Theo nhà giáo Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), học sinh học tiếng Anh từ sớm sẽ tạo nhiều cơ hội phát triển toàn diện. Từ năm 2018, ngành giáo dục thành phố đã có quy định các trường triển khai dạy tiếng Anh từ lớp 3 nhưng trên thực tế, nhiều trường đã tổ chức cho học sinh tiếp cận tiếng Anh từ lớp 1.
So với nhiều địa phương trong cả nước, TP Hồ Chí Minh triển khai thí điểm dạy tiếng Anh ở các cấp học từ rất sớm. Từ năm học 1998-1999, thành phố thí điểm chương trình tiếng Anh tăng cường tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) ở hai lớp 1 với tổng số 60 học sinh. Đến năm học 2009-2010, 160 trường tiểu học với gần 1.400 lớp ở tất cả các quận, huyện đã tổ chức giảng dạy tiếng Anh tăng cường. Để tổ chức dạy tiếng Anh tăng cường, các trường tiểu học phải thỏa mãn điều kiện dạy 2 buổi/ngày, sĩ số 30 học sinh/lớp, có các thiết bị hỗ trợ như: Máy chiếu, ti vi, máy cassette...
 |
Giáo viên quốc tế tham gia giảng dạy tiếng Anh tại Trường Tiểu học Kim Đồng (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh). |
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết: Chương trình tiếng Anh tăng cường cũng được TP Hồ Chí Minh triển khai ở bậc THCS, THPT theo lộ trình từ khối lớp 6. Chương trình sử dụng giáo trình nước ngoài có chọn lọc với nội dung phong phú, phù hợp học sinh thành phố và hướng mục tiêu học sinh đạt các chứng chỉ được quốc tế công nhận. Đầu năm 2012, UBND thành phố đã ban hành đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp, hướng tới mục tiêu tạo sự chuyển biến rõ nét về trình độ, năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và các trường chuyên nghiệp. Các chủ trương kịp thời của thành phố đã xây dựng nền tảng để học sinh có khả năng vượt trội về tiếng Anh. Thời gian tới, các trường học sẽ chú trọng xây dựng môi trường học tập và sử dụng tiếng Anh đi vào thực chất, đổi mới thường xuyên phương pháp dạy và học tiếng Anh gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
Với tỷ lệ hơn 80% học sinh giao tiếp tốt tiếng Anh, nhà giáo Trần Vân Thy, Tổ bộ môn tiếng Anh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình) cho hay, sau 20 năm thực hiện việc dạy tiếng Anh là ngôn ngữ vừa đọc, viết và giao tiếp, nhà trường hiện có 3 loại hình dạy tiếng Anh gồm tăng cường, tích hợp và tiếng Anh dành cho học sinh ở lớp thường. Học sinh ở lớp thường, mỗi tuần đều có tiết học với giáo viên người nước ngoài đã tạo môi trường nuôi dưỡng, bồi đắp năng lực tiếng Anh.
TP Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện nhiều chương trình, đề án mang tính đột phá để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Bên cạnh chương trình tăng cường tiếng Anh, ngành giáo dục thành phố còn triển khai chương trình dạy và học môn Toán, Khoa học bằng tiếng Anh (thuộc Đề án 5695 của thành phố), mô hình trường chất lượng cao, “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”... Ngành giáo dục thành phố đang xây dựng bộ tiêu chí để công nhận trường học sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, gồm tiêu chí về việc giảng dạy, sinh hoạt, sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp... Bộ tiêu chí dự kiến sẽ thực hiện xong trong năm học 2024-2025 và bắt đầu thực hiện từ năm học 2025-2026.
Bài và ảnh: LÊ TRẦN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.