“Đến với Tam Đảo một ngày, ta có thể chạm ngay vào vẻ dịu dàng của đất trời nơi đây. Còn nếu ở một thời gian dài, sẽ được sống trong một tầng giao cảm đặc biệt”. Họa sĩ Nguyễn Văn Cường, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tâm sự với chúng tôi như vậy trong câu chuyện trà ban sáng.

Anh Cường tham gia trại viết chuyên sâu do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Nhà sáng tác Tam Đảo năm 2024. Là họa sĩ nổi danh với mảng đề tài “thương nhớ đồng quê”, khi đến với thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), anh có cảm giác mình như được sống trong tầng giao cảm với ký ức để có thêm động lực sáng tạo.

Một góc thị trấn - danh thắng Tam Đảo. Ảnh: NGUYÊN ĐỨC

Trong câu chuyện với anh Cường, tôi hỏi: “Nếu được chọn một mảng màu cho nét vẽ về Tam Đảo, anh sẽ chọn màu gì?”. Anh trầm ngâm một lúc rồi nói: “Màu xanh ghi em ạ!”. “Tại sao là xanh ghi mà không phải màu khác vậy anh?”. “Điều này thì em phải tự tìm hiểu thôi, đó không chỉ là màu của không gian mà còn là màu của cảm xúc”.

Câu trả lời của họa sĩ Nguyễn Văn Cường đã dẫn dụ tôi lên đường đi tìm vẻ đẹp đặc trưng của Tam Đảo. Người ta thường nói, một ngày ở Tam Đảo có bốn mùa: Sớm thu, trưa hạ, tối xuân, đêm đông, quả thật có lý do. Mỗi giờ, mỗi phút trên thị trấn mờ sương có sự biến đổi liên tục khiến mọi du khách đều phải ngỡ ngàng. Sớm nay, Tam Đảo trong xanh hơn thường lệ, mang đến những thước phim đẹp của tạo hóa làm lòng du khách thêm hồ hởi. Dọc lối đi, từng chùm hoa mua nở bung hết cỡ nhuộm tím cả không gian. Ở nơi quanh năm ướp hương sắc, sương mai đất trời, cỏ cây dường như tươi non hơn, hoa trái như rộn ràng hơn.

Vẻ sôi động của Tam Đảo tập trung nơi quảng trường đông đúc. Các du khách nhanh chóng lựa chọn cho mình vị trí đẹp nhất để thu được cái bao la, rộng lớn của không gian. Nếu không có kỹ năng chụp ảnh tốt, du khách cũng có thể nhờ đến những người thợ chụp ảnh lành nghề. Chị Trần Thị Cúc, người có 20 năm kinh nghiệm chụp ảnh chỉnh lại dáng cho người bạn tôi rồi tâm sự: “Khách du lịch đến với Tam Đảo, ai cũng muốn có cho mình tấm hình đẹp nhất. Nhu cầu của mọi người chủ yếu là lấy file ảnh để đăng lên mạng xã hội nên người thợ chụp cũng phải nhanh chóng đáp ứng”. Vừa nói, chị Cúc vừa dùng cổng kết nối thẻ nhớ cắm trực tiếp vào điện thoại để bạn tôi thỏa sức lựa chọn bức ảnh đẹp. Chị Cúc kể, cũng có lần gặp khách yêu thích chụp ảnh, bèn thuê chị cả buổi sáng mong sao lấy được trọn vẹn những hình ảnh đẹp nhất của Tam Đảo.

Trên Tam Đảo, du khách có thể hút vào tầm mắt mình sự diệu kỳ của thiên nhiên. Mây trời Tam Đảo giấu trong mình biết bao điều thú vị. Ta có thể thu vào máy ảnh tấm hình có đủ tầng đất, tầng núi và tầng trời. Nghĩa là, ở nơi đây có đủ các điều kiện để ta bao quát được những tầng sống của con người một cách chân thật nhất. Chẳng phải vậy mà đứng bên địa danh "cổng trời" Tam Đảo, dẫu cách xa tới bảy mươi cây số, cô bạn tôi phải thốt lên ngỡ ngàng vì có thể nhìn thấy núi Ba Vì nổi trôi giữa tầng mây cao nhất. Rồi bạn nhất quyết chụp cho được bức ảnh núi Ba Vì đặt trên bàn tay mình như một sự diệu kỳ khó có thể chứng kiến được ở nơi khác...

