Khi tâm huyết, trách nhiệm của giáo viên bị thử thách

Lâu mới có dịp về họp lớp, thấy cậu bạn làm giáo viên có vẻ trầm tư, tôi hỏi đùa: “Ngày nào cũng hai buổi tới lớp, được ngày nghỉ lại phải đi họp lớp nên ngán ngẩm à?”. Cậu bạn tôi lắc đầu: “Nhìn tụi mình ríu rít, nhớ tuổi học trò ngày xưa tuy nghịch ngợm nhưng đứa nào cũng kính trọng thầy cô. Học trò của mình bây giờ nhiều em ứng xử chán lắm, buồn... bạn ạ!”.

Bạn tôi vốn là người có tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng vì học trò. Bởi thế, cậu ấy thường “ốp” học sinh học hành đến nơi đến chốn. Bên cạnh các học sinh ham học, yêu quý thầy, thì cũng có những học sinh ngỗ nghịch không ưa bạn tôi. Có em còn tỏ thái độ thách thức: “Tôi đố thầy đánh tôi đấy! Thầy đánh tôi, tôi sẽ cho thầy mất... dạy luôn!". Khi bạn tôi gọi điện mời phụ huynh tới trường gặp gỡ, trao đổi về phương hướng uốn nắn con, phụ huynh cũng "xổ toẹt", còn nói những câu rất sỗ sàng... "Mình cố công để dạy con người ta nên người mà bị ứng xử như thế thì cảm thấy tổn thương vô cùng", bạn tôi buồn bã nói.

Bạn tôi kể, hầu như giáo viên nào cũng gặp phải những trường hợp cá biệt như thế. Thật buồn là những trường hợp cá biệt ấy có vẻ ngày càng nhiều hơn. Những hành vi, lời nói như vậy khiến một số giáo viên phản ứng tiêu cực, mặc kệ học sinh thuộc diện “coi trời bằng vung” muốn làm gì thì làm. Nhưng bạn tôi cho rằng, việc thầy cô bỏ mặc như thế sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực tới những học sinh chăm ngoan. "Càng không thể mặc kệ thì học sinh lại càng có hành vi chống đối mạnh hơn. Nhiều lúc, tôi cảm thấy phát điên, cảm thấy bất lực. Tôi cũng đã tính đến chuyện bỏ nghề, mở một hàng quán nho nhỏ cho thảnh thơi đầu óc”, bạn tôi tâm sự.

leftcenterrightdel
 Cô giáo trò chuyện với học sinh tại Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (quận Đống Đa, TP Hà Nội).

Gần đây, khi xem clip một học sinh nói năng thiếu chuẩn mực, xưng hô “mày-tao” với thầy giáo trên mạng, tôi bất chợt nhớ tới lời tâm sự của bạn tôi-một người học giỏi, yêu thầy cô, trường lớp nên quyết tâm theo ngành sư phạm để được trở về dạy ở đúng ngôi trường mà mình đã từng học, nơi mình rất yêu quý, để góp sức rèn giũa học trò nên người. Ước mơ, hoài bão lớn lao một thuở của bạn tôi đang bị thử thách nghiêm trọng. Không biết bạn có đủ kiên nhẫn để đi tới cùng với ước vọng ấy hay không? 

Chấn hưng truyền thống “Tôn sư trọng đạo”

Trong các phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng khi chưa đầy hai năm qua có tới 16.265 giáo viên xin nghỉ việc, trong đó có 10.407 giáo viên khối công lập và 5.858 giáo viên thuộc khối ngoài công lập. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng đó là hiện tượng không thể coi là bình thường, phải được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để có giải pháp tổng thể.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng giáo viên nghỉ việc nhiều trong hai năm qua. Trong số các nguyên nhân được liệt kê có vấn đề về lương, có vấn đề về áp lực công việc, môi trường làm việc, có cả vấn đề liên quan tới một bộ phận giáo viên không đủ điều kiện để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có một số giáo viên phản ánh họ được đào tạo đơn môn nhưng phải dạy tích hợp, nên không đủ tự tin để đứng lớp. “Tôi nghĩ, sắp tới, ngành giáo dục chắc chắn sẽ phải đối mặt với chuyện này, cần phải phân tích thật kỹ những vấn đề về lương, điều kiện, môi trường làm việc...”, bà Nguyễn Thị Mai Hoa nói.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay, số giáo viên bỏ việc nhiều nhất là ở bậc mầm non, chiếm hơn 40% tổng số giáo viên nghỉ việc. Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non từ 35% lên 70%, ngang với mức phụ cấp cũ của cán bộ y tế cấp cơ sở.

Rõ ràng, câu chuyện tiền lương và thu nhập của giáo viên cần phải được quan tâm hơn, bởi “có thực mới vực được đạo”. Nếu tiền lương còn chưa đủ để giáo viên trang trải cuộc sống hằng ngày, “thấp hơn cả lương công nhân”, thì giáo viên chưa thể toàn tâm toàn ý lo cho việc giũa rèn thế hệ tương lai của đất nước. Nhưng, bên cạnh câu chuyện “cơm áo gạo tiền”, giáo viên còn phải đối mặt với áp lực tâm lý không nhỏ. Ấy là sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận học sinh và cả một bộ phận phụ huynh. Có những người không chỉ dễ dàng buông lời lẽ xúc phạm giáo viên, mà còn sẵn sàng dùng cả vũ lực với thầy giáo, cô giáo đang dạy con họ-những người đáng ra phải được tôn kính. 

Về lâu dài, để “giữ chân” những giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề và thực lòng lo cho thế hệ tương lai của đất nước, bên cạnh tiền lương thì còn vấn đề rất quan trọng là phải chấn hưng truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc. Muốn vậy thì cần có giải pháp uốn nắn những lệch lạc trong suy nghĩ của một bộ phận học sinh và người nhà học sinh về nghề giáo. Nếu không thể làm tốt việc này thì không những khó “giữ chân” giáo viên giỏi, tâm huyết, mà còn tạo ra những hệ lụy khôn lường. Khi giáo viên đã phải bất lực, làm ngơ trước những hành vi và lời nói thiếu chuẩn mực của học sinh, người nhà học sinh, hoặc phải từ bỏ nghề giáo để không phải đối mặt với những tình huống trớ trêu trong nghề, thì cái xấu sẽ trỗi dậy. Những đứa trẻ ở nhà thì xấc xược với ông bà, cha mẹ, tới lớp thì xúc phạm giáo viên, nếu không được uốn nắn kịp thời, lớn lên sẽ thành người như thế nào?

Giáo viên bỏ việc, nhìn bề ngoài thì tưởng “thường thôi”, nhưng ẩn chứa đằng sau thì còn nhiều vấn đề, chất chứa những mối nguy hại khôn lường, không thể xem thường!

Bài và ảnh: CHIẾN THẮNG