Hội thảo được tổ chức bởi CASP-I (Liên hiệp phát triển tâm lý học đường quốc tế) và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ngoài 4 chuyên gia người Mỹ, còn có khoảng 400 người tham dự hội thảo, trong đó có các chuyên gia đến từ các nước châu Á.
 |
Hội thảo thu hút đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia tâm lý trong nước và quốc tế. |
Hội thảo là dịp để công bố kết quả nghiên cứu mới trong lĩnh vực tâm lý học trường học; đồng thời kết nối, vận động các cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ, cơ quan truyền thông, chuyên gia, chuyên viên tâm lý, nhà nghiên cứu, giảng viên đại học, giáo viên phổ thông và các bậc cha mẹ trong và ngoài nước trong việc xây dựng, quy hoạch, phát triển ngành, nghề, dịch vụ tâm lý học trường học tại Việt Nam và trên thế giới.
Đặc biệt, người tham dự có thể tương tác trực tiếp với ban tổ chức và các chuyên gia thông qua chức năng gửi phản hồi về Cổng tương tác. Cổng thông tin SIC là cánh cửa mở ra thông tin, kiến thức chuyên môn, tương tác đa chiều giữa giới chuyên gia, giới báo chí và cộng đồng. Thông qua SIC, các bên liên quan đến hội thảo có thể tương tác trực tiếp với nhau và dễ dàng tìm kiếm các tư liệu chuyên môn.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh-Sinh viên nhấn mạnh: Năm học 2018-2019 là năm thứ 6 thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Trong suốt 5 năm qua, ngành giáo dục đã không ngừng đổi mới các nội dung, chương trình tổ chức hoạt động giáo dục để tạo môi trường chăm sóc giáo, dục toàn diện cho học sinh tốt nhất. Một trong những nội dung được ưu tiên triển khai trong những năm vừa qua là công tác tâm lý học trường học. Nhiều văn bản của Chính phủ, Bộ GD-ĐT về nội dung này đã được ban hành.
 |
Ông Bùi Văn Linh chia sẻ tại hội thảo. |
Ông Bùi Văn Linh cho biết, phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 95% các trường THCS, THPT thành lập tổ tư vấn tâm lý; đảm bảo 100% học sinh phổ thông được tham gia công tác tư vấn học đường bài bản, trách nhiệm.
Từ hội thảo này, Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ tổng hợp các nội dung, kinh nghiệm của chuyên gia, trên cơ sở đó, tiếp tục tham mưu với Bộ GD-ĐT để Bộ có thể hoạch định ra các văn bản tốt hơn, triển khai công tác tư vấn tâm lý đạt hiêu quả cao nhất; các cơ sở đào tạo sư phạm có ngành tâm lý giáo dục sẽ tham mưu cho các địa phương, cũng như Bộ GD-ĐT để thành lập các trung tâm can thiệp chuyên sâu, hướng đến giải quyết các trường hợp cá biệt, có dấu hiệu tâm lý nặng của học sinh… ông Bùi Văn Linh đề nghị.
Hội thảo cũng có các bàn tròn dành riêng cho phụ huynh, sinh viên, báo chí, và chuyên gia. Tại đây, mọi người có thể thảo luận trực tiếp về các nội dung: Những lưu ý của phụ huynh trong vai trò bảo vệ và vận động chính sách cho con em khuyết tật; các trường giới thiệu về chương trình đào tạo tâm lý học đường; việc xây dựng phòng tham vấn học đường trong nhà trường...
 |
GS, TS John J.Murphy thuyết trình về tâm lý học đường.
|
Điểm nhấn của hội thảo là tương tác thông minh dựa trên nền tảng kết nối (platform) thông qua công cụ “QR code biến đổi”. Theo Ban tổ chức, đây sẽ là hội thảo khoa học đầu tiên trên thế giới mà các đối tượng tham dự được tương tác chủ động với mọi thông tin liên quan đến hội thảo một cách chính xác, dễ dàng và nhanh chóng chỉ bằng cách quét mã QR đơn giản mà không cần đăng nhập vào website hay tải bất kỳ một phần mềm nào.
Hội thảo diễn ra đến hết ngày 2-8-2018.
Tin, ảnh: KHÁNH HÀ