Đáng chú ý, có đề xuất Thủ tướng xem xét thành lập một Tổ công tác đặc biệt đa thành phần trong giai đoạn cao điểm chuẩn bị cho mùa du lịch khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022. Tổ công tác này gồm đại diện của khu vực công, khu vực tư nhân và một Ban Thư ký hỗ trợ tích cực, hoạt động điều hành trực tuyến dựa trên các số liệu, dữ liệu thực tế, thường xuyên cập nhật tình hình để đưa ra các quyết định kịp thời.

 Đón khách quốc tế đến Việt Nam. Ảnh: THANH TÚ

Báo cáo cho rằng, kế hoạch mở cửa du lịch quốc tế đến Việt Nam từ ngày 15-3 là một quyết định mạnh mẽ, kịp thời và đáp ứng đòi hỏi của ngành du lịch, tuy nhiên, so với con số khách vào 4 tháng đầu năm thì chúng ta mới đạt được 50% số ước tính để đạt được chỉ tiêu. Sau gần 2 tháng kể từ khi có chủ trương nêu trên và sau những nỗ lực bước đầu, các doanh nghiệp nhận thấy còn không ít khó khăn cả khách quan và chủ quan, bao gồm một số rào cản kỹ thuật trong các quy trình, quy định, khâu tổ chức thực thi cụ thể.

Để đạt và thậm chí kỳ vọng vượt mục tiêu năm 2022 là đón được hơn 5 triệu lượt khách quốc tế tới Việt Nam, góp phần giúp du lịch, hàng không và nền kinh tế Việt Nam nói chung có sự bứt phá đáng kể sau bối cảnh đại dịch, Ban IV cùng cộng đồng doanh nghiệp kính mong Thủ tướng Chính phủ xem xét, cân nhắc chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương một số giải pháp như: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (Tổng cục Du lịch), các đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp, lên kế hoạch đồng bộ đẩy mạnh truyền thông quốc tế và tiếp thị du lịch ra quốc tế; Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan sớm giảm thiểu các rào cản, yêu cầu đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; Bộ Ngoại giao, Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất phương án cải thiện chính sách thị thực, thị thực điện tử…

TƯỞNG NGUYỄN