Ngôi làng cổ nằm ngang lưng chừng đồi. Thứ đất đồi vàng thẫm màu mỡ như những phên mật mía tưởng chừng hạt lạc, cọng sắn chỉ cần ủ mình trong đó là có thể nảy mầm sai củ. Cùng với đất nhuộm sắc nâu vàng cho làng còn phải kể đến những viên đá ong. Đá nằm ngả nghiêng ven đường đất đỏ, đá thẳng tăm tắp bên bức tường rào. Đá uốn cong mình thành vòng tròn giếng. Đá dựng lên những ngôi nhà nằm nép mình dưới tán cây xanh mát có con chim sâu chuyền cành. Tất cả đã tạo nên khung cảnh yên bình tĩnh lặng như cái tên Yên Thái của làng.
Tìm về nhà ông Đỗ Danh Nhung có ngôi nhà cổ 5 gian nằm giữa xóm, thời gian đã làm phôi pha từng lớp ngói ri. Bao kèo bao cột, xà dọc xà ngang cũng phai màu thời gian. Chỉ có bức tường nhà màu hoàng thổ ngấm bao nắng mưa mà vẫn không phai. Những lớp trầm tích đã lặng lẽ nằm sâu dưới lòng đất hàng triệu năm. Để rồi khi bàn tay người khẽ vén ra, kỳ công đục đẽo, từng hòn, từng viên bỗng hiện lên đẹp lạ kỳ, đá ong xù xì, thô ráp trở nên có hình hài vuông thành sắc cạnh. Người dân quê Yên Thái dùng bùn non trộn vữa để hàn gắn từng viên đá lại, thế là thành nhà ra cổng.
 |
Những ngôi nhà xây bằng đá ong đã tạo nên vẻ đẹp của làng Yên Thái. |
Đá ong gắn bó với người làng Yên Thái như hơi thở của cuộc sống. Mở mắt dậy là thấy đá ong. Bước ra đường là những bức tường rào, tường nhà đá ong hun hút. Từng hòn đá quê hương đã gắn bó chở che cho người dân quê một đời nhọc nhằn mưu sinh nơi mảnh đất cha ông để lại. Đá ong dường như cũng có hồn để thấu hiểu được suy nghĩ của con người. Chẳng thế mà bước vào căn nhà đá ong, cả chủ và khách đều cảm thấy bình yên thư thái. Đứng bên nếp nhà của mình, ông Vũ Văn Huệ giới thiệu đôi câu đối “Đá mốc cứng truyền đời rèn tín nghĩa/ Địa giới mềm muôn thuở tỏa minh tâm” như để minh chứng về mối liên hệ mật thiết giữa đất đá với cuộc sống con người.
Về Yên Thái, bên những căn nhà dân sinh còn có các công trình kiến trúc tâm linh cũng được xây dựng bằng loại đá đặc trưng mà thiên nhiên kiến tạo cho mảnh đất xứ Đoài mây trắng. Nằm ở vị trí giữa làng, ngôi đình cổ có tuổi đời mấy trăm năm mái ngói xô nghiêng, kế bên là chùa làng, phía trước có chiếc giếng cổ. Nhờ những viên đá ong mà các công trình trên còn vững bền cho dù đã trải qua bao biến thiên.
Tôi cùng ông trưởng thôn Đỗ Danh Hùng dạo quanh một vòng làng và tìm hiểu mới hay, làng có 700 hộ dân thì đa phần là nhà xây bằng đá ong. Hiện tại, trong làng có 3 ngôi nhà cổ tuổi đời trên trăm năm, số còn lại là sử dụng chất liệu đá ong để xây mới. Những ngôi nhà đá ong có kết cấu bền vững mang tính thẩm mỹ cao đã tạo cho làng nét đẹp vừa cổ kính vừa gần gũi, thân thuộc. Với những ngôi nhà đá ong cổ, địa phương động viên các gia đình gìn giữ cẩn thận. Còn những hộ xây mới thì khuyến khích sử dụng đá ong trong xây dựng nhằm tạo cảnh quan chung của làng.
Rời làng Yên Thái khi trời chiều đã chạng vạng. Dưới nếp nhà đèn đã bắt đầu rạng, khói bếp tỏa bay, mùi cơm mới ấm nồng. Những ngôi nhà đá ong nằm lặng lẽ như đang thì thầm kể về những câu chuyện của làng. Bao năm qua, đá ong chứng kiến mọi buồn vui trong cuộc sống của bà con dân quê. Đá gắn bó với người, thế nên người dân Yên Thái luôn tự hào về ngôi làng cổ của mình được xây cất bằng những viên đá ong ăm ắp nghĩa tình, tưởng chừng như trong từng thớ đá mạch vữa ấy còn lưu giữ cả hồn cốt xóm làng.
Bài và ảnh: ĐỨC NAM