Nhận rõ vấn đề này, các đơn vị lực lượng vũ trang (LLVT), cơ quan trên địa bàn và chính quyền địa phương đã triển khai nhiều mô hình, biện pháp hiệu quả, đồng hành với học sinh nghèo đến trường, nâng cao chất lượng công tác giáo dục của địa phương.

Sống trong căn nhà nhỏ hẹp ở bìa rừng xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập là gia đình em Điểu Hiếu, người dân tộc Xtiêng. Điểu Hiếu là học sinh Lớp 4B, Trường Tiểu học Bù Gia Mập, đã nhiều ngày qua không đi học mà ở nhà trông em. Điểu Hiếu thổ lộ với các cô, chú ở Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 778 (Quân khu 7): “Ước mơ của cháu là được đi học. Nhưng gia đình nghèo lắm nên mẹ để cháu tạm nghỉ học ở nhà trông em”.

leftcenterrightdel
 Cán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 (Quân khu 7) tặng quà học sinh nghèo huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.

Nắm được hoàn cảnh của Điểu Hiếu, Đoàn KT-QP 778 đã hỗ trợ em 300.000 đồng/tháng trong suốt năm học. Chị Thị Dớt, mẹ của Điểu Hiếu, xúc động nói: "Hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn quá. Năm 2021, bố cháu mất do dịch Covid-19, cháu thứ hai mới hơn 2 tuổi, lại bị dị tật bẩm sinh nên đành phải cho Điểu Hiếu tạm nghỉ học ở nhà trông em để tôi đi làm kiếm tiền mua gạo. Nay được đơn vị hỗ trợ, gia đình tôi cảm ơn cán bộ, chiến sĩ nhiều lắm. Tôi sẽ tìm công việc phù hợp và khắc phục khó khăn để cháu tiếp tục được đến trường". Thiếu tá Trần Quang Bắc, Đội phó Đội sản xuất 5 (Đoàn KT-QP 778) cho biết thêm, anh em trong đơn vị còn tranh thủ ngày nghỉ vượt đường rừng đến thăm, động viên, hướng dẫn Điểu Hiếu ôn tập, khắc phục lỗ hổng kiến thức nên em đã theo kịp được các bạn, yên tâm học tập.

Huyện Bù Gia Mập là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Bình Phước. Câu chuyện trở lại trường của Điểu Hiếu là một trong nhiều câu chuyện của 119 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nơi đây được Đoàn KT-QP 778 hỗ trợ, vận động trở lại trường. Từ năm 2021 đến nay, bằng mô hình “Nâng bước em đến trường”, với mức hỗ trợ 2,7 triệu đồng/học sinh/năm học, bộ đội đã giúp nhiều em học sinh tiếp tục thực hiện ước mơ học tập của mình. Kết quả năm học 2021-2022, 100% học sinh do đơn vị đỡ đầu đều đạt kết quả học tập trung bình trở lên, trong đó hơn 30% đạt khá, giỏi.

Đồng hành với học sinh nghèo đến trường, Binh đoàn 16 và các đơn vị LLVT, ban, ngành... đã có nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả, huy động nhiều nguồn lực. Với Phong trào “Tiếp bước em đến trường”, năm học 2022-2023, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước đã nhận đỡ đầu 20 học sinh trong 3 năm học, mức hỗ trợ 500.000 đồng/học sinh/tháng và tặng 45 xe đạp cùng nhiều đồ dùng học tập trị giá hơn 120 triệu đồng. Bằng mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, “Nâng bước em đến trường”, chỉ trong năm học 2022-2023 này, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước đã nhận nuôi, đỡ đầu 70 học sinh đặc biệt khó khăn, mức hỗ trợ 500.000 đồng/học sinh/tháng trong suốt năm học; trao hơn 3.400 phần quà, 20 xe đạp, trị giá hơn 1 tỷ đồng, qua đó vận động 128 học sinh bỏ học trở lại trường...

Nguyên nhân chính khiến một số học sinh vùng biên giới, vùng đồng bào DTTS bỏ học là do hoàn cảnh gia đình khó khăn và không ít phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của con em mình. Bên cạnh đó, nhà ở của một số em cách trường quá xa, đường sá, phương tiện đi lại thiếu thốn. Thêm vào đó, có giáo viên tại vùng đồng bào DTTS còn ít biết tiếng đồng bào nên chưa kịp thời nắm được tư tưởng, tâm lý, tập quán của học sinh. Theo thầy giáo Lê Đình Minh, phụ trách Hội đồng Đội Trường Tiểu học Bù Gia Mập, đặc thù một số hộ DTTS ở nơi hẻo lánh, biệt lập, có thói quen mang theo con đi làm trên nương rẫy hoặc giữ con ở nhà, không cho con ra lớp mầm non nên các cháu ít được giao tiếp bằng tiếng Việt. Do đó, khi các em vào lớp 1, việc học môn tiếng Việt gặp nhiều trở ngại khiến các em chán học. Vì vậy, chúng tôi thường phối hợp với đơn vị kết nghĩa đến thăm, tặng quà, qua đó tuyên truyền, vận động các em đến trường học tập đạt hiệu quả hơn.

Đồng chí Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước khẳng định: "Các mô hình đồng hành với học sinh nghèo vùng đồng bào DTTS, vùng biên giới của các đơn vị LLVT, cơ quan trên địa bàn đã góp phần giúp địa phương hoàn thành mục tiêu, chương trình giáo dục. Nhằm khắc phục triệt để những hạn chế, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước cũng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả". Theo đó, từng địa phương chủ động rà soát, thực hiện tốt các chính sách đặc thù nhằm phát triển quy mô, mạng lưới trường lớp; đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhất là giáo viên người DTTS. Ngành giáo dục thường xuyên nghiên cứu, dự báo, đánh giá đúng tình hình, kịp thời đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng các chủ trương, cơ chế, chính sách cụ thể, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác giáo dục tại cơ sở.

Bình Phước cũng triển khai nhiều chương trình, đề án, kế hoạch về giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em gắn với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương. Các địa phương đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, có phương án, kế hoạch hỗ trợ sách giáo khoa, tập vở cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Trước khi vào lớp 1, nhiều trường mầm non đã tổ chức tốt các lớp bồi dưỡng tăng cường tiếng Việt cho trẻ là người DTTS. Các nhà trường cũng thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tiếng dân tộc, đổi mới phương pháp, cách đánh giá học sinh cho đội ngũ giáo viên, đồng thời phát động nhiều phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, khơi dậy lòng yêu nghề, tinh thần vượt khó vươn lên của thầy và trò.

Thầy giáo Lê Đình Minh tâm huyết: “Tất cả vì học sinh thân yêu”, chúng tôi luôn tận dụng cả thời gian lúc ra chơi, ngày nghỉ để bồi dưỡng môn tiếng Việt cho những em còn hạn chế. Để các em dễ tiếp thu hơn, chúng tôi chú ý tổ chức những trò chơi dân gian, giao lưu, kể chuyện... nhằm tăng cường kỹ năng nghe, nói, viết tiếng Việt cho học sinh yếu, thiết thực giáo dục phát triển toàn diện cho học sinh".

Bằng nhiều biện pháp đồng bộ, hiệu quả, đến nay, Bình Phước có 100% huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học; duy trì 100% xã, phường, thị trấn phổ cập giáo dục THCS...

Bài và ảnh: HẠNH BẮC - NGUYỄN HIỂN