Đây là nội dung cuộc trao đổi của chúng tôi với Đại tá Dương Nhật Dân, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự...

Phóng viên (PV): Tổng kiểm kê tài sản công trong Bộ Quốc phòng là việc khó, phức tạp, đan xen nhiều yếu tố. Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự đã xây dựng phần mềm nghiệm thu dữ liệu; vậy phần mềm này đóng góp như thế nào vào thành công của tổng kiểm kê, thưa đồng chí?

 Đại tá Dương Nhật Dân.

Đại tá Dương Nhật Dân: Đây không phải là lần đầu tiên Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự được Bộ Quốc phòng giao phát triển phần mềm phục vụ các hoạt động thống kê, kiểm kê. Việc ứng dụng công nghệ số vào xử lý, khai thác dữ liệu đã được Viện thực hiện thành công tại cuộc tổng điều tra kinh tế, tổng điều tra dân số và nhà ở, tổng điều tra kinh tế, điều tra cơ sở hành chính các năm 2017, 2019, 2021. Đặc biệt, tại cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Viện đã ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận dạng tự động phiếu điều tra. Nhờ vậy, chỉ trong một tháng đã nghiệm thu được gần 500 nghìn phiếu điều tra, góp phần giúp Bộ Quốc phòng hoàn thành, báo cáo kết quả trước thời hạn theo yêu cầu.

Lần tổng kiểm kê này, Viện cũng xây dựng phần mềm dùng riêng trong Bộ Quốc phòng. Với đầu vào là phiếu kiểm kê của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, phần mềm sẽ kiểm tra tính logic của từng tài sản, đưa ra cảnh báo sai sót để các cơ quan, đơn vị đối chiếu, điều chỉnh theo đúng số liệu kiểm kê thực tế, đúng quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng. Việc ứng dụng công nghệ số, công nghệ AI vào thực tế đã giúp đẩy nhanh tiến độ nghiệm thu, chỉ trong vòng 10 ngày, Bộ Quốc phòng đã hoàn thành nghiệm thu tất cả các đầu mối trong toàn quân với rất nhiều đơn vị và tài sản.

Đại diện Bộ Tài chính và Cục Tài chính (Bộ Quốc phòng) kiểm tra công tác nghiệm thu tổng kiểm kê tài sản công trong Bộ Quốc phòng bằng phần mềm do Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự phát triển (ảnh chụp ngày 17-3-2025). 


PVViệc viết phần mềm như vậy được Viện tiến hành trong bao lâu, khó khăn nhất là gì, thưa đồng chí?

Đại tá Dương Nhật Dân: Do tính chất, yêu cầu của cuộc tổng kiểm kê lần này đòi hỏi hoàn thiện trong thời gian rất gấp, ngay khi nhận được yêu cầu của Bộ Quốc phòng, chúng tôi lập tức bắt tay vào thực hiện. Từ khâu thiết kế, kiểm thử cho đến hoàn thiện phần mềm chỉ mất hơn một tháng. Dẫu xây dựng trong thời gian gấp như vậy nhưng quá trình sử dụng thực tế cho thấy phần mềm hoạt động vẫn bảo đảm tính ổn định và chính xác cao.

Với chúng tôi, việc xây dựng phần mềm không quá phức tạp. Khó khăn nhất là phải bảo đảm được tính năng kiểm tra logic, phát hiện được những điểm bất thường của dữ liệu đầu vào. Năm 2025, Viện đang tập trung cho rất nhiều nhiệm vụ, mục tiêu. Việc triển khai thêm một nhiệm vụ đột xuất, đòi hỏi cao về chất lượng và tiến độ như thế này cũng là một khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng nghiên cứu kỹ lưỡng mọi thông tin, quy định liên quan tới tài sản công. Nhờ vậy, chỉ sau 25 ngày, Viện đã có sản phẩm phần mềm đầu tiên, sau đó tiến hành thử nghiệm với nhiều loại biên bản kiểm kê khác nhau. Nhờ vậy, phần mềm đã được hoàn thiện với tính năng kiểm tra logic, phát hiện điểm dữ liệu bất thường một cách chính xác.

PV: Tính bảo mật, an toàn thông tin, an ninh mạng được bảo đảm như thế nào trong quá trình xây dựng, vận hành phần mềm này?

Đại tá Dương Nhật Dân: Khác với nhiều cuộc kiểm kê khác, tổng kiểm kê tài sản công trong Bộ Quốc phòng đặt ra yêu cầu cao về tính bảo mật, an toàn thông tin. Vì vậy, Viện đã chỉ đạo nhóm nghiên cứu sử dụng các máy tính bảo mật và kết nối trên mạng nội bộ. Các máy tính đều được bảo đảm kỹ thuật tốt nhất, không để virus xâm nhập và không có kết nối đến bất cứ mạng nào khác, toàn bộ dữ liệu được lưu trên một máy chủ phục vụ riêng cho nhiệm vụ này. Chính vì vậy, yêu cầu bảo mật phần mềm, bảo mật thông tin dữ liệu kiểm kê tài sản trong Bộ Quốc phòng được bảo đảm an toàn tối đa. Thời gian tới, chúng tôi hy vọng tiếp tục được giao nhiệm vụ nâng cấp phần mềm này giúp các cơ quan, đơn vị trong toàn quân quản lý, khai thác dữ liệu tài sản công một cách thường xuyên, kịp thời, chính xác, giảm tối đa thời gian, nhân lực.

PV: Ngoài nhiệm vụ khoa học trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đơn vị còn triển khai nhiều nhiệm vụ nghiên cứu khoa học ở các lĩnh vực khác. Những nhiệm vụ đó đã được Viện triển khai như thế nào để đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và Quân đội, thưa đồng chí?

Đại tá Dương Nhật Dân: Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự là đơn vị nghiên cứu đa ngành của Bộ Quốc phòng. Kể từ khi được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ năm 1979 đến nay, Viện đã đào tạo được gần 400 tiến sĩ, đóng góp quan trọng vào việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Quân đội và Nhà nước. 

Bám sát thực tiễn các đơn vị, gần đây, chúng tôi đã chủ động tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện có hiệu quả hàng trăm đề tài, nhiệm vụ khoa học-công nghệ, góp phần giải quyết nhiều vấn đề đặt ra trong sử dụng vũ khí, thiết bị kỹ thuật, phục vụ kịp thời cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị trong toàn quân. Nổi bật là chúng tôi nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí, thiết bị kỹ thuật mới phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của Quân đội; nghiên cứu, cải tiến, hiện đại hóa, sửa chữa, tăng hạn, sản xuất các linh kiện, vật tư thay thế đối với các hệ thống vũ khí, thiết bị kỹ thuật hiện có trong Quân đội...

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Bài và ảnh: MINH THẮNG - QUỲNH ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.