Cái địa danh chỉ cần nhắc đến thôi đã thấy trào dâng xúc cảm tự hào. Những lời thơ cứ thế ào ạt ùa về như khúc hoan ca: “Hùng vĩ thay toàn thân đất nước/ Tựa Trường Sơn, vươn tới Trường Sa/ Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước/ Đỏ bình minh mặt sóng khơi xa” (Tố Hữu).

Về Trà Cổ, ai cũng muốn chụp hình bên địa điểm đặc biệt đánh dấu địa đầu cực Đông Bắc Tổ quốc. Mũi Sa Vĩ là nơi đặt nét vẽ đầu tiên trên bản đồ đất nước. Đây là nơi kết thúc đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc nhưng cũng là điểm khởi đầu đường bờ biển dài 3.260km của đất nước ta. Mũi Sa Vĩ còn gọi là mũi Gót. Vị trí này được đánh dấu bằng cột mốc tọa độ tượng trưng với hai mặt ghi nội dung khác nhau. Nếu đến Trà Cổ mà chưa chụp ảnh ở cột mốc này thì coi như chưa đến. Thế nên khi đặt chân đến đây, ai cũng gắng lưu lại bức hình bên dấu mốc thiêng. Cột mốc mặt hướng về phía Bắc in dòng chữ “Tràng Vĩ 0km”, còn mặt phía Nam là “Từ Trà Cổ đến mũi Cà Mau 3.260km”.

leftcenterrightdel
Khách tham quan chụp ảnh bên bức phù điêu hình ba ngọn cây phi lao ghi câu thơ của Tố Hữu. Ảnh: Phùng Hoa 

Chưa bao giờ tôi cảm nhận hai đầu đất nước lại gần đến thế. Mấy ngàn cây số như được rút ngắn lại. Cột mốc bên cửa biển bình dị mà thiêng liêng, nhỏ bé mà chất chứa bao điều lớn lao. Đôi bàn tay tôi đặt trên những dòng chữ thẳng tắp như đang chạm vào dáng hình Tổ quốc. Giữa trời chiều chang chang nắng, bóng người, bóng cột mốc đổ lẫn vào nhau in hình trên nền đá xám. Ngoài kia sóng vẫn rì rào giữa biển biếc xanh. Đứng tại nơi này, phóng tầm mắt ra xa khi nước triều xuống sẽ thấy nổi lên một dải cát sẫm màu uốn lượn như đuôi rồng. Chính vì thế địa danh này có tên là Sa Vĩ.

Từ cột mốc đi ra phía cửa biển mấy chục mét là đường vành đai biên giới. Tại đây, chúng tôi gặp ông Trần Trung Kiên, ngư dân ở Tràng Vĩ. Ông Kiên là cựu chiến binh, tuổi đã ngoại lục tuần, tóc muối tiêu nhưng sức vóc khỏe khoắn, rắn chắc. Màu da ngấm nước biển, gió biển, muối biển mặn mòi nên sạm lại, bóng loáng. Đôi bàn tay ngư phủ thô mộc chỉ rành rẽ khu vực đường biên giới Việt-Trung trên biển. Ông cùng 5 thành viên trong khu lập tổ tự quản tham gia bảo vệ cột mốc, chủ quyền đường biên. Chỉ với thuyền cá nhân, ngày ngày các ông rong khơi dọc đường biên, nếu phát hiện có vấn đề gì bất thường liền báo ngay cho Đồn Biên phòng Trà Cổ (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh) xử lý. Nhờ công sức của những ngư dân mà nhiều vụ việc xâm phạm đường biên, nhập hàng lậu bị phát hiện và xử lý kịp thời. Cũng có dịp, tổ tự quản hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển. Tôi hỏi: “Tổ tự quản hoạt động có được trợ cấp không?”. Trầm ngâm nhìn biển, ông Kiên trả lời chắc nịch: “Chúng tôi tự nguyện tham gia bảo vệ vùng vành đai biên giới không một chút thù lao”. Mang phẩm chất của người lính về giữa đời thường, họ vẫn lặng lẽ và bình tâm, vừa lao động vừa góp sức bảo vệ vùng biên giới Tổ quốc.

Đường biên an toàn, tình hình an ninh ổn định là điều kiện để nhân dân yên tâm lao động sản xuất. Ở Trà Cổ, người dân ngoài đánh bắt hải sản còn làm du lịch. Từ biển lui vào chỉ vài chục mét là khu dân cư với những dãy nhà cao tầng làm đẹp thêm trục đường Tràng Vĩ. Giới thiệu với chúng tôi những tín hiệu vui tươi lấp lánh trên hành trình du lịch miền biển, ông Trần Ngọc Khải, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Trà Cổ phấn khởi nói: “Hiện trên địa bàn có 1 khu resort, 2 khách sạn và 26 nhà nghỉ với gần 1.000 phòng nghỉ và hơn 80 cơ sở kinh doanh ăn uống, dịch vụ. Tiềm năng, thế mạnh của địa phương là du lịch, dịch vụ, khai thác và nuôi trồng thủy sản. Đây là tiền đề quan trọng để Trà Cổ thúc đẩy ngành du lịch phát triển”.

