Các chuyên gia đã có những trao đổi sâu sắc nhằm giúp thí sinh tự tin trong chọn ngành, chọn trường để học tập và rèn luyện, xây dựng sự nghiệp vững chắc trong tương lai.

Thạc sĩ NGUYỄN THỊ XUÂN DUNG, Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh:

Quan tâm đến triển vọng nghề nghiệp

Không ít sinh viên sau khi tốt nghiệp lại loay hoay trên con đường lập thân, lập nghiệp vì không tìm được công việc đúng chuyên ngành, phù hợp với năng lực, sở thích. Điều này phần lớn xuất phát từ nguyên nhân lựa chọn ngành học từ đầu chưa phù hợp, chưa xác định rõ được những mối quan tâm và giá trị của bản thân.

Vì thế, thí sinh khi chọn ngành nghề theo học nên tìm hiểu về các triển vọng nghề nghiệp trong tương lai của ngành học, xem xét cơ hội phát triển của ngành học trong bối cảnh chung thị trường lao động ở thời điểm hiện tại và trong tương lai từ 5 đến 10 năm. Bên cạnh thông tin chính thức từ các nhà trường, cơ quan chức năng, thí sinh cần tham khảo thêm từ các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp và chuyên gia dự báo thị trường lao động.

Trong bối cảnh có nhiều ngành nghề như hiện nay, không phải cứ ngành “hot” thì cơ hội việc làm sẽ nhiều hơn các ngành khác. Do đó, khi đã chọn, thí sinh hãy tự tin với quyết định của bản thân, xây dựng phương pháp tư duy, tâm thế học tập không ngừng để thích nghi với tốc độ phát triển xã hội. Cùng với tiếp thu kiến thức tại trường, thí sinh cũng cần học tập thêm kỹ năng mềm, trải nghiệm thực tiễn để bổ trợ tốt nhất cho nghề nghiệp trong tương lai.

leftcenterrightdel
Hoạt động tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp giúp thí sinh lựa chọn đúng ngành học, nghề nghiệp trong tương lai. Ảnh: HÙNG KHOA 

Thạc sĩ BÙI QUANG TRUNG, Trưởng phòng Truyền thông, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành:

Xác định rõ mục tiêu để lựa chọn ngành học phù hợp

Trong thời đại công nghệ số hiện nay, thí sinh thuận lợi khi được tiếp cận đa dạng kênh thông tin tuyển sinh, hướng nghiệp. Hiện có rất nhiều ngành học “hot”, thu hút số lượng lớn thí sinh đăng ký theo học đã tác động mạnh về tâm lý khiến không ít bạn trẻ chạy theo và quên mất bản thân có thực sự yêu thích, đủ năng lực học ngành đó hay không. 

Vì thế, thí sinh cần chủ động xây dựng chiến lược và mục tiêu cụ thể trong việc chọn ngành học là học cái gì, học như thế nào và học để làm công việc gì. Chọn ngành học đúng sẽ quyết định lớn đến nghề nghiệp tương lai của từng thí sinh, ví như chiếc la bàn xác định đúng hướng cho con tàu tiến lên giữa biển cả bao la. Ngoài ra, trước khi lựa chọn một cơ sở đào tạo cho ngành nghề bản thân theo đuổi, thí sinh cũng cần tham khảo thêm các yếu tố về chính sách học bổng, mức học phí, chương trình đào tạo đã được kiểm định, cơ sở vật chất, điều kiện để phát triển bản thân... Đây là những yếu tố quan trọng hỗ trợ thí sinh rất nhiều trong thời gian học tập, rèn luyện trong môi trường đại học.

Khi chọn đúng ngành, phù hợp khả năng, điều kiện kinh tế của gia đình sẽ tạo động lực lớn để nuôi dưỡng đam mê, khát vọng cống hiến và nâng bước thành công cho thí sinh.

--------------------

Thầy NGUYỄN HOÀNG QUÂN, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, Trường Đại học Văn Hiến:

Chọn ngành đúng nhất khi đủ hiểu biết về hoạt động đào tạo, cơ hội việc làm

Thí sinh hiện nay có nhiều thuận lợi trong lựa chọn ngành học nhưng đó cũng chính là thử thách khi đang có quá nhiều hình thức đào tạo, chương trình đào tạo và đặc biệt là các ngành nghề ngày càng mở rộng. Để lựa chọn ngành học phù hợp, thí sinh cần xác định mục tiêu nghề nghiệp, đánh giá được bản thân, xem xét các yếu tố về nhu cầu xã hội, hoàn cảnh gia đình, cơ sở đào tạo...

Thí sinh cần tự lập ra danh sách các ngành nghề yêu thích, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về sở thích, năng lực bản thân. Thí sinh chỉ đưa ra quyết định chọn ngành học khi đã có đủ hiểu biết về ngành nghề đó và cơ hội việc làm của ngành. Nếu có nhiều trường cùng đào tạo ngành tương tự, thí sinh căn cứ thêm những yếu tố liên quan như: Cơ sở đào tạo phù hợp, hoàn cảnh gia đình, vị trí địa lý... để quyết định cơ sở đào tạo sẽ gắn bó theo học.

----------------------

Thạc sĩ NGUYỄN THỊ KIM PHỤNG, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Tài chính-Marketing:

Xác định tâm thế học tập không ngừng

Chọn đúng ngành học không có nghĩa là ngành “hot” mà chính là phù hợp với sở thích, thế mạnh của thí sinh và nhu cầu nhân lực xã hội. Mỗi thí sinh có thể thích làm nhiều ngành nghề nhưng mỗi tính cách chỉ thích hợp với một số nghề nhất định. Thí sinh cần xác định rõ định hướng nghề nghiệp để tìm hiểu các ngành học lĩnh vực liên quan chứ không chỉ đi vào một ngành cụ thể. Ngành nào cũng có khó khăn và thách thức, thí sinh phải hiểu được chương trình đào tạo để biết những năm học đại học sẽ phải “đối mặt” với những điều gì, cần phải chuẩn bị hành trang ra sao?

Dù chọn theo học ngành nghề, bậc học nào, người học cũng cần có trách nhiệm với lựa chọn của bản thân, bảo đảm tiếp thu đầy đủ kiến thức chuyên môn và kỹ năng để phát triển công việc sau này. Bên cạnh đó, cơ hội việc làm và phát triển bản thân còn phụ thuộc vào quá trình học tập, rèn luyện, mở rộng quan hệ xã hội của từng sinh viên sau khi trúng tuyển.

Sự nỗ lực, tích cực rèn luyện, học tập, luôn đột phá, sáng tạo không ngừng để mở rộng hiểu biết, kỹ năng là cần thiết, giúp người học thích ứng trong nhiều hoàn cảnh, sẵn sàng đáp ứng tốt mọi yêu cầu của công việc trong tương lai.

HÙNG KHOA (lược ghi)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.