PV: Đề nghị đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong công tác GD-ĐT của nhà trường năm học 2023-2024?

Thiếu tướng, TS Lương Đình Lành: Năm học vừa qua, nhà trường hoàn thành khá toàn diện các nhiệm vụ, trước hết là nhiệm vụ diễn tập chỉ huy-cơ quan 1 bên 2 cấp trên bản đồ và thực địa có bắn đạn thật, do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao. Với ý chí quyết tâm và sự đoàn kết, sáng tạo, nhà trường đã hoàn thành tốt nhiệm vụ diễn tập, được thủ trưởng Bộ Quốc phòng và các cơ quan, đơn vị, nhà trường trong toàn quân đánh giá cao.

Bên cạnh đó, nhà trường đã triển khai xây dựng, thực hiện hiệu quả Đề án “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong Quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” trên cơ sở Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20-12-2022 của Quân ủy Trung ương.

Kết quả GD-ĐT trong năm học vừa qua được giữ vững. Phân loại học viên tốt nghiệp toàn trường có trên 94,85% khá, giỏi; học viên cao học nghệ thuật quân sự có trên 97% khá, giỏi; học viên khóa 71 đào tạo đại học chỉ huy tham mưu lục quân có trên 98% khá, giỏi; kết quả đào tạo trung cấp lý luận chính trị khóa đầu tiên có 100% tốt nghiệp khá, giỏi.

 Thiếu tướng Lương Đình Lành.

PV: Kết quả đó có vai trò quan trọng của các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Nhà trường có biện pháp gì nâng cao chất lượng đội ngũ quan trọng này?

Thiếu tướng, TS Lương Đình Lành: Xác định rõ vai trò của người thầy nên Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ nhà giáo; thực hiện nghiêm Đề án “Nâng cao năng lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT giai đoạn 2019-2030”; làm tốt công tác quy hoạch đội ngũ nhà giáo và đào tạo, bồi dưỡng theo chức vụ.

Nhà trường chú trọng tạo nguồn nhà giáo, cử đi đào tạo các loại hình phù hợp; chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nhà giáo giỏi, chuyên gia đầu ngành, phó giáo sư, giáo sư có chất lượng toàn diện; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, công nghệ thông tin; tham quan, khảo sát chất lượng học viên ra trường ở đơn vị cơ sở để cập nhật, điều chỉnh, bổ sung chương trình, đổi mới phương pháp dạy, học, nâng cao chất lượng GD-ĐT đáp ứng với thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị cơ sở.

Đặc biệt, nhà trường thực hiện tốt chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, ưu tiên thu hút nhân tài và khuyến khích các nhà giáo tự học tập nâng cao trình độ; bố trí, sử dụng đúng người, đúng việc, đúng ngành nghề, coi trọng tiêu chuẩn, trọng dụng người có đức, có tài...

Nhờ đó, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của nhà trường hiện có 100% trình độ đại học, 61,7% sau đại học, 1 nhà giáo nhân dân, 9 phó giáo sư, 93 tiến sĩ, 11 giảng viên cao cấp, 134 giảng viên chính, 12 giảng viên dạy giỏi cấp Bộ Quốc phòng, 475 giảng viên dạy giỏi cấp trường. Đây là lực lượng nòng cốt góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT của nhà trường.

 Lãnh đạo Trường Sĩ quan Lục quân 2 kiểm tra công tác huấn luyện tại thực địa. Ảnh: CHÂU GIANG

PV: Nhiều năm qua, nhà trường luôn chú trọng đổi mới GD-ĐT. Nhiệm vụ này được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Thiếu tướng, TS Lương Đình Lành: Với yêu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường tập trung lãnh đạo thực hiện tốt 3 vấn đề lớn theo tinh thần đổi mới GD-ĐT, đó là: Chuẩn hóa chương trình đào tạo; đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập và đổi mới phương pháp thi, kiểm tra.

 Nhà trường tập trung chuẩn hóa chương trình đào tạo, xác định những nội dung về kiến thức, kỹ năng theo chuẩn đầu ra. Chất lượng chương trình được đánh giá bằng kết quả học tập của học viên và được kiểm nghiệm qua mức độ hoàn thành nhiệm vụ sau khi ra trường. Cho nên, đổi mới GD-ĐT trước hết phải chuẩn hóa chương trình đào tạo các đối tượng.

Đối với đội ngũ giảng viên, nhà trường yêu cầu vận dụng phương pháp dạy học tích cực, phát huy tối đa phương tiện dạy học; kết hợp giữa lý thuyết với thực hành, rèn luyện kỹ năng thực hành và năng lực hoạt động thực tiễn; kết hợp trang bị kiến thức, khả năng tư duy với nâng cao năng lực sáng tạo, thực hành quản lý, chỉ huy, huấn luyện và tiến hành CTĐ, CTCT; kết hợp đào tạo tại trường với tham gia các hoạt động xã hội, thực tập tại đơn vị; đào tạo theo chương trình chính khóa kết hợp với giáo dục ngoại khóa...

Với học viên, phải đổi mới phương pháp học theo quan điểm phát huy dân chủ, tự giác, tích cực, sáng tạo, tăng cường tương tác giữa người học với người dạy, không thụ động tiếp thu kiến thức xuôi chiều; bảo đảm thời gian, điều kiện tự học, tự nghiên cứu của học viên theo 3 hướng chính: Cá thể hóa, chuyên môn hóa và hiện đại hóa.

Việc tổ chức thi, kiểm tra phải tăng hình thức trắc nghiệm; nghiên cứu hoàn chỉnh phần mềm thi trắc nghiệm và áp dụng ở một số bộ môn, tiến tới áp dụng rộng rãi; sử dụng, quản lý ngân hàng đề thi có hiệu quả. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc tổ chức thi, kiểm tra, chấm điểm đúng quy chế GD-ĐT.

PV: Hướng tới xây dựng nhà trường thông minh, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường chú trọng những nội dung gì?

Thiếu tướng, TS Lương Đình Lành: Xây dựng hệ thống nhà trường Quân đội thông minh, hiện đại là chủ trương lớn, nội dung cơ bản trong nghị quyết của Quân ủy Trung ương. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà Trường Sĩ quan Lục quân 2 đang tập trung thực hiện. Trong đó, nhà trường chú trọng xây dựng giảng đường thông minh, chương trình đào tạo thông minh và áp dụng phương pháp dạy học thông minh. Cả 3 yếu tố này phải thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, khoa học, hiệu quả để xây dựng nhà trường thông minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong công tác giáo dục, đào tạo cán bộ cho Quân đội.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HOÀNG THÀNH (thực hiện)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.