ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành phố với diện tích tự nhiên hơn 40.500km2. Theo Quyết định số 2227/QĐ-TTg, quan điểm phát triển du lịch ĐBSCL phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các sản phẩm du lịch mang tính cạnh tranh trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên và đặc trưng văn hóa.
ĐBSCL đầu tư du lịch có trọng tâm, trọng điểm, huy động hợp lý các nguồn lực và phát triển du lịch gắn với thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Vùng sẽ hình thành hai không gian du lịch: Phía Đông (gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long) và phía Tây (các địa phương còn lại) tương ứng với định hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng.
ĐBSCL sẽ tập trung phát triển, hình thành các dòng sản phẩm du lịch hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao, ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù gồm: Du lịch trải nghiệm đời sống sông nước, du lịch sinh thái, tìm hiểu di sản văn hóa, củng cố các sản phẩm chính như nghỉ dưỡng biển, đảo và vui chơi giải trí. Đồng thời, sẽ đa dạng hóa sản phẩm du lịch với các sản phẩm bổ trợ gồm: Du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch tìm hiểu các di tích lịch sử cách mạng, du lịch hội nghị - hội thảo – sự kiện (MICE).
Du khách đi thuyền tham quan Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, An Giang.
Vùng ĐBSCL phấn đấu đến năm 2020 đón khoảng 34 triệu lượt khách du lịch (khoảng 3,5 triệu khách quốc tế) và năm 2030 đón khoảng 52 triệu lượt khách (khoảng 6,5 triệu lượt khách quốc tế); tổng thu từ du lịch đến năm 2020 đạt khoảng 25.000 tỷ đồng và 2030 là hơn 111.000 tỷ đồng.
Tại hội nghị, các đại biểu khẳng định quy hoạch là một “kim chỉ nam” cho định hướng phát triển mạnh mẽ về du lịch của ĐBSCL trong thời gian tới. Để quy hoạch đi vào thực tiễn, đòi hỏi các địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ, triển khai đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm, tránh lãng phí xã hội. Các địa phương cần liên kết chặt chẽ trong phát triển du lịch, hỗ trợ phát triển thế mạnh du lịch đặc trưng của từng tỉnh, thành phố và thống nhất phân công sản phẩm du lịch phù hợp địa phương. Bên cạnh đó, từng địa phương phải thay đổi tư duy, cách làm du lịch, tăng cường sự kết nối các tour, tuyến du lịch, dịch vụ để thu hút du khách, cũng như đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Tin, ảnh: HÙNG KHOA