Vì học sinh nông thôn, vùng cao
VEX là một bộ lắp ráp robot có giá lên tới vài chục triệu đồng, khá cao so với thu nhập của nhiều người Việt Nam. Nhưng tại vòng chung kết Giải vô địch Quốc gia Việt Nam VEX ROBOTICS 2025 (gọi tắt là giải quốc gia), chúng tôi dễ dàng bắt gặp các đội đến từ các tỉnh vùng sâu, vùng xa như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Yên Bái... Để vào tới vòng chung kết này, các đội đều phải là những người chiến thắng từ vòng đấu khu vực.
 |
Đội thi của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Đồng Văn (Hà Giang). |
Vậy học sinh vùng sâu, vùng xa tham gia giải đấu này như thế nào? Đó là một hành trình dài. Nếu như các đội "có điều kiện" đi thi đấu được là nhờ sự đầu tư của nhà trường, mà hầu như là từ gia đình thì học sinh nông thôn, vùng cao đi thi đấu bằng sức mạnh của những trái tim vì một nền giáo dục phát triển đồng đều hơn, từ các mạnh thường quân, nhà tài trợ. Liên minh Thúc đẩy giáo dục STEM (SEPA) với nhiều cá nhân góp mặt đã góp không ít công sức, học liệu và robot cho sự phát triển robot nói riêng, STEM nói chung của các đội nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Cách làm của họ là đến rất nhiều trường, nhiều địa phương trên cả nước tìm hiểu tình hình, kêu gọi tài trợ, tặng, cho mượn robot... Có robot mà không có người biết sử dụng cũng không ích gì. Mưa dầm thấm lâu, họ thuyết phục các trường rồi mời giáo viên ở thành phố đến giảng về STEM, hướng dẫn về robot cho giáo viên nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Một trong những giáo viên chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ SEPA là cô giáo Đào Thị Hồng Quyên. Cô Quyên là giáo viên Việt Nam đầu tiên nhận Giải thưởng “Tỏa sáng sức mạnh tri thức” trị giá 100.000USD (hơn 2 tỷ đồng), thông qua đề cử trực tiếp từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho một cá nhân duy nhất trên thế giới mỗi năm trong lĩnh vực STEM. Hơn 10 năm làm nghề, từ giảng dạy ở trường quốc tế, trường chuyên..., cô đã giành được giải thưởng trong nước và quốc tế về giáo dục STEM. Là giáo viên dạy giỏi STEM, có thể dễ dàng có thu nhập cao vì nhu cầu học môn này của học sinh tại thành phố rất lớn. Nhưng cô Quyên lại đam mê với việc mang tri thức STEM đến với vùng khó khăn. Chỉ tính riêng năm vừa qua, cô đã đi tới hàng chục địa bàn vùng sâu, vùng xa có điều kiện khó khăn, hướng dẫn hàng nghìn giáo viên về STEM.
Đồng hành với họ còn vô số gương mặt đã đóng góp tiền, hiện vật, công sức cho STEM đến với những vùng đất khó khăn của Việt Nam, như: TS Đặng Văn Sơn (Đại học Quốc gia Hà Nội), TS Dương Tuấn Hưng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), thầy giáo Hoàng Vân Đông (Trường Đại học Điện lực), cô giáo Đặng Thu Hà (Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam)... Hơn cả, thầy cô “trao STEM” gặp được người nhận là những thầy giáo, cô giáo vùng khó khăn hết lòng với học sinh, trăn trở tìm đường đưa học sinh tiệm cận với thành phố. Các giáo viên như Đỗ Thị Hương Trà (Cao Bằng), Vàng Thị Dính (Hà Giang), Nguyễn Thị Thanh Hà (Sơn La)... dần trở thành “gương mặt thân quen” trong “làng STEM”.
Lan tỏa tình yêu với robot
Một trong những thành tích ấn tượng nhất của STEM vùng cao thời gian qua có lẽ là việc các học sinh ở Trường THPT chuyên Cao Bằng của cô giáo Đỗ Thị Hương Trà giành được suất thi đấu chính thức tại Giải vô địch thế giới robot VEX 2023 tại Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên Nguyễn Tuấn Khang, Hoàng Hải Sơn, Bạch Nguyễn Thái Hoàng-3 học sinh người Tày-được chạm tay vào ước mơ của biết bao học sinh Việt Nam, tới giải vô địch thế giới và đạt tới hạng 183/787 đội trung học. Sau đó, năm 2024, đội giành hạng 49/720 đội thi đấu VEX V5 thế giới và Giải tinh thần thi đấu cao thượng tại giải châu Á mở rộng.
 |
Thi đấu tại Vòng chung kết Giải vô địch Quốc gia Việt Nam VEX ROBOTICS 2025.
|
Ấn tượng không kém là năm nay, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), một trong 74 huyện nghèo của cả nước giai đoạn 2021-2025 nhưng lại đứng ra tổ chức thành công Vòng đấu khu vực Việt Bắc giải quốc gia. Ông Hoàng Văn Đông, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trùng Khánh cho biết: “Ngày tổ chức sự kiện như một ngày hội ở Trùng Khánh. Đây là dịp để giáo viên, học sinh học hỏi thêm nhiều kiến thức bổ ích và nhận ra rằng không bàn lùi khi gặp khó mà càng cần quyết tâm vượt lên. Chúng tôi mong rằng từ robot, khoa học kỹ thuật sẽ ngày càng phát triển ở nơi đây”.
Những dấu ấn ấy là động lực không nhỏ cho học sinh nông thôn, vùng cao trong học tập và theo đuổi tình yêu với khoa học-công nghệ. Thầy giáo Nguyễn Thanh Phụng, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ, tin học giáo dục HP (Gia Lai), Trưởng ban giám khảo vòng chung kết giải quốc gia nhận định: “Dễ thấy các bạn từ những vùng khó khăn đã rất cố gắng, dù chưa đạt được kết quả như mong đợi cũng không hề nản chí. Vì giáo dục là cả quá trình chứ không chỉ là kết quả của cuộc thi nên các thầy cô giáo luôn cố gắng tìm cơ hội đưa học trò của mình đến với các cuộc thi”.
Câu chuyện của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hà, Trường Tiểu học, THCS, THPT Chu Văn An (Sơn La) cho thấy cuộc thi đã góp phần thay đổi nhận thức ở tỉnh vùng cao này. Là một giáo viên đam mê tìm tòi, cách đây vài năm, cô Hà đã mượn được robot về để học sinh trong trường được tiếp cận và tham gia các cuộc thi robot VEX. Nhưng ở xa Thủ đô, đưa được vài học trò lên Hà Nội thi robot không hề đơn giản bởi còn liên quan đến chăm lo, bảo đảm an toàn, sức khỏe... cho các em. Thậm chí, nhiều phụ huynh cho rằng đi thi chỉ để đánh bóng tên tuổi của cô giáo nên chẳng mấy quan tâm.
Thế nhưng khi thấy con em mình tiến bộ, trưởng thành, có kỹ năng làm việc nhóm, tự tin giao tiếp, thay đổi về thế giới quan thì cha mẹ các em dần ủng hộ. Nhờ vậy, cuộc thi ngày càng được lan tỏa. Sự lan tỏa ấy còn kéo theo sự chú ý hơn tới khoa học-công nghệ của học sinh, thầy cô khác trong trường, dần dần sang cả các trường khác trong khu vực. Thậm chí, nhiều lãnh đạo ngành, địa phương quan tâm không chỉ tạo điều kiện cho cô và trò đi thi mà còn giúp các trường mượn thêm robot về để có thêm nhiều học sinh có cơ hội tham gia thi đấu, tập luyện.
Thầy giáo Mông Diệu Cường, huấn luyện viên đội tuyển tham dự giải quốc gia của Trường Tiểu học Đàm Thủy (Trùng Khánh, Cao Bằng) - ngôi trường cách thác Bản Giốc khoảng 2km, chia sẻ: “Khi trường quyết định thành lập đội, chính chúng tôi cũng chưa hình dung được thi robot là như thế nào. Nhưng khi được các thầy cô trong SEPA hướng dẫn, rồi tự mày mò trên internet, tháo ra lắp vào vô số lần, tôi nhận thấy học trò ngày càng sáng tạo, say mê với robot tới mức quên cả giờ giấc, thầy giục cũng chưa chịu ra về”.
Bài và ảnh: BẢO TRANG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.