Một ngày tham quan Tam Đảo thật thú vị. Khi mặt trời khuất dần về phía núi, đêm sương quyến luyến, Tam Đảo phủ lên mình màu của sự yên tĩnh, trầm mặc, dắt ta vào câu chuyện huyền hoặc, thấm đẫm đến từng nhịp điệu, hơi thở. Trong ánh đèn đục mờ hơi sương nhưng cũng đủ dẫn lối chúng tôi đến với căn nhà có tên Hồ Xanh, cái tên chẳng lẫn vào đâu được giữa nhiều biển hiệu có phần “khá Tây” nơi Tam Đảo. Chủ nhân của căn nhà Hồ Xanh là vợ chồng ông Đặng Hữu Đức, 83 tuổi và bà Nguyễn Thị Ca, 82 tuổi. Họ là thế hệ thứ hai của những gia đình từ dưới xuôi lên Tam Đảo sinh sống.  

“Hồ Xanh à? Nó là hồ chứa nước ngọt, cũng là mắt ngọc của Tam Đảo đấy cháu!”, bà Ca vừa rót nước trà vào chén vừa lên tiếng giải thích khi chúng tôi hỏi về tên gọi khu lưu trú khách du lịch của ông bà. Bà còn chỉ vào tấm bản đồ treo trên tường để có một ví von rất hay rằng thị trấn Tam Đảo như một chú chim sâu đang đậu bên sườn núi. Đôi mắt của chú chim ấy chính là Hồ Xanh, đang ngước nhìn về phía Vườn Quốc gia Tam Đảo. Tôi dõi theo đôi tay của bà Ca để tưởng tượng về chú chim ấy. Nó thật giống với những chú chim sâu chiều nay tôi bắt gặp đang chuyền cành bên những hàng đào xanh lá, tô điểm màu rêu phong trên thân cây ẩm ướt. 

Du khách lưu giữ khoảnh khắc đẹp khi đến Tam Đảo. Ảnh: NGUYÊN ĐỨC

Khách đến lưu trú nhà ông Đức, bà Ca hầu như là người quen hoặc được ghé tai giới thiệu. Với ông bà, có người đến nói chuyện có lẽ cũng là niềm vui giản đơn của tuổi già. Một vị khách áng chừng cũng mới đến đây ban sáng giục bà Ca: “Bà kể tiếp câu chuyện về khu nhà ở Bác Hồ đi”. Bà Ca cười hiền: “Thì tôi kể cho chú hết rồi đấy! Tôi với ông Đức vẫn thường qua đó để dọn dẹp, trông nom nơi Bác từng ở”. Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, lặng nghe câu chuyện bà Ca kể về dấu tích ngôi nhà gỗ ở khu Giao tế, nơi Bác Hồ đã nghỉ chân trên Tam Đảo, nay vẫn còn cây ổi và ghế đá nằm khiêm nhường bên mảnh đất thuộc ngõ 7, đường Nguyễn Tất Thành (khu 2, thị trấn Tam Đảo).

Có lẽ khoảng thời gian làm nhân viên phục vụ trong các khách sạn của Công ty Du lịch Việt Nam thuộc Bộ Ngoại thương trước đây (nay là Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã giúp bà tích lũy được nhiều điều trân quý về mảnh đất nơi đây. Chúng tôi chợt nghĩ, chẳng biết Tam Đảo còn giấu trong mình biết bao điều thâm trầm nữa để du khách thêm bất ngờ, chờ đợi được vén lớp sương mờ bao phủ, bước vào những câu chuyện như cổ tích giữa đời thường.

Đêm Tam Đảo chìm trong hơi sương, những giọt nước đua nhau gõ nhịp trên mái hiên ru lòng người vào giấc mơ xao xuyến. Tôi cố gắng sắp xếp những câu chuyện, hình ảnh, màu sắc sau một ngày khám phá Tam Đảo. Phải rồi, bảng màu của họa sĩ Nguyễn Văn Cường đã chọn chẳng phải là màu ghi trầm buồn, yên tĩnh pha với màu xanh denim tươi trẻ, thú vị, năng động đó sao. Để rồi màu xanh ghi ấy đã phác họa lại một Tam Đảo vô cùng độc đáo, một nét riêng quyến rũ vừa nhẹ nhàng, yên ả, vừa có sự vui tươi, sôi động của một thị trấn dịu dàng trên mây.

Ghi chép của ĐỨC HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.