Ông Lê Anh Vinh, Phó viện trưởng Phụ trách Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng: Kết quả 10 năm gần đây cho thấy Việt Nam làm tốt trong việc thúc đẩy phổ cập giáo dục, cải thiện bất bình đẳng, duy trì mặt bằng chất lượng giáo dục ở mức cao trên thế giới so với mức thu nhập bình quân đầu người. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại trong hệ thống, chương trình, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Tất cả những gì chúng ta đang nghĩ, đang làm, đang tin tưởng đều có thể phải thay đổi.

 Các diễn giả tham gia hội thảo.

Trong 10 năm qua số lượng học sinh giáo dục mầm non tăng mạnh, chủ yếu ở các cơ sở mầm non công lập. Ở cấp tiểu học và THCS có sự tăng nhẹ. THPT giảm nhẹ nhưng con số dự báo hai chiều này có thể đảo ngược trong 10 năm tới. Giáo dục đại học cho thấy sự tăng quy mô đáng kể trong 20 năm qua với hơn 50% là sinh viên nữ. Tuy nhiên, từ năm 2010 quy mô sinh viên không thay đổi nhiều, tỷ lệ người học đại học còn thấp so với các nước trong khu vực.

Về chất lượng giáo dục, Việt Nam đạt kết quả cao trong các đánh giá quốc tế, đồng thời đội tuyển Việt Nam đạt thành tích cao trong các kỳ thi Olympic khoa học quốc tế. Tuy nhiên, kết quả học tập giữa các học sinh còn nhiều cách biệt, liên quan tới các đặc điểm như nơi sinh sống, dân tộc, điều kiện kinh tế của học sinh. Giáo dục Việt Nam được đánh giá nền giáo dục có hiệu quả đầu tư cao so với các nước khác. Tương tự như vậy, các điều kiện bảo đảm về đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên, nguồn nhân lực; cơ sở vật chất hay tài chính đều cho thấy nhiều thành tựu nhưng cũng còn những tồn tại cần giải quyết.

Hội thảo có 6 phiên, nhằm hoàn thiện báo cáo phân tích ngành Giáo dục Việt Nam 2011-2020; đóng góp cho giáo dục Việt Nam, đặc biệt giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Ngoài những diễn giả tham gia thảo luận chính, trong các phiên ban tổ chức còn thiết kế các câu hỏi tương tác  để tất cả những người tham gia hội thảo đều có thể đóng góp ý kiến, tư vấn cho những vấn đề được đặt ra.

Tin, ảnh: LAN DỊU