Đến Trường Tiểu học và THCS Vinh Tiền (xã Vinh Tiền, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ), chúng tôi được thầy giáo Nguyễn Quốc Toản, Hiệu trưởng nhà trường giới thiệu tham quan một tiết học Địa lý của lớp 9. Nhìn qua tiết học này cũng giống như rất nhiều tiết học khác, nhưng thầy Toản cho biết, cô giáo Đinh Kiều Hải Yến đang đứng lớp là giáo viên bộ môn Ngữ văn, nhiều năm nay phải đảm nhận thêm môn Địa lý của các khối lớp.
Cô Yến chia sẻ: “Bản thân tôi phải nghiên cứu thêm nhiều tài liệu, sách tham khảo để bảo đảm việc kiêm nhiệm thêm các tiết học Địa lý, vì đây là những kiến thức ngoài chuyên môn mà tôi được đào tạo”.
Trường Tiểu học và THCS Vinh Tiền nằm ở xã Vinh Tiền, một trong 6 xã khó khăn nhất của huyện Tân Sơn, là địa phương vùng sâu, vùng xa nên trường thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên ở một số bộ môn. Năm học 2022-2023, trường thiếu giáo viên ở các môn như: Địa lý, Công nghệ và Tin học.
“Phần lớn giáo viên đang đứng lớp tại trường đều là những thầy cô ở các địa phương khác đến công tác và gắn bó lâu dài với Vinh Tiền.
 |
Tiết học của cô và trò Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Tân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. |
Những năm vừa qua, các thầy cô luôn nỗ lực khắc phục khó khăn do điều kiện công tác xa nhà để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc không đủ giáo viên đứng lớp ở các bộ môn là một thách thức không nhỏ để bảo đảm việc dạy học. Nhiều giáo viên phải tăng cường làm việc để lấp khoảng trống phần việc, môn học thiếu người đảm nhiệm”, thầy giáo Nguyễn Quốc Toản chia sẻ.
Không chỉ thiếu giáo viên mà thiếu nhân viên cũng là bài toán nan giải của lãnh đạo các nhà trường và vấn đề này đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của trường. Thầy giáo Nguyễn Đức Thịnh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Nội trú THCS Tân Sơn cho biết, hiện nay trường còn thiếu 5 nhân viên biên chế ở các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, giáo vụ, thiết bị thí nghiệm... Không chỉ năm học này mà thực tế từ trước đến nay, trường chưa từng có nhân viên ở các lĩnh vực này.
Lý giải cho vấn đề thiếu nhân viên trong nhà trường thời gian qua, thầy Thịnh chia sẻ: “Giáo vụ, thiết bị thí nghiệm, công nghệ thông tin đều là những ngành học còn khá mới mẻ với địa phương miền núi như chúng tôi. Chính vì vậy cũng khó để tuyển được nhân viên đúng chuyên môn.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa là vị trí nhân viên tại trường có mức lương tập sự năm đầu tiên chỉ hơn 3 triệu đồng, vì thế rất khó để thu hút và giữ chân họ. Tôi hy vọng tỉnh sẽ sớm có cơ chế đặc thù trong công tác tuyển dụng cũng như chế độ của giáo viên, nhân viên công tác tại huyện miền núi để ổn định đội ngũ giáo viên, nhân viên tại các trường”.
Khó khăn, áp lực mà Trường Tiểu học và THCS Vinh Tiền, Trường Phổ thông dân tộc Nội trú THCS Tân Sơn đã và đang đối mặt là thực trạng chung của nhiều trường học ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Trong bối cảnh mới triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường còn phụ thuộc vào lựa chọn môn học của học sinh nên việc bố trí giáo viên vốn đã khó nay còn khó hơn.
Ông Nguyễn Duy Hiển, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Sơn cho biết, trong điều kiện thiếu giáo viên như hiện nay, một số đơn vị quy mô nhỏ (dưới 15 lớp) rất khó sắp xếp được giáo viên, nhất là chuyên ngành giáo dục tiểu học và tiếng Anh. Một số trường có tỷ lệ giáo viên đứng lớp quá thấp phải bố trí giáo viên dạy tăng buổi, ký hợp đồng thêm với giáo viên.
Để khắc phục khó khăn này, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phối hợp với các phòng chức năng tham mưu để UBND huyện tuyển thêm giáo viên hợp đồng, bố trí giáo viên giảng dạy hai trường nhưng vẫn bảo đảm định mức lao động và phù hợp với điều kiện làm việc, sinh hoạt của giáo viên.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ, hiện nay tỉnh có 22.702 biên chế, trong đó có 18.873 giáo viên và 3.829 cán bộ quản lý, nhân viên tại các cơ sở giáo dục. Như vậy, so với quy định tại các thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2022-2023, tỉnh Phú Thọ còn thiếu 3.309 giáo viên ở các cấp học. Trong đó, bậc mầm non thiếu 2.442 giáo viên; bậc tiểu học thiếu 484 giáo viên, còn lại là giáo viên phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Trong đó, huyện Cẩm Khê là một trong những địa phương thiếu nhiều giáo viên nhất tỉnh Phú Thọ. Trong năm học này, huyện thiếu khoảng 700 giáo viên ở tất cả các cấp học, nhất là ở khối mầm non và tiểu học. Trước thực trạng này, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã yêu cầu các nhà trường rà soát, thống kê số lượng giáo viên thiếu để chủ động phối hợp với các cấp chính quyền đưa ra phương án ký hợp đồng, điều chuyển đội ngũ để bảo đảm phục vụ cho hoạt động dạy và học.
Được biết, trong khi nhiều trường thiếu giáo viên thì những năm qua, sinh viên sư phạm ra trường, kể cả khối sư phạm đào tạo theo địa chỉ vẫn khó tìm được việc làm, có nhiều người được tuyển dụng vào rồi lại xin ra vì thu nhập thấp mà áp lực lớn. Cách tuyển dụng, thuyên chuyển giáo viên ở một số huyện chưa thực sự chặt chẽ, khách quan. Vì thế, bài toán thừa-thiếu giáo viên có lẽ sẽ còn kéo dài dai dẳng, khó giải quyết trong vài năm tới.
Để góp phần cân đối giáo viên ở các trường học, các địa phương và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở vùng sâu, vùng xa, bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng cho mọi đối tượng học sinh ở các vùng miền, ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ cho biết, những năm qua, ngành giáo dục đã rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên bảo đảm phù hợp, cân đối giữa các trường; tranh thủ nguồn lực từ đề án, kế hoạch, chương trình mục tiêu... của Trung ương, địa phương và tăng cường công tác xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất trường học.
Trước mắt, giải pháp tạm thời để dạy học trong năm 2022-2023 đối với môn Âm nhạc, Mỹ thuật là sẽ phải huy động giáo viên từ các trường khác, còn với các môn học khác thì buộc phải ký hợp đồng. Về lâu dài, tỉnh sẽ triển khai các biện pháp căn cơ, trong đó ưu tiên tuyển dụng giáo viên theo địa chỉ, cam kết phục vụ lâu dài nơi tuyển dụng, đặt hàng đào tạo giáo viên các môn thiếu và xây dựng quy chế luân chuyển giáo viên có thời hạn.
Bài và ảnh: HUYỀN TRANG