Đi dọc trục đường Tràng Vĩ, những homestay, nhà hàng, khách sạn mọc lên hai bên như những nốt chấm reo vui trên dải đất tươi đẹp Trà Cổ. Đời sống khấm khá, người dân được hưởng các giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp, lành mạnh. Cả 4 khu dân cư xôm tụ ven biển đều có nhà văn hóa khang trang. Đặc biệt mới đây, nhà văn hóa khu Tràng Vĩ được sửa chữa với số tiền 500 triệu đồng, nhà văn hóa khu Tràng Lộ được đầu tư gần 3,7 tỷ đồng xây mới, lắp đặt nhiều thiết bị vui chơi cho trẻ em.

Được gặp bà con trong các khu dân cư, chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui ánh lên trên từng gương mặt hằn in những lớp sóng. Họ hăng say vươn khơi bám biển để cá về đầy khoang, có người biết làm giàu từ hoạt động du lịch, dịch vụ. Với chất giọng rổn rảng của người cán bộ tâm huyết, nhiệt tình, ông Phạm Đức Thuận, Bí thư chi bộ, Trưởng khu Đông Thịnh chia sẻ: “Chúng tôi vui vì bà con miền biển cùng nhau đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp”. Vậy là những “gia đình văn hóa”, “khu phố văn hóa” được công nhận như những nhành hoa tươi làm đẹp thêm miền cửa biển sóng vỗ.

Ở nơi đầu sóng giáp miền hải giới Việt-Trung, người dân Trà Cổ vẫn bền bỉ gìn giữ những nét giá trị văn hóa thuần Việt, nuôi dưỡng trong mình dòng máu Lạc Hồng, tấm lòng tri ân tiên tổ cội nguồn. Giữa xóm làng xanh mát bóng cây, ngôi đình Trà Cổ đứng đó "trơ gan cùng tuế nguyệt". Bao nét chạm trổ phượng long, bao uốn lượn mây sóng trải qua mấy trăm năm vẫn hiển hiện rực rỡ để nơi đây trở thành cõi thiêng cho người dân miền biển gửi gắm những ước nguyện về một cuộc sống no ấm, đủ đầy.

Chị Phùng Thị Hoa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thuyết minh phường Trà Cổ dẫn chúng tôi vào thăm đình trong ngan ngát khói hương hòa cùng gió biển. Lời giới thiệu của người con gái miền biển chất chứa trong đó cả sóng, cả gió vang lên giữa cung thờ. Tôi hỏi: “Câu nói “Dân Trà Cổ, tổ Đồ Sơn” được lưu truyền bao đời nay có nghĩa gì?”. Hiểu về lịch sử quê hương, chị Hoa kể lại rành rẽ. Chuyện xưa rằng có 12 gia đình người Đồ Sơn đi đánh cá trên vùng biển gặp phải sóng to, gió lớn nên dạt vào vùng đất này. Khi đến đây, họ chỉ thấy đất đai cỗi cằn, lơ xơ sú, vẹt. 6 gia đình không chịu được gian khổ, muốn trở về quê cũ nên nói rằng: “Ở đây ăn bổng lộc gì/ Lộc sung thì chát, lộc si thì già”. Tuy nhiên, còn 6 gia đình bền gan vững chí ở lại đã lạc quan đáp rằng: “Ở đây vui thú non tiên/ Tháng ngày lọc nước lấy tiền nuôi nhau”. Thế là họ quyết tâm, bền bỉ khai khẩn đất hoang, dựng nhà, đánh cá, đem sức người làm ấm vùng đất mới để sau này cư dân quần tụ thành xóm, thành làng. Với lòng thương nhớ cố hương, họ đã lấy tên của hai làng Trà Phương và Cổ Trai ghép lại thành Trà Cổ đặt tên cho vùng đất mới. Sau này tưởng nhớ công lao lập làng, người dân đã xây dựng ngôi đình thờ lục vị tiên công là người Đồ Sơn (Hải Phòng). Câu chuyện xưa hiện về bàng bạc sắc màu cổ tích.

Về Trà Cổ hôm nay, khách phương xa còn được chiêm bái nhà bia ghi dấu sự kiện Bác Hồ thăm Trà Cổ ngày 8-5-1961. Nhà bia hai tầng tám mái ngời sắc đỏ, nghinh phong đón ánh nhật hồng. Đi giữa miền sóng vỗ, tôi thấy thấp thoáng đâu đây hồn cốt dân tộc Việt, để thêm tự hào về giang sơn Tổ quốc hùng vĩ, đẹp tươi; để thấy yêu hơn những con người bình dị đang ngày đêm âm thầm gìn giữ từng thước đường biên, khẳng định chủ quyền bằng những giá trị văn hóa. Trong sắc nắng mây trời và dạt dào sóng biển, những lời ca thoáng hiện về trong trập trùng ký ức đầy tha thiết, tự hào: “Ơi vút cong mái đình/ Ơi nước non ân tình/ Hồn Việt Nam như thế... thuở bình minh”.

Ghi chép của VŨ DUY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.