Như chạm đúng nỗi lòng, bạn tôi ấm ức nói: “3 bộ SGK lớp 3, khoảng 40 quyển mà cấp trên bắt đọc và góp ý trong vòng 2-3 ngày. Chưa kể, giáo viên phải lập từng đó phiếu đánh giá ưu, khuyết điểm của từng quyển sách và quyết định dùng bộ sách nào. Thật sự quá hình thức!”.
Tìm hiểu kỹ mới thấy áp lực thời gian khiến họ phải đọc với tốc độ “tên lửa”. Nếu ngồi ròng rã 3 ngày chỉ để đọc từng đó cuốn sách chưa chắc đã đọc và hiểu hết. Đằng này, giáo viên vẫn phải bảo đảm những công việc chuyên môn, vừa dạy, vừa chuẩn bị sổ sách, kiểm tra, học các chương trình bồi dưỡng... Đến khi ngồi vào bàn để đọc sách thì cũng là lúc mệt mỏi rã rời. Chưa kể, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, họ phải nhận xét các bộ sách theo 3 nhóm tiêu chí: Phù hợp với học sinh, thuận lợi cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; phù hợp với đặc điểm kinh tế-xã hội ở địa phương. Mỗi nhóm tiêu chí lại có từ 3 đến 4 yêu cầu...
 |
Sách giáo khoa lớp 3. Ảnh minh họa: Internet. |
Để kịp tiến độ, giáo viên chỉ còn cách góp ý qua loa, rồi chọn một bộ sách nào đó. Vậy nên, những góp ý chẳng những không chỉ ra được “sạn” mà còn rất hình thức, lãng phí.
Để hạn chế sai sót về kiến thức và loại bớt những “sạn” không đáng có như một số bộ sách ở lớp 1, lớp 2 và lớp 6 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Trong đó, Bộ GD&ĐT hướng dẫn cụ thể tỷ lệ phần trăm (%) số tiết thực nghiệm đối với từng môn học.
Tuy nhiên, SGK hiện nay đã xã hội hóa, chuyện thực nghiệm ở các nhà trường do các nhà xuất bản bỏ kinh phí và chủ trì. Bởi vậy, công việc thực nghiệm như thế nào, các đơn vị biên soạn, xuất bản SGK có làm đúng, làm chặt chẽ hay không thì có lẽ cần phải có những minh chứng, sự giám sát cụ thể của các cơ quan chuyên môn của Bộ GD&ĐT. Nếu chỉ dừng lại trên báo cáo thì e chưa thuyết phục.
Dư luận vẫn chưa quên, từ năm học 2020-2021 đến nay, 3 bộ SGK lớp 1, 2 và 6 đều có sạn. Ví như SGK Tiếng Việt lớp 1 (Bộ Cánh diều) phải phát hành bổ sung ở năm học thứ 2, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phải thu hồi 110.000 cuốn sách để sửa chữa và hủy, in ấn lại 38.000 cuốn sách Khoa học tự nhiên 6 (Bộ Kết nối tri thức và cuộc sống). Gánh chịu những sai sót đó là người học và sự lãng phí tiền bạc của gia đình, nhà trường, xã hội.
Thiết nghĩ, cùng với nâng cao trách nhiệm của các đơn vị biên soạn sách, của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, Hội đồng chọn SGK ở các đơn vị cơ sở cũng cần được tổ chức hợp lý hơn. Khâu kiểm nghiệm SGK cần phải được công khai, phổ biến rộng rãi và dạy thử nghiệm ở một phạm vi nhất định, có tổng kết cụ thể. Cần khuyến khích giáo viên dạy thực nghiệm, giáo viên dự giờ nói thật, nói hết những gì còn vướng thì mới tìm ra những sai sót để hạn chế, sửa đổi trước khi đưa ra thị trường. Nếu không làm như vậy, chuyện vẫn có “sạn” trong SGK là điều dễ hiểu.
Mới đây, nghe tin SGK lớp 3, 7, 10 theo chương trình mới có giá cao gấp 2-3 lần giá hiện hành, nhiều người lại hoài nghi: Liệu đắt có "xắt ra miếng"?
THÁI AN