Để chọn được ngành học thật sự phù hợp, cần rất nhiều yếu tố như: Đam mê, sở thích, năng lực, cơ hội nghề nghiệp sau này. Tuy nhiên, khi trực tiếp tham gia một buổi hướng nghiệp với chủ đề “GenZ chọn nghề-hiểu đúng-chọn trúng” được tổ chức tại Trường THPT Kim Anh, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội vào tháng 4-2024, chúng tôi thấy không phải học sinh nào cũng trả lời được câu hỏi mình có đam mê, sở thích, mong muốn ngành học nào. Đa số các bạn còn chọn trường vì tâm lý đám đông, thấy bạn bè xung quanh chọn nên cũng chọn theo hoặc một số bạn đánh giá chưa đúng về năng lực cũng như sở thích của mình. Có nhiều bạn sau khi tiếp cận chương trình đại học lại cảm thấy không phù hợp với bản thân, dễ chán nản thậm chí bỏ dở chương trình học. Chính vì vậy, sự định hướng, hướng nghiệp từ trường THPT rất quan trọng.

leftcenterrightdel
 Học sinh Trường THPT Kim Anh trong buổi định hướng nghề nghiệp “GenZ chọn nghề”.

Bạn Nguyễn Thị Kim Oanh, học sinh lớp 11 Trường THPT Kim Anh cho biết: “Thông thường em thường tìm hiểu về các ngành học thông qua internet, tuy nhiên em thấy những thông tin đó chưa mang lại cho bản thân cái nhìn khách quan và toàn diện để hiểu rõ hơn về các ngành học mà mình quan tâm, nên em rất hào hứng tham gia những buổi ngoại khóa hướng nghiệp do nhà trường tổ chức như thế này”. Cùng con gái tham gia buổi hướng nghiệp, chị Nguyễn Thị Huệ, phụ huynh em Oanh chia sẻ: “Từ trước đến nay, tôi có quan tâm đến sở thích của con nhưng không hiểu được ngành nào là phù hợp cho con hay có cơ hội làm việc cao. Những chương trình như định hướng nghề nghiệp tôi nghĩ là cần thiết, để không chỉ các con mà những phụ huynh như tôi có thêm những góc nhìn để hiểu con hơn”.

Hiện nay, có rất nhiều bài kiểm tra để đánh giá mức độ phù hợp của học sinh với các ngành học như các bài kiểm tra tính cách, xem vân tay, sinh trắc học, các phần mềm AI phân tích chỉ số của mỗi người. Các bài kiểm tra như một cơ sở nhỏ để đánh giá mức độ phù hợp của mỗi người với các ngành nghề khác nhau. Từ đó, nhận ra thế mạnh, điểm yếu của bản thân, xác định bản thân phù hợp với khối ngành nào để có định hướng tốt hơn, tránh hoang mang, cảm tính. Giai đoạn hiện nay, các trường THPT đều tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp. Cùng với đó, nhiều đơn vị phối hợp tổ chức các chương trình tư vấn chọn ngành, chọn nghề với sự tham gia của các chuyên gia về đào tạo, tâm lý, chuyên gia dự báo nguồn nhân lực... Đây là cơ hội để học sinh có thể đặt câu hỏi trực tiếp với chuyên gia để có thêm thông tin tham khảo, phục vụ cho việc chọn nghề cho tương lai.

Nắm rõ được vai trò quan trọng cũng như tác động lớn trong việc lựa chọn cho học sinh, thầy Nguyễn Xuân Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Anh cùng Ban giám hiệu nhà trường tích cực đẩy mạnh các buổi trao đổi, định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong trường. Thầy Nguyễn Xuân Tuấn cho biết: “Việc đánh giá đúng năng lực cũng như mức độ phù hợp của học sinh với các trường đại học, ngành học là vô cùng quan trọng. Bởi mỗi ngành nghề yêu cầu một đặc điểm riêng. Mỗi năm nhà trường đều mời các chuyên gia trong việc định hướng nghề nghiệp để có các buổi trò chuyện, trao đổi cho học sinh hiểu rõ thêm các khối ngành học. Ngoài các buổi định hướng nghề nghiệp, hằng năm nhà trường cũng tổ chức các hoạt động như “Trải nghiệm một ngày làm sinh viên” tại các trường đại học, cao đẳng mà các bạn học sinh có nhu cầu. Đây là những buổi trải nghiệm thực tế, cho các em có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp trước khi quyết định học ngành, nghề gì”.

Trước ngã rẽ của con đường lựa chọn tương lai, các em học sinh đặc biệt là học sinh cuối cấp THPT rất cần sự quan tâm, định hướng từ nhà trường và gia đình. Vì vậy các trường THPT cần thường xuyên, tích cực thực hiện các chương trình, giải pháp để học sinh cũng như phụ huynh có cái nhìn đúng đắn về việc học văn hóa, học nghề phù hợp, tránh lãng phí kinh tế, thời gian của gia đình và xã hội. Đồng thời, cá nhân, gia đình cũng cần tìm kiếm thông tin để phân tích định hướng cho con em mình ngành, nghề phù hợp trước khi bước chân vào các trường đại học, cao đẳng, hay các trường nghề.

Bài và ảnh: BÙI LÊ - PHƯƠNG NINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.