Phóng viên (PV): Thưa Giáo sư Vũ Hà Văn, đến nay, Viện BigData đã thực hiện thành công việc giải mã gene người Việt như thế nào?

Giáo sư Vũ Hà Văn: Viện BigData đã hoàn thành công trình giải mã gene người Việt. Nếu chúng ta không giải quyết bài toán này sẽ không có nước nào làm cho mình. Công trình đó dữ liệu lớn hiện được nhiều nhà khoa học nghiên cứu về người Việt sử dụng. Ngoài ra, BigData còn có những ứng dụng cụ thể. Ví dụ như BigData có công ty chuyên về giải mã gene, cung cấp thông tin chính xác người đến khám bệnh để dự báo một người mắc bệnh gì, nên sử dụng thuốc nào cho phù hợp, chế độ dinh dưỡng thế nào. Như vậy, chúng ta đã có thể dùng dữ liệu của người Việt để giải các bài toán cho người Việt.

Những nghiên cứu về BigData rất có lợi cho y học cho chẩn đoán và trị liệu. Hướng y học mà BigData đang muốn đẩy nhanh là cá thể hóa và y học chính xác. Chúng tôi sẽ cá thể đến từng người với cách trị liệu khác nhau.

Đặc biệt, việc xét nghiệm gene sẽ giúp xem tiềm năng một người có thể mắc một số bệnh lý nào. Hiện nay, người Việt Nam chúng ta phải ốm mới đến bác sĩ và khi sử dụng thuốc điều trị thấy ổn định bệnh là yên tâm. Nếu chúng ta quan tâm đến phòng bệnh sẽ có chi phí rẻ hơn chữa bệnh nhiều. Đó là bài toán mà xét nghiệm gene sẽ giúp chúng ta.

Giáo sư Vũ Hà Văn.

PV: Công trình giải mã gene người Việt đã được đưa vào ứng dụng điều trị ung thư tại Việt Nam chưa thưa giáo sư?

Giáo sư Vũ Hà Văn: Chúng tôi chưa có ứng dụng cụ thể vào ung thư mà chỉ có ứng dụng cụ thể vào phát hiện sớm các bệnh khác như tim mạch, tiểu đường hoặc phát hiện các loại thuốc. Ví dụ, hiện nay chúng có khoảng 10 bệnh tiêu biểu BigData sẽ giúp tìm ra một người nên dùng loại nào tốt nhất cho điều trị. Việc này rất quan trọng vì khi biết thuốc thích hợp nhất với cơ thể sẽ vừa tiết kiệm tài chính vừa lợi cho cơ thể. Hiện nay, chúng tôi đã đưa công nghệ này vào ứng dụng ở một số đơn vị.

PV: Thưa giáo sư, việc phát triển công nghệ ứng dụng trong điều trị ung thư của VinBigData hiện nay như thế nào?

Giáo sư Vũ Hà Văn: Việc nghiên cứu về công nghệ điều trị ung thư rất khó và để một công ty Việt Nam tự làm sẽ rất lâu. Chúng tôi đang nghiên cứu theo hướng tìm đối tác nước ngoài mạnh ở lĩnh vực này. Dựa trên cơ sở nghiên cứu của họ từ nhiều năm, chúng tôi có thể dùng thêm dữ liệu người Việt để chính xác hóa, Việt hóa thành tựu đó là một hướng đi khả thi. Nếu chúng ta lựa chọn nghiên cứu một công trình từ ban đầu sẽ phải tính thời gian bằng cả hàng chục năm.

PV: Công nghệ sẽ có sự hỗ trợ thế nào trong việc giải quyết việc phòng ung thư tại Việt Nam?

Giáo sư Vũ Hà Văn: Ung thư là vấn đề phức tạp. Tôi không phải là chuyên gia về ung thư. Nhưng đứng ở khía cạnh làm thống kê, tôi thấy công nghệ có thể giúp đỡ nhiều trong giải bài toán ung thư và bệnh phức tạp khác.

Ví dụ, từ trước đến nay các bác sĩ khám cho bệnh xem đã mắc ung thư hay chưa, mắc ở giai đoạn nào và phương pháp nào trị liệu chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Bác sĩ càng nhiều kinh nghiệm, càng chẩn đoán sát bệnh lý nhất. Nhưng với việc có kho dữ liệu lớn, có hồ sơ của hàng triệu bệnh nhân, khi bác sĩ dùng thuật toán AI (trí tuệ nhân tạo) có thể hỗ trợ đọc hàng triệu hồ sơ lưu trữ sẵn trên hệ thống, qua đó, xác định được thông tin chính xác hơn về bệnh lý của một người và tìm ra cách trị liệu tốt hơn cho bệnh nhân. Thêm nữa, với sức mạnh của thuật toán, chúng ta có thể phân tích dữ liệu phong phú về gene, có thể đem lại thông tin chính xác, phát hiện bệnh sớm hơn so với các cách khác thông thường.

PV: Làm thế nào đưa công nghệ vào việc phòng, chống ung thư tại Việt Nam?

Giáo sư Vũ Hà Văn: Công nghệ chữa ung thư chỉ là một phần của vấn đề, quan trọng nhất là chúng ta phải phát hiện sớm được ung thư. Khi một người đã mắc ung thư thì việc chữa bệnh rất đau đớn và tốn kém. Tôi nghĩ chúng ta phải hướng tới làm sao phát hiện sớm, tìm ra được các nguyên nhân chính gây bệnh ung thư ở Việt Nam. Đây là vấn đề công nghệ giúp đỡ được.

