Gò lại "chiếc thùng tô-nô" nhân cách

Một cậu bé có mái tóc hoe vàng bẽn lẽn ngồi bên cha mẹ trong khuôn viên xanh mát của Trường Phổ thông nội trú IVS (sau đây gọi tắt là trường IVS). Chốc chốc cậu lại giật gấu áo bảo mẹ đừng khóc nữa. Người cha mái đầu đã ngả bạc nhìn hai mẹ con trìu mến, rưng rưng niềm xúc động. Hình ảnh ấy khiến tôi cảm nhận được một niềm hạnh phúc, tình cảm gia đình thiêng liêng không dễ gì bắt gặp trong nhộn nhạo đời thường. Em tên là Bon-cái tên ở nhà mà đáng lẽ chỉ bố mẹ là người nên gọi, thế nhưng người mẹ đã đề nghị tôi gọi em như vậy, vì rằng em đã từng là một đứa con hư.

Cha của Bon là một cán bộ công đoàn ở Quảng Ninh, còn mẹ là một giáo viên. Với hoàn cảnh gia đình như thế, không ai nghĩ rằng Bon có thể sa ngã vào những việc chơi bời lêu lổng cùng đám bạn xấu. Vậy mà đã có lúc gia đình em tưởng rằng sẽ không bao giờ có thể tìm lại được cậu con trai yêu quý nữa. Mẹ Bon kể: “Cũng tại gia đình chúng tôi xao nhãng, thiếu quan tâm đến cháu. Đến lúc nó cãi cha mẹ, thầy cô, bỏ nhà đi bụi… chúng tôi đã tưởng mất cháu rồi. May nhờ sự quyết tâm của người anh, tách cháu ra khỏi môi trường cũ. Giờ cháu phải sống xa gia đình nhưng đã được rèn giũa về nhân cách. Tôi rất mừng”.

leftcenterrightdel
Học sinh Trường Phổ thông nội trú IVS cơ sở Từ Sơn, Bắc Ninh. 

Trường hợp như Bon vẫn chưa phải là cá biệt nhất của trường IVS. Tôi đã thấy những vết xăm mình, những vết sẹo minh chứng cho sự từng trải. Nhưng cũng ở các em, tôi đã tìm thấy ánh mắt nhuần nhị, vui tươi, lạc quan. Bố Bon có một ví von rất hay khi nói về việc các em đã bị lệch lạc về nhân cách. Nhân cách giống như cái thùng tô-nô đã méo mó, gia đình càng sửa càng... méo. Nhưng nhờ các thầy cô ở trường IVS, "cái thùng" nhân cách ấy đã được phục hồi. Giờ đây, nhiệm vụ của các thầy, các cô là đong đầy vào đó những mật ngọt chưng cất từ tri thức văn hóa.

Điều đáng mừng là trong 8 năm xây dựng và phát triển, trường IVS đã rèn giũa, xây dựng nhân cách và giáo dục kiến thức thành công cho nhiều học sinh. Điều đó cho thấy đây là một mô hình giáo dục tốt, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh hiện tại ở nước ta. Cụ thể, tốt nghiệp ra trường, hầu hết các em đều biết tự lập, tự tin vươn lên trong cuộc sống. Năm 2015, tốt nghiệp lớp 12 có 50 học sinh và có gần 20 em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Hiện tại, IVS có 3 cơ sở tại Bắc Ninh và TP Hồ Chí Minh, với sĩ số 300 học sinh mỗi cơ sở.

Rèn luyện và tỏa sáng

Chúng tôi gặp Thạc sĩ Tâm lý giáo dục Tống Văn Tam, Tổng điều hành của trường IVS khu vực miền Bắc. Là người đã từng du học tại Anh quốc nên anh Tam có suy nghĩ khá cởi mở và thú vị về giáo dục. Anh nói: “Giáo dục ở ta đã có sự quan tâm nhất định về tâm lý giáo dục nhưng chưa có phác đồ hoàn thiện. Phác đồ tâm lý này phải được xây dựng dựa trên từng hoàn cảnh, điều kiện, đối tượng cụ thể. Có thể nói, thành công của IVS là đã xây dựng được phác đồ phù hợp với đối tượng học sinh đặc biệt”.

Cụm từ “học sinh đặc biệt” của trường IVS được hiểu bao gồm nhiều nhóm như: Rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn nhân cách chống xã hội, rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn lo âu, nghiện games. Hay nói một cách ngắn gọn như nhiều phụ huynh đã gửi gắm con vào trường, đó là “học sinh hư”. Một bộ phận của đối tượng học sinh này đã không thể hòa nhập được với môi trường giáo dục bình thường.

Thực tâm tôi không muốn những trường như IVS được mở rộng, vì điều đó chỉ chứng tỏ rằng giáo dục của chúng ta đang “bất lực” trước một bộ phận học sinh. Riêng điều này thì tôi được thầy Tống Văn Tam trấn an rằng đó là hiện tượng rất phổ biến trên thế giới. Ngay cả các nước có nền giáo dục phát triển ở châu Âu cũng có những trường đặc biệt, và thực tế thì mô hình của trường IVS cũng là học tập từ nước ngoài.  

Vậy thì phép màu nào đã cải hóa được những nhân cách lệch lạc ấy? Thầy Tống Văn Tam giới thiệu cho chúng tôi tham quan trường cũng như nhiều cô thầy “quản sinh, quản nhiệm”. Các thầy dạy các em cách giặt giũ quần áo, vệ sinh cá nhân, rồi cũng chính các thầy cùng học, cùng nghỉ, cùng ăn. Các thầy truyền dạy những thế võ đầu tiên. Võ thuật là môn bắt buộc ở trường. Tôi nhận thấy võ thuật thật hợp với môi trường này, bởi triết lý trọng lễ nghĩa.

Thầy Nguyễn Văn Hiệp nói với chúng tôi: "Chính các em đã tự dạy nhau, tự điều chỉnh sự lệch lạc về nhân cách, chúng tôi chỉ là người hướng dẫn các em làm việc đó. Đôi khi tôi thấy thuyết phục phụ huynh yên tâm xa con còn khó hơn nhiều ấy”.

Thật vậy, con em chúng ta bản lĩnh hơn sự suy nghĩ của chúng ta nhiều. Có môi trường thích hợp, các em sẽ tự biết luyện rèn và tỏa sáng.

Bài và ảnh: ĐÔNG HÀ - HỮU TRƯỞNG