Hai trận đấu, bốn phong cách

Thế giới bóng đá bao giờ cũng tồn tại những triết gia. Họ cho rằng lối chơi luôn được định hình từ một khuôn mẫu nào đó. Tuy nhiên, bốn đại diện góp mặt tại bán kết Euro 2020 cho thấy thành công không bắt nguồn từ một công thức cố định nào. Italia, Tây Ban Nha, Anh, và Đan Mạch theo những cách nào đó đều đang cố gắng thoát khỏi những khuôn mẫu truyền thống vốn được gán ghép cho họ và thường được người ta nhắc đến tại các giải đấu lớn.

Italia

Dưới thời Roberto Mancini, Italia đã trở thành một đội bóng chơi đầy sức sống với khả năng pressing và tấn công với số đông mỗi khi có bóng. Lối chơi thong thả kiểu catenaccio (then chốt cửa) vốn ra đời hơn nửa thế kỷ nay đã trở nên lỗi thời. Không những vậy, nếu nhìn kỹ sẽ thấy lối chơi này chẳng có liên quan nhiều tới đội bóng Mancini đang dẫn dắt.

leftcenterrightdel
Italia cho thấy phong cách thi đấu tươi mới, giàu sức tấn công. Ảnh: Getty. 

Người ta vẫn thấy lối chơi phòng thủ sở trường của Italia qua những gì cặp trung vệ Giorgio Chiellini và Leonardo Bonucci đang thể hiện. Nhưng thực ra, cách vận hành của đội bóng được dựa trên lối chơi nhanh, với những cầu thủ chạy cánh cơ động và các tiền vệ trung tâm di chuyển linh hoạt. Ở những trận đã qua, Lorenzo Insigne và Federico Chiesa kết nối rất tốt với trung phong Ciro Immobile.

Đó là thứ bóng đá tốc độ, cơ động và rất hấp dẫn với những tuyển thủ Italia giàu sức tấn công và thể hiện được sự khỏe khoắn thuộc dạng bậc nhất kể từ đầu giải.

Tây Ban Nha

Ngược lại, đối thủ của Itali là Tây Ban Nha vẫn thể hiện lối chơi tiki-taka tiệm cận phong cách sở trường khi họ đăng quang tại Euro 2008 và Euro 2012, xen vào giữa đó là chức vô địch World Cup 2010.

leftcenterrightdel
Kiểm soát bóng vẫn là điểm vượt trội của đội tuyển Tây Ban Nha. Ảnh: Getty. 

Nhưng dù cho kiểm soát bóng vẫn là tiêu chí tối thượng, thì cách chơi của Tây Ban Nha đã thay đổi đáng kể dưới thời Luis Enrique. Các học trò của ông vẫn làm chủ trái bóng. Chẳng những thế, họ còn lập kỷ lục khi có 954 đường chuyền với tỷ lệ chính xác lên tới 89% (trong đó có 785 đường chuyền vừa và ngắn) và kiểm soát bóng 75% thời gian trong trận gặp Thụy Điển. Tuy nhiên đội bóng của ông lại cho thấy độ ‘nhiệt’ hơn so với các bậc tiền bối và tấn công nhanh hơn. Đó là lối tấn công ‘vỗ mặt’ theo yêu cầu của Luis Enrique.

Ông ưa thích sơ đồ 4-3-3 giống như thời còn dẫn dắt Barcelona và tấn công nhiều hơn so với huấn luyện viên tiền nhiệm Vicente del Bosque, người nổi tiếng với lối đá không có tiền đạo thực thụ tại Euro 2012. Tiền đạo cơ động, di chuyển nhiều để kéo giãn hàng hậu vệ đối phương là mấu chốt trong cách tiếp cận của Luis Enrique. Điều này lý giải tại sao ông vẫn kiên trì sử dụng Alvaro Morata dù anh thường xuyên phung phí cơ hội ghi bàn.

Anh

Xưa nay bóng đá Anh vẫn nổi tiếng với lối chơi cống hiến, di chuyển nhiều, thiên về thể lực và không khó để đối phương ‘bắt bài’, nhưng quan điểm này cũng đã lỗi thời. Thực tế cho thấy tại giải này, ‘Tam sư’ trình làng rất nhiều những tiền vệ tấn công và cầu thủ chạy cánh có kỹ thuật, khả năng chơi tốc độ cao, sự mềm mại, và sáng tạo.

leftcenterrightdel
Kalvin Phillips (14) đảm bảo sự chắc chắn cho tuyến giữa của tuyển Anh. Ảnh: Getty. 

Trong phần lớn các trận đấu, Gareth Southgate cho thấy sự thận trọng và thực dụng khi bố trí hai tiền vệ phòng ngự là Declan Rice và Kalvin Phillips phía sau bộ ba tấn công với Raheem Stering bên trái, Harry Kane đá cắm, và xoay tua vị trí bên phải.

Trong chiến thắng 4-0 ở tứ kết trước Ukraine trên sân Rome, tuyển Anh chuyển sang lối chơi khá tự do và phóng khoáng sau khi đã dẫn đối thủ 2 bàn. Không hiểu họ có dám chơi như vậy khi gặp Đan Mạch ở trận bán kết hay không, hay sẽ lại quay về lối chơi kiểm soát bóng thận trọng như khi gặp Đức ở vòng 1/8?

Có lẽ lối chơi của tuyển Anh được thể hiện rõ nét nhất qua hệ thống phòng thủ chắc chắn với việc ưu tiên kiểm soát bóng và nhường hết khả năng sáng tạo cho bộ ba hàng công.

Đan Mạch

leftcenterrightdel
Đan Mạch thể hiện lối chơi tấn công nhất trong số các đội bóng Bắc Âu. Ảnh: Getty. 

Đội tuyển Đan Mạch luôn cho thấy lối chơi tấn công rõ nét hơn so với các đội bóng láng giềng Bắc Âu. Thành công mà huấn luyện viên Kasper Hjulmand đang có được phần lớn là nhờ khả năng hoạt động của 3 cầu thủ trên hàng công. Martin Braithwaite di chuyển, thu hút người tạo khoảng trống để Mikkel Damsgaard và Kasper Dolberg khai thác tối đa cơ hội, trong khi các hậu vệ cánh là Stryger Larsen và Joakim Maehle băng lên để mở biên. Cũng giống như tuyển Anh, Đan Mạch thường xuyên chơi với hai tiền vệ trung tâm Pierre-Emile Hojbjerg và Thomas Delaney để tạo sự chắc chắn.

Dù đội bóng nào nâng cao cúp vô địch vào rạng sáng thứ hai tuần tới (12-7) thì có lẽ cũng không ai dám mạnh dạn lựa chọn một phong cách thi đấu điển hình nào đó để đi theo theo sau kỳ Euro 2020 này nữa. Đó là bởi giải đấu đã chứng tỏ một điều: Không có hình mẫu chiến thuật nào là ưu việt tuyệt đối để mang lại thành công!

HỮU DƯƠNG