Kỷ niệm như ùa về khiến câu chuyện của Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng, nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân thêm sôi nổi. Như bao học viên của khóa 1 Trường Tuyên giáo Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã thành danh, nhà báo Trần Hồng là phóng viên ảnh nổi tiếng với hàng nghìn bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chân dung các Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
 |
Đại tá, nhà báo Trần Hồng trao cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Những khoảnh khắc còn mãi” tặng thầy giáo Trần Bá Lạn.
Ảnh do nhân vật cung cấp.
|
Những năm chiến tranh ác liệt, được tuyển chọn lên Hà Nội học đại học, nhất là được đào tạo báo chí chuyên nghiệp trong ngôi trường của Đảng là niềm vinh dự quá đỗi lớn lao với cậu học trò quê Hà Tĩnh. “Lần đi xa nhất của tôi là lên huyện thi học sinh giỏi. Bởi vậy, khi nhận giấy có dấu đỏ chót cử vào trường đại học quân sự, tôi vô cùng tự hào. Sau đó, được quân đội cử đi đào tạo báo chí tại Trường Tuyên giáo Trung ương, mọi thứ khá “choáng ngợp”. Thời đó đói lắm, vậy mà từ điều kiện ăn ở đến học tập đều được quan tâm, chu cấp đầy đủ. Niềm tự hào cũng là trách nhiệm buộc mình phải rèn luyện rất kiên trì, bền bỉ”, nhà báo Trần Hồng nhớ lại.
Theo lời kể của ông, Trường Tuyên giáo Trung ương ngày ấy có nhiệm vụ đào tạo những lứa phóng viên chiến trường cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Các thầy cô giáo, từ hiệu trưởng đến bác nuôi quân, ai cũng ý thức được trách nhiệm của mình. Giảng viên cố gắng truyền đạt những kiến thức tinh túy nhất tới học viên, học viên nỗ lực hết mình để học, nhân viên phục vụ cũng bảo đảm các điều kiện để việc dạy-học của thầy và trò đạt kết quả tốt. Theo yêu cầu của quân đội, những học viên khóa đại học báo chí dài hạn đầu tiên của Việt Nam được khuyến khích đào tạo phóng viên nhiếp ảnh, phục vụ chiến trường. Như chạm vào mong ước, nhà báo Trần Hồng cùng các đồng chí Vũ Đạt, Phan Ngọc Long, Phan Tí đi chuyên sâu vào nhiếp ảnh. 4 năm học ở Trường Tuyên giáo Trung ương (1969-1973), trong điều kiện khó khăn chung của đất nước, các học viên đã có biết bao kỷ niệm vượt khó, nỗ lực hoàn thành khóa học.
Nhà báo Trần Hồng kể: “Học về ảnh nhưng chúng tôi chỉ được “học chay”. Lúc thực tập mới được cầm máy. Mỗi học viên được chụp 5 kiểu ảnh trên chiếc máy Kiev phim NP55 nên chụp 5 kiểu thì 3 kiểu ảnh đen thui, 2 kiểu lờ mờ”. Bên cạnh các môn lý luận, những câu chuyện làm báo thực tiễn, chuyện kinh nghiệm trong buổi nói chuyện của những nhà báo lớn như Hữu Thọ, Tố Hữu... đã góp phần thổi bùng tình yêu và đam mê với báo chí của các sinh viên Trường Tuyên giáo Trung ương.
Sau khi ra trường, Trần Hồng về nhận công tác tại Báo Quân đội nhân dân. Từ đây, theo chân các đàn anh, tay nghề của ông trưởng thành nhanh chóng. “Dàn phóng viên ảnh của Báo Quân đội nhân dân là một trong những dàn phóng viên mạnh nhất của báo ảnh Việt Nam. Chúng tôi có lợi thế bởi vừa là chiến sĩ, vừa là phóng viên nên mọi phẩm chất đều được phát huy”, ông tự hào nói. Thành danh trong sự nghiệp báo chí, nhà báo Trần Hồng luôn tâm niệm: “Trường Tuyên giáo Trung ương cho tôi một nền tảng lý luận cơ bản bền vững, còn Báo Quân đội nhân dân cho tôi nơi thực hành tuyệt vời. Tôi được xông pha vào những nơi khó khăn nhất, thử thách nhất giữa cái sống và cái chết. Tuyến đầu là nơi để các phóng viên thử thách tay nghề và cả sự thông minh”.
Cậu học trò 60 năm trước của Trường Tuyên giáo Trung ương, trải qua những năm tháng lăn lộn với nghề, nay đã nghỉ hưu, nhưng mỗi khi có bạn sinh viên báo chí nào hỏi về nơi thực tập, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng đều khuyên nên về Báo Quân đội nhân dân. Bởi nơi đó có độ thử thách nghề nghiệp, thử thách đạo đức nghề nghiệp rất cao và đội ngũ lãnh đạo rất quan tâm đến thế hệ trẻ.
KHÁNH HÀ