PV: Hiện có nhiều bệnh liên quan đến gene, BigData có phát hiện sớm được các bệnh lý như ung thư hay không thưa giáo sư?

Giáo sư Vũ Hà Văn: Trong tương lai, các nghiên cứu khi dựa vào cơ sở dữ liệu sẽ có khả năng cao phát hiện sớm một số bệnh ung thư. Đây là cách phát hiện mà hiện nay không bệnh viện nào làm được. BigData cũng có thể phát hiện gene bệnh và thông qua các dữ liệu tổng hợp có thể biết được cách trị liệu chính xác nhất vì bệnh ung thư hiện có nhiều phương pháp điều trị.

PV: Giáo sư đánh giá thế nào về sự phát triển của khoa học công nghệ tại Việt Nam?

Giáo sư Vũ Hà Văn: Vài năm gần đây, Nhà nước và xã hội đã dành sự quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển khoa học công nghệ. Hiện nay cách mạng khoa học công nghệ là cơ hội của Việt Nam, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam vì đặc trưng của cuộc cách mạng này là không cần chúng ta có nguồn tài nguyên nào mà nó là cuộc cách mạng về nhân lực.

Cuộc cách mạng khoa học công nghệ này thế giới không giấu thông tin nữa. Ý tưởng lớn đã có sẵn, chúng ta cần những người đủ giỏi để dùng ý tưởng đó, chỉnh sửa cho phù hợp với người Việt Nam. Đây là sự khác biệt của lần cách mạng khoa học này so với lần cách mạng khoa học trước. Nếu chúng ta có nguồn nhân lực đủ tốt, tăng cường đào tạo sinh viên thì các nhà khoa học trẻ hoàn toàn lĩnh hội được kiến thức thế giới đã tìm ra.

PV: Việt Nam cần làm gì tăng cường ứng dụng AI trong chăm sóc sức khỏe?

Giáo sư Vũ Hà Văn: Tôi nghĩ Việt Nam cần có một số luật để quy định cụ thể xem ứng dụng nào các bệnh viện có thể dùng được. Thứ 2, chúng ta phải có sự đầu tư về mặt khoa học. Ví dụ như Vingroup đầu tư mạnh vào lĩnh vực khoa học công nghệ với vai trò là một nhà đầu tư lớn. Hiện nay, không có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào phát triển khoa học công nghệ.

PV: Thưa giáo sư, giới trẻ có vai trò như nào trong công cuộc nghiên cứu khoa học hiện nay?

Giáo sư Vũ Hà Văn: Đây là lực lượng lao động chính và là điểm mạnh chính của Việt Nam. Trong cuộc cách mạng khoa học lần này, nhân lực là tài sản chính của chúng ta. Điều chúng ta cần làm cho các bạn đủ tầm suy nghĩ và kiến thức. Hiện có trường đại học chỉ chuyên dạy kỹ năng nào đó nhưng đó mới chỉ là một phần của vấn đề. Ngoài kỹ năng ấy, các trường cần phải tạo cho các em suy nghĩ để có tư tưởng trở thành người tìm ra vấn đề mới.

PV: Hiện nay nhiều bạn trẻ sau khi đi nước ngoài học tập không chọn về Việt Nam, giáo sư nghĩ sao về việc này?

Giáo sư Vũ Hà Văn: Đây là tình trạng đã diễn ra 20-30 năm nay. Nhà nước và xã hội đều quan ngại về điều đó. Tôi nghĩ, để kéo các bạn trẻ về Việt Nam chỉ có cách để cho họ thấy Việt Nam có những cơ hội về mặt tài chính.

Về mặt cơ hội, hiện chúng ta có quá ít nhân lực lao động chất lượng rất cao. Những người có bằng tiến sĩ trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng nếu thuê nước ngoài thì giá thuê rất cao.

Về mặt dại học, tôi nghĩ các trường cần phải tìm người giỏi chịu về Việt Nam giảng dạy và phải có cơ chế nào đó tốt nhất trong vòng 2-3 năm đầu như có chế độ hỗ trợ giúp họ ổn định cuộc sống.

Tại Vingroup có 2 quỹ về đổi mới sáng tạo có những học bổng hỗ trợ các nhà khoa học trẻ vừa đi học ở các nước tiên tiến về trong 1-2 năm đầu để họ yên tâm làm việc, cống hiến. Trong 2 năm qua, chúng tôi đã hỗ trợ 70-80 bạn trẻ và nhiều bạn khi lựa chọn về các tỉnh lẻ rất cảm ơn sự hỗ trợ này. Tôi nghĩ, đó là sự đầu tư đáng giá, thiết thực bởi việc bỏ ra ban đầu không nhiều so với chi phí khác. Tôi nghĩ, tại sao chúng ta không có thêm những quỹ khác dành cho các nhà khoa học trẻ. Tôi ước mơ 5-7 năm nữa, nhiều doanh nghiệp sẽ có quỹ tương tự, không chỉ lợi cho nhà khoa học trẻ mà bản thân cũng mang lại lợi ích cho doanh nghiệp trong thu hút nhân tài đến làm việc.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư Vũ Hà Văn!

NGỌC QUỲNH