Vùng đất này không những mang trong mình vẻ đẹp mê hồn của cảnh sắc thiên nhiên, mà còn có cả những con người, những nghệ nhân ngày đêm đắm say với tiếng cồng chiêng. Một trong những điểm đến lý tưởng khi đi du lịch mùa cuối năm, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Đến với vùng biên

Những ngày đầu năm mới, chúng tôi đến vùng biên giới Ia O, thuộc huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, trong cái nắng se se của khí lạnh. Nhiều đoàn du khách đã vượt quãng đường hơn 70km từ thành phố Pleiku (Gia Lai) để đến nơi đây tận hưởng cái đẹp có một không hai ở vùng sông nước Sê San. Đến đây chắc ai cũng nghe nói và nghĩ ngay đến dòng sông Pô Cô gắn với cái tên anh hùng A Sanh, người dân tộc thiểu số Giơ rai, đã anh dũng dùng con thuyền độc mộc nhỏ bé của mình để đưa hàng ngàn bộ đội sang sông và vận chuyển vũ khí đạn dược cung cấp cho chiến trường đánh Mỹ cứu nước.

Một vùng sông nước hoang sơ, đẹp và hấp dẫn dành cho những người ưa khám phá những địa điểm mới lạ. Dòng sông không chỉ cung cấp nguồn năng lượng dồi dào để phát triển hệ thống thủy điện mà còn chứa đựng trong lòng nó nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng với nhiều loại cá quý hiếm, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương. Tại đây, du khách thỏa thích vẫy vùng trong dòng nước trong veo, ngắm bình minh hay hoàng hôn mỗi sáng, mỗi chiều, những con thuyền độc mộc xuôi dòng, hay ngắm những chiếc thuyền đánh cá, những chiếc vó sáng đèn trong đêm.

Các nghệ nhân ở Ia O tạc tượng dân gian. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Quý, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai chia sẻ: Dòng Sê San chảy ngang qua địa bàn bên này là xã Ia O (Ia Grai), bên kia là xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum. Với mênh mông sóng nước, dòng Sê San không chỉ đem lại nguồn năng lượng để phát triển thủy điện mà còn tạo ra nguồn lợi thủy sản cho người dân khai thác. Từ ngày xây dựng công trình Thủy điện Sê San 4, dòng Sê San qua đây đã trở thành hồ tích nước, lòng hồ rộng, đẹp, nằm giữa núi rừng tạo nên “bức tranh thủy mặc” hút hồn du khách. Cùng với Lễ hội đua thuyền độc mộc, Liên hoan văn hóa cồng chiêng, tạc tượng dân gian, ẩm thực địa phương... huyện Ia Grai tiếp tục quan tâm đến khai thác tiềm năng lợi thế của vùng đất biên giới đa dạng về sinh thái, chiều sâu về văn hóa để tạo ra những sản phẩm du lịch giá trị, kích cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Chúng tôi xác định chiến lược du lịch, đã và đang nỗ lực mời gọi các nhà đầu tư dự án phát triển du lịch. Định hướng chung của du lịch Ia Grai là đa dạng hóa sản phẩm, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch để có thể kết nối với vùng miền, tăng khả năng thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, Ia Grai cũng chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, có nét độc đáo riêng, trong đó đua thuyền độc mộc, du lịch lòng hồ, làng nổi Sê San, các di tích lịch sử, cồng chiêng tụ hội…là điểm nhấn khởi đầu. Với tiềm năng du lịch dồi dào cùng sự nỗ lực của chính quyền địa phương, tin tưởng rằng, du lịch Ia Grai sẽ ngày càng phát triển, là điểm đến hấp dẫn trong lòng du khách thập phương.

Trên mặt hồ rộng mênh mông, dấu tích của ngày xưa vẫn còn đó: Những ngọn núi cao giờ thành cù lao xanh giữa hồ, những ngọn cây rừng khô nổi lên trên không trung như bức tranh thủy mặc; những làng chài, những ngôi nhà nổi tạo nên cảnh quan thật thơ mộng. Khi bình minh đánh thức một ngày mới, các hộ dân ở làng nổi thu về những mẻ cá trong đêm, rồi tiếp tục chuẩn bị lưới, xuồng cho một ngày làm ăn mới. Không khí ở đây thật nhộn nhịp với âm thanh của những chiếc thuyền máy và những tiếng hò reo, cười đùa vui vẻ của lũ khách đến tham quan.

