Ngược dòng lịch sử
Ngày 15-10-1956, với gần 50 thầy giáo, cô giáo - những cử nhân vừa tốt nghiệp khóa đào tạo cấp tốc từ Trường Đại học Sư phạm và những cán bộ được cử đi đào tạo từ Trung Quốc, Liên Xô (trước đây) trở về, nhà trường đã chính thức làm Lễ khai giảng cho gần 1.000 sinh viên khóa đầu tiên thuộc 14 chuyên ngành của 4 Liên khoa Cơ - Điện, Mỏ - Luyện kim, Hóa - Thực phẩm và Xây dựng.
Từ đó đến nay, nhà trường đã từng bước xây dựng đội ngũ đủ về số lượng, chất lượng và khá đồng bộ về ngành nghề, giàu kinh nghiệm, nhiều người đã trở thành cán bộ đầu ngành, “thầy của nhiều thế hệ thầy”, là nhân tố quan trọng để nhà trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ (NCKH - CGCN) góp phần thiết thực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hơn 200 cán bộ và hơn 2.700 sinh viên của nhà trường đã xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Nhiều người trong số họ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Tiêu biểu là các anh hùng liệt sĩ: Bùi Ngọc Dương, Trần Thanh Hải, Vũ Xuân Thiều.
Nhằm đáp ứng nhu cầu cán bộ kỹ thuật cho cả nước cả về số lượng và chất lượng, đa dạng ngành nghề, từ năm 1975 đến 1985, nhà trường xác định, chất lượng của kỹ sư Bách khoa Hà Nội “phải vững cả ba mặt: NCKH, thiết kế và trực tiếp ở cương vị sản xuất”. Việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn này đã có những tiến bộ vượt bậc, đến năm 1985 số cán bộ giảng dạy (CBGD) và phục vụ giảng dạy là 1.467 người, trong đó hơn 33% CBGD có trình độ sau đại học, đã đào tạo gần 9.000 kỹ sư hệ chính quy, 2.200 kỹ sư hệ tại chức và 26 tiến sĩ, phó tiến sĩ.
Ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2016 tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Bước chuyển mình mạnh mẽ
Qua 60 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐHBK Hà Nội đã đào tạo cho đất nước hơn 200.000 cán bộ kỹ thuật, trong đó 190.000 người tốt nghiệp đại học và cao đẳng, 14.246 thạc sĩ và 838 tiến sĩ.
Hiện nhà trường có 1.950 cán bộ viên chức, trong đó 1.200 giảng viên với 21 giáo sư, 202 phó giáo sư; số cán bộ có trình độ tiến sĩ là 722 người (60% số giảng viên). Trường là mái nhà chung của hơn 30.000 sinh viên đại học, 3.000 học viên cao học và 500 nghiên cứu sinh. Với 35 chương trình đào tạo kỹ sư, 45 chương trình đào tạo cử nhân đang được thực hiện cho hơn 70 chuyên ngành đào tạo đại học, 78 chương trình đào tạo thạc sĩ cho 32 ngành và 60 chương trình đào tạo tiến sĩ cho 38 ngành, ĐHBK Hà Nội đã khẳng định được vị thế của một trường đại học trọng điểm, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và là một trường đại học đậm nét định hướng nghiên cứu.
Cùng với những cống hiến lớn trong sự nghiệp đào tạo, hoạt động NCKH - CGCN được nhà trường xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Đội ngũ các nhà khoa học trẻ đông đảo về số lượng, giỏi về chuyên môn, với năng lực nghiên cứu trình độ cao, tiếp cận sâu với nền khoa học tiên tiến trên thế giới, nhiều đề tài, công trình khoa học trọng điểm đã được triển khai thành công có những tác động mạnh mẽ đến việc nâng cao và sáng tạo ra những tri thức mới. Nhà trường đã triển khai hơn 5.000 đề tài nghiên cứu các cấp, thực hiện hơn 15.000 hợp đồng chuyển giao công nghệ với tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng trong nhiều lĩnh vực khoa học, kinh tế, an ninh, quốc phòng. Với những đóng góp trên, ở hoạt động NCKH - CGCN, trường đã được tặng thưởng: 2 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 1 Giải thưởng Nhà nước, 18 Giải thưởng Sáng tạo Khoa học kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC), 2 Giải thưởng Kovalevskaia... Bên cạnh đó, phong trào sinh viên NCKH diễn ra rất tích cực và đạt được nhiều thành tích đáng tự hào. Trong giai đoạn 2005 - 2015, số công trình sinh viên tham gia NCKH cấp nhà trường là 3.744 công trình, cấp Bộ là 169 công trình. Nhiều công trình NCKH của sinh viên đã đạt các giải thưởng cao, được ứng dụng vào thực tế sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội lớn.
Vai trò và vị thế của Trường ĐHBK Hà Nội trong hệ thống các trường đại học cả nước đã không ngừng được nâng cao bởi sự hình thành và phát triển của nhiều trường đại học chuyên ngành lớn của nước ta đã gắn liền với nhà trường. Từ những khoa chuyên ngành của nhà trường đã thành lập nên: Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Trường Đại học Công nghiệp nhẹ (trước đây và đến nay đã sáp nhập trở lại ĐHBK Hà Nội), Trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên, Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự… Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ĐHBK Hà Nội đã góp phần cơ bản vào việc hình thành và phát triển Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thủ Đức…
Thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục của Đảng và Nhà nước, nhà trường đã chủ động nghiên cứu, nắm bắt thời cơ, phát huy tiềm năng, thế mạnh, đi tắt đón đầu, đề ra những định hướng phát triển mang tầm chiến lược. Đề án “Quy hoạch tổng thể xây dựng và phát triển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2006-2030” đã thể hiện quyết tâm to lớn của tập thể nhà trường trong thời kỳ mới. Trường ĐHBK Hà Nội tập trung thực hiện đổi mới quản lý theo cơ chế tự chủ, xây dựng chiến lược phát triển, chủ động huy động các nguồn lực, đầu tư tăng cường cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng đào tạo và tiềm lực nghiên cứu, tiếp cận chuẩn khu vực và quốc tế.
Với những đóng góp to lớn đó, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập, Trường ĐHBK Hà Nội vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai. Đây là động lực tinh thần lớn để trường phấn đấu hoàn thành sứ mệnh “đem lại cho xã hội và cộng đồng các lợi ích với chất lượng tốt nhất từ các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và dịch vụ, góp phần đắc lực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giữ gìn an ninh quốc phòng và phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam”.
PGS, TS HOÀNG MINH SƠN (Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)