Dễ dàng tiếp cận sản phẩm từ động vật hoang dã
Một thực tế, tại nhiều điểm du lịch của nước ta, du khách không khó để tìm thấy nanh, vuốt của hổ, gấu, thậm chí sư tử. Các sản phẩm mỹ nghệ làm từ ngà voi, đồi mồi, vảy tê tê, như: Vòng tay, vòng cổ, ấn, lược, nhẫn, mặt phật, trâm cài tóc… được bày bán công khai tại nhiều cửa hàng lưu niệm trên bãi biển cũng như trong thành phố, chợ đêm, chợ lớn… Bà Nguyễn Đào Ngọc Vân, quản lý Dự án ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) tại Việt Nam cho biết: "Từ năm 2016 đến 2018, Việt Nam có 13 điểm với 263 cơ sở buôn bán ngà voi. Những nơi này bán khoảng 5.067 đến 13.166 sản phẩm ngà voi. Khảo sát thị trường Đắc Lắc tháng 2-1019 thì tất cả 4 điểm du lịch đều bán ngà voi. 100% cửa hàng vàng đều bán sản phẩm ngà voi. Ngà voi được bán công khai, có niêm yết giá".
 |
Đảo cò ở Chi Lăng Nam (Thanh Miện, Hải Dương) được bảo tồn tốt, là điểm du lịch được du khách ưa thích. Ảnh: HẢI ĐĂNG. |
Theo nhiều chuyên gia, khách du lịch đã đóng vai trò kích cầu thị trường mua bán động vật hoang dã trái phép. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên chính là ý thức về việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là động vật hoang dã chưa đầy đủ. Anh Alan (du khách đến từ Singapore) khoe với chúng tôi về chiếc lược làm từ đồi mồi rất đẹp anh mua được khi đến Nha Trang (Khánh Hòa). Chiều theo thị hiếu của không ít khách du lịch, các món ăn đặc sản thịt thú rừng được quảng cáo công khai, mời chào nhiệt tình. Thịt thú rừng bày bán công khai ở nhiều lễ hội, thịt rắn, thịt nhím, mật gấu dễ dàng tìm thấy trong các nhà hàng. Dịch vụ cho khách du lịch cưỡi voi ở Tây Nguyên cũng trở thành phổ biến đến mức nhiều người còn không nghĩ đó là hành vi gây hại cho động vật hoang dã. Thực tế này chính là thách thức lớn cần sự quan tâm đầy đủ hơn của các cấp, các ngành.
Du lịch Việt Nam liên tục phát triển là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là làm thế nào để phát triển du lịch của Việt Nam không gây ra tác động tiêu cực cho thiên nhiên, đặc biệt là sự suy giảm các loài động vật hoang dã. Chúng ta cần nhận thức rõ ràng rằng, hủy hoại động vật hoang dã, gây hại cho môi trường tự nhiên, mất đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp tới việc thu hút khách du lịch, phát triển bền vững; hủy hoại hình ảnh đẹp của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế…
Hành động quyết liệt để thay đổi nhận thức
Trên bản đồ du lịch, Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn với nhiều cảnh sắc thiên nhiên lôi cuốn. Du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên luôn được xác định là một trong những sản phẩm du lịch chính, được ưu tiên phát triển trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Mỗi năm, hoạt động du lịch sinh thái tại các khu rừng đặc dụng đã thu hút hơn 2 triệu lượt khách du lịch, với doanh thu hơn 100 tỷ đồng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế địa phương và hỗ trợ hoạt động bảo tồn thiên nhiên.
Để phát triển du lịch bền vững, thực tế, ở một số địa phương, như: Đà Nẵng, Quảng Ninh, Lào Cai… đã ý thức thực hiện việc tuyên truyền về bảo vệ động vật hoang dã. Chẳng hạn, TP Móng Cái (Quảng Ninh) đã "lượng hóa" các bộ quy tắc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và của tỉnh Quảng Ninh thành bộ quy tắc riêng, in tờ rơi dán ở tất cả nhà hàng khách sạn, trong đó có cảnh báo không sử dụng động vật hoang dã. Khách sạn Victoria tại Sa Pa (Lào Cai) không đồng ý cho khách mang vật phẩm từ rắn hay các sản phẩm từ động vật hoang dã vào khách sạn… Tuy nhiên, những hành động như vậy vẫn chưa được phổ biến rộng rãi.
Theo các chuyên gia, ngành du lịch cần vào cuộc quyết liệt để tạo sự chuyển biến nhận thức của cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch, cộng đồng dân cư, khách du lịch bằng nhiều cách. Ông Vũ Văn Hoan, Phó trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin TP Móng Cái đề xuất: Tổng cục Du lịch nghiên cứu có giải thưởng cho các cá nhân, tổ chức trong ngành về bảo vệ môi trường bên cạnh những giải thưởng du lịch khác… Còn bà Lê Thị Minh Quế, chuyên viên chính Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho rằng: “Chúng ta nên có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư nghiên cứu và phát triển các sản phẩm du lịch hướng tới sử dụng việc bảo vệ động vật hoang dã, tài nguyên thiên nhiên. Làm sao để khách du lịch khi trải nghiệm các sản phẩm này tự nâng cao nhận thức, yêu quý động vật và cần phải bảo tồn thiên nhiên”.
HUY AN