.200 lớp trong khi số lớp học khối trung học phổ thông chỉ tăng thêm 3.400 lớp. Theo quy định trong Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, mỗi lớp học ở các cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông không vượt quá 45 học sinh. Như vậy sĩ số học sinh hai cấp này là tương đương. Điều đó có nghĩa là khối trung học phổ thông sẽ thiếu 3.800 lớp học nếu tiếp nhận hết học sinh trung học cơ sở.

Dù có ý kiến cho rằng thực hiện định hướng phân luồng nghề sau cấp THCS nên giảm dần quy mô THPT, nhưng vấn đề khiến dư luận băn khoăn là liệu học sinh có được tiếp cận cơ hội giáo dục công bằng. Năm 2022 Hà Nội quy định điểm xét tuyển vào lớp 10 công lập = (Điểm bài thi môn Toán + Điểm bài thi môn Ngữ văn) x 2 + Điểm bài thi môn Ngoại ngữ (tương đương 05 môn thi). Điểm trúng tuyển của các trường trung học phổ thông: Bắc Lương Sơn, Bất Bạt, Minh Quang lần lượt là 15; 17; 17, chia cho 5 thì bình quân mỗi môn chỉ cỡ 3 – 3,4 điểm là đỗ vào lớp 10 công lập. Cũng tại Hà Nội có trường học sinh thi đạt điểm trung bình 8,2 vẫn bị trượt. Tại Thành phố Hồ Chí Minh có thể tiếp nhận 70% học sinh lớp 9 vào trường công lập nhưng Hà Nội lại chỉ khoảng 55,8%. Sự chênh nhau gần 15 % giữa hai thành phố là do đâu?

Để đảm bảo tiêu chí công bằng trong giáo dục (cơ hội giáo dục, quá trình giáo dục và kết quả giáo dục) cần một cuộc cải cách giáo dục toàn diện, mà trước hết là đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh. Về điều này PGS,TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương. Do đó, cần có cơ chế giám sát quy hoạch đất cho giáo dục và xây dựng trường học ở các tỉnh, thành trên cả nước. “Xác định giáo dục là quốc sách, nhưng nhiều địa phương chưa ưu tiên quỹ đất cho giáo dục, chậm xây dựng trường học làm ảnh hưởng đến quyền đi học của trẻ”, PGS,TS Trần Xuân Nhĩ nói.

PGS, TS Trần Xuân Nhĩ cho hay: “Cách đây hơn 20 năm, Hà Nội có hội nghị bàn về vấn đề giáo dục toàn diện cho học sinh. Khi đó, tôi nêu 3 vấn đề, với các nội dung xoay quanh từ khoá “đất cho giáo dục”. Không có chỗ học sẽ không thể nói giáo dục toàn diện cho học sinh và càng không thể đặt vấn đề nâng chất lượng giáo dục. Vì thế, tôi mong rằng, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương dành quỹ đất để xây dựng trường học, phát triển giáo dục toàn diện".

Theo PGS, TS Trần Xuân Nhĩ, quy hoạch không dành đất cho giáo dục có thể dẫn đến thiếu trường lớp cho học sinh. Thực tế, nhiều trường học có số học sinh tăng đột biến, có lớp phải dồn ghép từ 50 đến 60 học sinh. Thậm chí, có nơi phụ huynh phải bốc thăm may rủi để giành được suất học cho con vào học ở trường học công lập thì không thể nói giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Để chấm dứt tình trạng cạnh tranh “khốc liệt” như thời gian qua, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Trần Thế Cương cho biết Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ bàn biện pháp để có hình thức tuyển sinh phù hợp, tránh tình trạng xếp hàng xuyên đêm. Ðể tiếp tục triển khai mạnh mẽ kế hoạch về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục, tạo điều kiện cho học sinh và phụ huynh học sinh, thành phố Hà Nội phấn đấu từ kỳ tuyển sinh năm học 2024-2025 tất cả các trường trên địa bàn triển khai đăng ký tuyển sinh trực tuyến, không thu hồ sơ đăng ký tuyển sinh trực tiếp.

THÁI AN