Với trẻ em, Tết không chỉ là hoa đào, hoa mai, bánh chưng, mứt kẹo, quần áo mới, nhận tiền mừng tuổi, đó còn là khoảng thời gian vui vẻ nhất của trẻ khi được cha mẹ cho du xuân khắp nơi, được tham gia nhiều trò chơi thú vị... Tuy nhiên, do điều kiện dịch, Tết này gần như mọi hoạt động lễ hội phải tạm dừng, nên nghỉ Tết trong suy nghĩ của trẻ em không khác gì nghỉ dịch.

Chiến sĩ và giáo viên, các cháu trường mầm non  gói bánh chưng tặng học sinh và hộ nghèo trên địa bàn. Ảnh: Báo Tin tức 

Vẫn biết, để có một cái Tết theo lẽ thường với điều kiện hiện nay là không thể. Tuy nhiên, trong trạng thái bình thường mới, chuyển từ “Zero Covid” sang sống chung an toàn, người dân sẽ không “ai ở đâu ở đó” như năm trước, mỗi nhà có thể áp dụng mô hình “bong bóng” vui xuân cho riêng mình. Tết là thời gian đặc biệt để mọi người trong gia đình nghỉ ngơi, vui chơi, cùng nhau tổ chức tiệc trà, xem phim, nghe nhạc, con cháu trò chuyện với ông bà nhiều hơn. Đó là một cơ hội gắn kết tình cảm gia đình, cùng nhau sống chậm, cùng hướng về những giá trị truyền thống, hiểu biết về văn hóa dân tộc.

Trong bối cảnh không có những lễ hội tụ tập đông người, cần tuân thủ những yêu cầu về phòng, chống dịch thì niềm vui Tết vẫn có thể tìm thấy thông qua các hoạt động trải nghiệm dành cho trẻ. Trẻ học cách gói bánh chưng, tìm hiểu vì sao lại có lễ Giao thừa, xông đất, tục mừng tuổi... Trẻ có thể hào hứng hoàn thành một “dự án Tết” với “thử thách” bày mâm ngũ quả, cắm hoa, sưu tầm hình ảnh Tết cổ truyền. Các em cùng gia đình đi thăm viếng, chỉnh trang, tôn tạo lại phần mộ tổ tiên...

Kỳ nghỉ Tết dài, thay vì vui chơi, các em có thể cùng người lớn tham gia những hoạt động thiện nguyện, gói những món quà, gửi gắm những lời chúc tặng trẻ em nghèo; lên kế hoạch tổ chức đón xuân cho những người không có điều kiện về quê ăn Tết. Đây cũng là cơ hội để trẻ em tự ý thức về sự trưởng thành của bản thân, có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng hơn.

Dù ngày Tết của "thời Covid" có nhiều hạn chế, chúng ta vẫn luôn biết cách tìm thấy niềm vui và động lực sống cho mình và lan tỏa điều đó tới con trẻ. Bởi, đó không chỉ là chuỗi ngày nghỉ ngơi hay giải trí mà còn là dịp sum vầy, được dành trọn tâm trí và thời gian cho gia đình, tổ tiên hay dòng tộc-điều không dễ thu xếp trong cuộc sống ngày thường.

Suốt cả một năm học online, thứ mất mát lớn nhất của trẻ em khi ở nhà không phải là kiến thức mà là những tổn thất về tinh thần, thể chất... Vì thế, trẻ em đang rất cần những ngày nghỉ Tết như vậy để làm hành trang khởi đầu cho một năm mới vui tươi hơn, để Tết là niềm vui, sự lạc quan, đúng như dân gian ta thường hay nói: “Vui như Tết”.

THÁI AN