Dự báo được đưa ra tại Tọa đàm trực tuyến về chủ đề “Giải pháp cho hoạt động kinh doanh lưu trú năm 2022" do Tập đoàn Mường Thanh vừa tổ chức.

Bên cạnh đó, “các thị trường quốc tế như thị trường Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu, châu Úc cũng sẽ rất tiềm năng và ưu tiên những thị trường có chính sách công nhận lẫn nhau hộ chiếu vắc xin với Việt Nam”, ông Nguyễn Trùng Khánh đánh giá.

Trao đổi về những cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú trong năm 2022, dưới góc độ của người quản lý doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Lương Hoài Nam nhận định các doanh nghiệp du lịch: Cần chuyển dịch trọng tâm định hướng hoạt động, phân bổ nguồn lực, chi phí để khai thác tốt thị trường nội địa; triển khai các gói sản phẩm dịch vụ chuyên nghiệp về mảng nghỉ dưỡng tại chỗ; dịch chuyển tập trung tới đối tượng khách lẻ với các chương trình linh hoạt thay vì chỉ phục vụ các đối tượng khách đoàn lớn (trong nước và quốc tế); liên kết với các bên đối tác, công ty cung ứng dịch vụ (vận tải, lữ hành…) để xây dựng và bán các sản phẩm trọn gói; có sự tập trung đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong phân phối sản phẩm trên các nền tảng số; đẩy mạnh bán các sản phẩm vouchers để tiếp cận được nhiều thị trường khách hàng…

  Quang cảnh tọa đàm.

Chia sẻ về những giải pháp marketing và truyền thông tối ưu để hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực lưu trú có thể dễ dàng tiếp cận và khai thác các thị trường du lịch trọng điểm năm 2022, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê, cho rằng các doanh nghiệp lưu trú cần có những chiến lược về nội dung, xây dựng các hoạt động tương tác, củng cố xây dựng hệ thống truyền thông, tập trung ứng dụng công nghệ để biến khách hàng trở thành những đại sứ thương hiệu của doanh nghiệp mình để giảm thiểu chi phí.

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đánh giá Tập đoàn Mường Thanh vốn lợi thế sở hữu chuỗi khách sạn lớn nhất tại Việt Nam, quy mô phòng lớn, qua trải nghiệm tại các khách sạn của Mường Thanh, ông cho rằng Mường Thanh nên phát huy thế mạnh sử dụng các sản phẩm sạch hữu cơ tự cung tự cấp trong toàn hệ thống để vừa tạo cung ứng cũng như truyền thông rộng rãi tới khách hàng.

Ông cũng đánh giá cao việc Mường Thanh đã phát triển được 2 sân golf trong những năm gần đây và nhận định đây là hướng đi đúng phù hợp với xu hướng mới và khuyến khích Mường Thanh cần xúc tiến đẩy mạnh xây dựng các gói Combo kết hợp trải nghiệm golf với cơ sở lưu trú để mở rộng thị trường khách hàng.

Để các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú có thể khai thác tốt các thị trường tiềm năng trên và thích ứng hiệu quả trong tiến trình mở cửa du lịch trở lại, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cũng đã đưa ra một số giải pháp đó là: Cần kết hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú và các hãng hàng không  tạo ra những sản phẩm combo dịch vụ để kết nối mở lại thị trường; bảo đảm yếu tố an toàn phòng, chống dịch áp dụng trong tất cả các cơ sở lưu trú; đầu tư phát triển sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ.

Cùng với đó là nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng du lịch; có chính sách hỗ trợ, bồi dưỡng nghiệp vụ, đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá, truyền thông để thu hút thị trường khách bằng nhiều phương thức; nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến cũng như năng lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp…

Tin, ảnh: HOÀNG NHUNG