- Tôi tranh thủ xem lại bài giảng, vì đầu giờ sáng mai có buổi lên lớp cho sinh viên của Trường Đại học FPT. Sinh viên bây giờ vừa có tri thức, lại rất năng động, vì thế mỗi giờ lên lớp, giảng viên phải nghiên cứu để thay đổi phương pháp truyền thụ kiến thức phù hợp, hiệu quả. Tuy nhiên, có những điều dù trong điều kiện nào, đối tượng người học là ai cũng không bao giờ được phép thay đổi.

- Xã hội thay đổi từng ngày, nếu cứ “khư khư” giữ lại những điều đã cũ liệu có thu hút được sự quan tâm của người học? - Tôi hỏi anh Sơn.

Bài tùy bút “Sắc màu quân phục” của tác giả Vương Trọng đăng trên Báo Quân đội nhân dân Tết Nhâm Ngọ 2002. 

Không trả lời ngay vào câu hỏi của tôi, anh Sơn lấy từ trong cuốn giáo án và đưa cho tôi xem một bài báo được cắt ra từ một tờ báo. Mảnh giấy báo đã ngả màu, thậm chí nhiều chỗ chữ in bị mờ do tần suất được sử dụng nhiều. Tuy có đôi chút ngạc nhiên vì chưa hiểu hết ý anh Sơn nhưng tôi vẫn đưa tay đón nhận bài báo và bắt đầu đọc. Đó là bài tùy bút với tiêu đề “Sắc màu quân phục” của Vương Trọng, đăng trên Báo Quân đội nhân dân Tết Nhâm Ngọ 2002. Bài báo được mở đầu như một sự ngẫu nhiên: “Không hiểu vì sao cứ mỗi độ Tết đến, xuân về nhìn cây lá xanh tươi dưới ánh nắng mùa xuân là tôi thường nghĩ đến màu quân phục”. Rồi tác giả đặt câu hỏi: “Phải chăng vì sắc màu quân phục được hòa trộn từ cây lá quê hương cùng đất đai của mọi vùng đất nước...”. Không để tôi đọc hết bài báo, anh Sơn giải thích:

- Tôi sử dụng những đoạn văn, những chi tiết, những cách thể hiện của tác giả trong bài báo để truyền thụ cho sinh viên về vẻ đẹp và phẩm chất của người lính Cụ Hồ. Sắc màu quân phục không chỉ đơn thuần quy định màu sắc để phân biệt giữa các ngành nghề khác nhau trong xã hội, mà ở đó chứa đựng rất nhiều giá trị thiêng liêng. Đúng như tác giả bài viết, sắc màu ấy là sự hòa quyện của cây lá, đất đai và của cả máu xương các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ đã dâng hiến tính mạng của mình cho Tổ quốc, cho nhân dân, vì hòa bình, độc lập và tự do cho dân tộc.

Nghe anh Sơn giải thích, tôi vỡ lẽ ra nhiều điều và hiểu được ẩn ý của anh. Quả thực, người thầy không chỉ đơn thuần là người trang bị kiến thức, mà thông qua kiến thức còn bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho người học, nhất là đối với thế hệ trẻ. Sức mạnh của dân tộc Việt Nam có được đều bắt đầu từ tình yêu quê hương, đất nước trong trái tim mỗi người dân đất Việt. Và để vun bồi lòng yêu nước ấy cho thế hệ trẻ thêm trân trọng những đóng góp của thế hệ cha anh thông qua mỗi tác phẩm văn học, báo chí thì phương pháp truyền thụ kiến thức giống như của Thượng tá Phạm Trung Sơn ở Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2) là một ví dụ điển hình.

Bài và ảnh: VÂN HÀ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.