Trải nghiệm Sê San

Sau gần 30 phút xuôi cùng con thuyền đã cập bến làng nổi, chúng tôi được nghe chị Hà Thị Diễn, ở làng nổi, xã Ia Tơi tâm sự: Tôi từ An Giang ra đây lập nghiệp làm nghề đánh bắt cá đã hơn 12 năm rồi. Cuộc sống sông nước lang bạt nay đây mai đó hoài à, nhưng từ khi đến lòng hồ Thủy điện Sê San 4, gia đình tôi bị sông nước, cảnh vật nơi này mê hoặc và quyết định bám trụ lại để mưu sinh. Ở đây có rất nhiều loài cá, nhiều giống cá quý hiếm, giá thành cao, như cá lăng, cá anh vũ, cá sọc dưa...Du khách đến đây được đắm mình trong không khí trong lành, cảnh quan đẹp, hấp dẫn lại được chọn ăn các giống cá ngon nhất, quý nhất mà ít nơi có được.

Còn anh Ksor Thức ở Ia O (Ia Grai) xúc động nói: Nguồn lợi thủy sản ở lòng hồ Thủy điện Sê San 4 nhiều lắm, nhiều hộ dân sinh sống dọc theo dòng sông này được hưởng lợi từ các đoàn khách du lịch, đánh bắt hải sản. Dòng sông Sê San còn là điểm đến thú vị cho nhiều du khách, bởi đến đây, họ được hòa mình vào môi trường sông nước mênh mông và thưởng thức nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số  (DTTS) nơi đây. Có cuộc sống ấm no như ngày hôm nay, tôi biết ơn Yang đã tạo dựng nên dòng Sê Sê, dòng Pô Cô hùng vĩ, biết ơn Đảng, nhà nước đã đầu tư làm thủy điện, tạo nên hồ nước này cho bà con.

Bà con người Giơ Rai vùng biên giới Sê San biểu diễn cồng chiêng. 

Loanh quanh một hồi, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được nhà của ông Nay Pháp, Trưởng làng Dăng, xã Ia O (Ia Grai) . Nắm chặt tay, như người thân lâu ngày gặp lại, Trưởng thôn Nay Pháp nói như khoe: Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bà con dân làng tham gia nuôi giấu bộ đội, bao nhiêu đêm người dân địa phương đã dùng thuyền độc mộc chở bộ đội vượt sông, chở vũ khí cung cấp cho chiến trường.

Hồ Thuỷ điện Sê San, không những đem nguồn nước để tưới mát cho hàng ngàn ha cây cao su, cà phê, bời lời…mà còn mang lại nguồn thủy sản phong phú cho bà con ở vùng biên giới hai bên bờ. Từ lúc làm thủy điện rồi có hồ đến nay, bà con dân làng hết nghèo đói, sống khỏe. Giờ nhiều người, nhất là số thanh niên thích xuống nước bắt cá, đã bỏ dần cảnh lên rừng rồi chặt cây, phá rừng rồi. Quả thật, sông Pô Cô và lòng hồ Thủy điện Sê San đã cho bà con mình một cuộc sống sung túc hơn.

Những sản phẩm của bà con dân tộc thiểu số tự làm ra. 

Chị Nguyễn Thị Thái An, cùng gia đình lên tham quan đến từ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Sông Pô Cô, lòng hồ thủy điện Sê San và những ngôi làng nổi sở hữu vẻ đẹp vô cùng mộc mạc, gần gũi và dung dị tựa như chính tính cách của người dân nơi đây vậy. Tôi đã nghe nói nhiều về nơi đây, nhưng đến đây rồi mới thấy vùng sông nước, đất trời, đồi núi nơi đây thơ mộng, hấp dẫn và êm đềm quá. Bốn bên, trong tầm mắt, những đỉnh núi xanh rì trốn mình dưới những áng mây cao vời vợi.

Đặc biệt nhất là hình ảnh những cù lao, làng nổi và những nếp nhà an yên trên sông nước. Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên trời phú, tôi còn biết ở đây địa phương thường tổ chức lễ hội đua thuyền độc mộc và liên hoan văn hóa cồng chiêng của người bản địa. Sự độc đáo ở đây là trên bờ tiếng cồng, tiếng chiêng cùng với những điệu xoang mượt mà, đằm thắm, chân trần của bao chàng trai cô gái người Giơ Rai. Vòng quanh không gian cồng chiêng là cảnh những nghệ nhân tạc tượng dân gian, những gian hàng ẩm thực trưng bày sản phẩm đặc trưng của vùng biên giới. Còn dưới sông, một không khí vô cùng sôi động, độc đáo của hội đua thuyền độc mộc…khung cảnh rất núi rừng và mang đậm nét văn hóa của người Tây Nguyên.

Dù chỉ mới bắt đầu, song với tiềm năng du lịch đẹp, hấp dẫn, cùng với cách làm mới, hiệu quả và những nỗ lực của chính quyền cùng người dân địa phương, điểm du lịch vùng lòng hồ thủy điện, làng nổi vùng biên giới Sê San, cùng với những con thuyền độc mộc lướt sóng, những bản nhạc cồng chiêng rung động lòng người, chắc chắc ngành du lịch Ia Grai (Gia Lai) sẽ ngày càng phát triển, là điểm đến hấp dẫn trong lòng du khách thập phương.

Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI