Đi dọc con đường Hoa Vôi quãng độ gần cây số, dường như mọi nóng bức, ngột ngạt ngày hè bị bỏ lại phía sau, chúng tôi ngỡ ngàng trước mặt hồ rộng lớn ngay bên trái cổng vào. Trời đã xế chiều nên có khá đông người dân và du khách tản bộ ven hồ. Chúng tôi bắt chuyện với ông Nguyễn Trọng Quý là người dân trong thôn Hoàng Xá. Gắn bó với động Hoàng Xá từ nhỏ nên suốt 80 năm qua, từng hình ảnh dù nhỏ nhất nơi đây đều mang dấu ấn kỷ niệm với ông.
Trên con đường đá sỏi dẫn vào động, chúng tôi đi dưới những hàng cây cổ thụ gồm đủ loại nhãn, vải, xoài… Tán cây rộng rủ bóng xuống mặt hồ, rủ rỉ, rù rì như muốn kể câu chuyện về miền cổ tích. Ông Quý mô tả cho chúng tôi mặt hồ như hình dáng chú cá khổng lồ, đầu ghé về phía cửa động, lưng uốn cong tựa vào núi Hoàng Xá. Cũng thật đặc biệt, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi bước đi trên con đường ven hồ là gió. Gió lăn tăn trên mặt hồ, gió lùa qua tán cây, gió cuộn về phía cửa động. Phải chăng cũng vì là nơi hút gió nên trên mô đất nổi nằm ở vị trí rốn cá, người xưa đã xây dựng một quán có tên gọi là Quán Gió. Quán Gió được nối với bờ bằng cây cầu gạch chênh chếch hình bán nguyệt.
 |
Cửa vào động Hoàng Xá. |
Qua đường vòng cầu Quán Gió, một cửa động rộng lớn chào đón chúng tôi. Động không sâu nhưng rộng và cao. Vòm động như chiếc bát úp ngược khổng lồ mà chỗ cao nhất phần đáy bát cũng hơn 50m. Trong động, ông Quý chỉ cho chúng tôi 3 lỗ thông là giếng trời cung cấp nguồn sáng tự nhiên. Với lỗ thông đặc biệt ấy cộng thêm việc động ngắn, cửa sau cũng là lối qua thôn Du Nghệ nên dù đứng giữa động cũng không cần dùng thêm đèn chiếu sáng như khi tham quan các hang động khác.
Nhờ ánh nắng trời chiều, chúng tôi nhìn rõ cảnh vật trong động. Chính giữa động có tảng đá lớn mà tương truyền xưa kia chính là nơi tiên thường xuống trần gian đánh cờ. Câu chuyện xưa phảng phất nét huyền thoại, chẳng biết các vị tiên có xuống du ngoạn thật hay không nhưng tuổi thơ của ông Quý và những người bạn đồng trang lứa đã gắn bó với phiến đá như một nơi yên tĩnh cần thiết để học bài hay đơn giản chỉ để ngồi hóng mát giữa tiết trời ngày hè nóng nực.
Động và núi Hoàng Xá nằm trong hệ thống “thập lục đại danh sơn” (16 quả núi lớn nổi tiếng) của Phủ Quốc Oai xưa. Cũng vì vậy, nhiều danh sĩ đã từng để lại bút tích ngợi ca vẻ đẹp danh thắng trên vách động. Nổi bật trong số đó là Cao Bá Quát, Trần Trọng Triết, Cao Xuân Dục… tạo nên cảnh sắc văn chương đặc biệt cho động Hoàng Xá.
Nằm sâu phía bên trong động có các khối đá tự nhiên như hình dáng của loài voi với các tư thế khác nhau. Đưa mắt nhìn lên cao trên vách động chúng tôi không khỏi bất ngờ với những nhũ đá mang dáng vẻ tượng Phật. Đôi chút ánh sáng của nắng chiều lọt qua khe động làm dáng đá Phật thêm lung linh, huyền ảo. Tiếng mõ tụng kinh bên chùa Pháp Hoa ngay cạnh động vang vọng đều đều như dẫn lối du khách vào cõi Phật. Đang mơ màng giữa cõi mộng, bỗng tiếng của lũ dơi núi theo ánh sáng giếng trời bay rộn khiến chúng tôi không khỏi giật mình tiếc nuối để rồi trở về với cõi thực...
Bài và ảnh: PHƯƠNG NGUYÊN