Vì vậy, việc bảo vệ an toàn cho trẻ trong mùa hè có dịch, tránh các rủi ro; tai nạn thương tích trong dịp hè... cần được nhà trường, phụ huynh và cả xã hội đặc biệt quan tâm.

Học sinh Trường Tiểu học Bà Triệu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) học trực tuyến tại nhà. 

Rủi ro do bất cẩn của người lớn

Chưa đầy nửa tháng 4-2021, cả nước liên tiếp xảy ra các trường hợp học sinh bị tai nạn đuối nước thương tâm. Cách đây ít ngày, trên địa bàn huyện Đô Lương (Nghệ An) một học sinh bị đuối nước do tắm sông. Để khắc phục tình trạng trên, Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (Đô Lương, Nghệ An) triển khai ký cam kết với phụ huynh về việc không để trẻ tắm sông. Theo ông Trần Hoàng Thượng, Hiệu trưởng nhà trường, do trường gần sông Lam, sông Đào nên nhiều năm nay, công tác phổ cập bơi cho học sinh được nhà trường chú trọng. Theo thống kê của Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, trong số hơn 600 học sinh toàn trường hiện nay, có khoảng 400 học sinh đã biết bơi. Ông Trần Hoàng Thượng cho biết: “Cùng với việc phổ cập bơi, để bảo đảm an toàn cho học sinh dịp nghỉ hè, nhà trường rất cần sự phối hợp chặt chẽ của gia đình trong quản lý các em, nhất là trong dịp nghỉ hè”.

Không chỉ đuối nước, việc trẻ em nghỉ học ở nhà mà không có sự quản lý của người lớn là một trong những nguyên nhân xảy ra những tai nạn thương tích thường gặp, như: Bỏng, giật điện, ngã, súc vật cắn... Theo thông tin từ Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh, trong 4 tháng đầu năm 2021, bệnh viện này đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị bỏng do nước sôi, bỏng cồn, bỏng dầu ăn... Bác sĩ Đỗ Hoàng Việt, Khoa Ngoại và Chuyên khoa (Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh) cho biết: “Lứa tuổi bị bỏng nhiều nhất là từ 2 đến 5 tuổi, do độ tuổi này, các con rất hiếu động, chưa ý thức được nguy hiểm. Các trường hợp này xảy ra hầu hết đều do sự bất cẩn của người lớn”.

Phụ huynh dành thời gian cho con khi ở nhà. 

Tăng cường kỹ năng sống cho trẻ

Ý thức được vai trò quan trọng của việc phòng, tránh tai nạn thương tích cho trẻ khi ở nhà, nên trong thời gian học sinh phải tạm dừng đến trường do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vào mỗi tiết dạy học online, giáo viên Trường Tiểu học Ba Đình (Ba Đình, Hà Nội) đều lồng ghép giáo dục học sinh các kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích; phòng, chống dịch bệnh. Bà Trần Thị Tố Trinh, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để phòng, tránh tai nạn thương tích cho học sinh, trước tiên phải dạy cho các em hiểu và biết cách xử lý, tự vệ bản thân; biết thận trọng khi chơi những đồ vật, nơi nguy hiểm... Đây cũng là nhiệm vụ mà nhà trường đã thực hiện hằng năm để bảo đảm an toàn cho học sinh vào dịp nghỉ hè”.

Nhắc tới một số tai nạn thường gặp tại nhà của trẻ, PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai bày tỏ lo ngại khi các chương trình về phòng, tránh tai nạn thương tích cho trẻ ở nhà vẫn chưa đến được với người dân, trong khi các nước phát triển, các chương trình này khá phổ biến. PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng minh chứng thực tế bằng số tai nạn ở nhà của trẻ như: Nuốt dị vật, ngã cầu thang, uống nhầm thuốc... vẫn gia tăng hằng năm. Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích; trong đó, nhóm tuổi từ 15 đến 19 chiếm tỷ lệ cao nhất (chiếm 43%). Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp/năm chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trên toàn quốc do tất cả các nguyên nhân.

Để học sinh an toàn trong kỳ nghỉ hè sắp tới, PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo: “Phụ huynh nên chú ý quản lý con khi ở nhà. Đối với trẻ từ 3 đến 5 tuổi-độ tuổi trẻ thường rất hiếu động, tò mò, muốn tìm hiểu thế giới xung quanh, nếu trẻ ở nhà, phụ huynh nên quan sát, cẩn thận các vật sắt nhọn, phích nước, thuốc men, ban công... để tránh những rủi ro không đáng có. Còn đối với trẻ độ tuổi lớn hơn, phụ huynh nên chủ động giáo dục trẻ các kỹ năng phòng, tránh các tai nạn thương tích có nguy cơ xảy ra khi ở nhà mà không có sự giám sát, quản lý của người lớn”.

Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀI