Phát biểu tại Hội nghị giao ban báo chí thường kỳ ngày 21-9, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết số thí sinh từ 27 điểm trở lên (chưa tính điểm ưu tiên) là 20.000, chiếm khoảng 2% trong tổng số hơn một triệu em dự thi. Điều này tương tự việc một lớp học có 50 học sinh nhưng chỉ một em điểm 9-10. "Chúng ta phải nhìn một cách khách quan chứ không thể nhìn vào vài trường hợp 27 điểm không trúng tuyển đại học mà đánh giá đề thi dễ quá", ông Sơn nói.

Nhiều trường hợp thí sinh điểm cao trượt nguyện vọng, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra mô hình để thí sinh có thể xét tuyển vào nhiều trường, nhiều ngành, nhưng các em vẫn chủ quan, chỉ đăng ký vào một trường duy nhất.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trong buổi trả lời báo chí về điểm chuẩn năm 2021 hôm 17-9. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

“Bình thường các trường này sẽ không xét tuyển bổ sung vì hầu hết đã tuyển đủ ngay từ đợt 1. Nhưng năm nay, chúng tôi vẫn phải trao đổi với các trường để tạo điều kiện cho các em có điểm cao nhưng thi trượt được xét tuyển bổ sung vào các ngành tốp của các trường tốp đầu. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cố gắng hết sức vì sự nghiệp toàn dân, toàn xã hội”.

Thứ trưởng cũng cho biết, trong một vài ngày tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hướng dẫn để các trường triển khai triển khai tuyển bổ sung những đối tượng này.

Các trường chỉ căn cứ xét tuyển nếu còn chỉ tiêu

Thông thường, đa số những trường, những ngành có điểm chuẩn cao không còn chỉ tiêu để xét tuyển các đợt sau. Tùy theo yêu cầu, điều kiện cụ thể, các trường sẽ công bố kế hoạch và chỉ tiêu tuyển bổ sung nhưng không vượt quá năng lực đào tạo, yêu cầu ngưỡng điểm tối thiểu đối với từng ngành; tổ chức xét tuyển theo đúng quy chế tuyển sinh, trong đó, điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm đợt 1.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử, một cán bộ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với một số trường đại học lớn nhằm tuyển sinh bổ sung các thí sinh có điểm cao nhưng không đỗ đại học đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn chưa nhận được công văn chính thức của Bộ về việc này. Khi nhận được công văn chính thức, chúng tôi sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để tính tới việc có tuyển sinh bổ sung hay không”.

GS, TSKH Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng việc Bộ Giáo dục và Đào tạo trao đổi với một số trường đại học lớn về việc tuyển sinh bổ sung các thí sinh đạt điểm cao nhưng không đỗ đại học là một cách làm kịp thời. Tuy nhiên, việc bổ sung còn tùy thuộc vào nhu cầu thực tế của từng trường. 

“Các trường đại học thường nhận thí sinh phải theo một chỉ tiêu nào đó. Số lượng không thể nhận được nhiều, lấy điểm từ trên xuống. Vì điểm thi cao nên dù lấy từ trên xuống vẫn có nhiều thí sinh điểm thi cao nhưng không đỗ đại học. Việc tuyển sinh bổ sung còn tùy thuộc vào nhu cầu thực tế của từng trường và không phải trường nào cũng có thể tuyển sinh bổ sung. Vấn đề cốt lõi đặt ra vẫn là Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tiêu chuẩn hóa đề thi Trung học phổ thông. Không thể năm nay đề dễ, năm sau đề khó dẫn đến việc đăng ký nguyện vọng của thí sinh gặp nhiều khó khăn”, GS, TSKH Lâm Quang Thiệp nói.

Thí sinh dự thi trung học phổ thông năm 2021 tại điểm thi Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội. Ảnh: LAM ANH

Liệu thí sinh có còn cơ hội?

Ngày 21-9, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã thông báo về việc xét tuyển thẳng vào hệ Đại học chính quy năm nay đối với thí sinh điểm cao chưa trúng tuyển đợt 1 bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết: "Phải thẳng thắn nhìn nhận lỗi ở đây là do thí sinh bởi phần mềm xét tuyển cho thí sinh đăng ký vô số nguyện vọng. Nguyên tắc xét tuyển "lọt sàng xuống nia", do vậy thí sinh đăng ký càng nhiều thì xác suất trúng tuyển cao. Nhưng chúng ta cũng xét đến khả năng các em có lý do riêng. Có thể gia đình các em khó khăn và trong 165 thí sinh này đa số đăng ký vào quân đội, công an đây là những trường bao cấp từ chi phí học tập tới việc làm. Do hoàn cảnh có thể các em nghĩ rằng chỉ có thể học tập ở những trường này và đỗ vào trường khác cũng không thể đi học nên không đăng ký".

Theo quy chế tuyển sinh, các trường đại học được phép tuyển sinh nhiều lần trong năm và được tự chủ tuyển sinh theo đề án đã công bố. Quy chế không cấm các trường điều chỉnh đề án tuyển sinh và cũng không cấm các trường điều chỉnh chỉ tiêu trong đề án, miễn là việc điều chỉnh không vi phạm quy định về các điều kiện xác định chỉ tiêu. Tuy nhiên, nếu tỉ lệ nhập học/trúng tuyển vào trường đã đủ thì việc tuyển sinh bổ sung là rất khó.

Theo TS Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng đào tạo Học viện Ngân hàng cho rằng, các thí sinh nên theo dõi sát sao các thông tin về xét tuyển bổ sung đợt 2 của các trường, cùng với đó là nắm chắc những lưu ý về thời gian, các điều kiện cần thiết để nộp hồ sơ.

"Các thí sinh nên lưu ý việc nộp hồ sơ theo đúng thời gian trường quy định về xét tuyển bổ sung đợt 2. Bên cạnh đó, các thí sinh cũng nên lưu ý về nguyên tắc xét tuyển bổ sung là điểm nhận hồ sơ sẽ không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước đó và sẽ xét từ cao xuống thấp", TS Nguyễn Mạnh Hà nói.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong kỳ xét tuyển vừa qua, số thí sinh đạt 27 điểm thực (cho tổng 3 môn, chưa tính điểm ưu tiên) trở lên nhưng không trúng tuyển nguyện vọng xét tuyển nào là 165 em, có 3 em trong số này có tổng điểm trên 28 điểm.

Trong 165 em, có 51 em đăng ký xét tuyển vào các trường khối dân sự, 114 em xét tuyển vào các trường công an, quân đội (bao gồm cả 61 em như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cung cấp thông tin trước đó với điểm xét tuyển - đã cộng điểm ưu tiên, điểm học bạ - đạt từ 29,5 điểm xét trở lên nhưng không trúng tuyển nguyện vọng nào).

Trong số 114 em đăng ký xét tuyển vào các trường công an, quân đội, có 97 em chỉ đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất. Trong số 51 em đăng ký xét tuyển vào các trường khối dân sự, có 10 em chỉ đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất.

 

LÊ ANH