Theo lịch sử, vua Lý Nam Đế tên thật là Lý Bí, là người có tài văn võ. Từ nhỏ đã tỏ ra là một cậu bé thông minh, tư chất khác người. Ông được một vị Pháp tổ thiền sư nhận nuôi và cho học. Nhờ có văn võ song toàn, Lý Bí sớm được tôn lên làm thủ lĩnh một vùng. Có thời ông từng làm quan cho nhà Lương, nhưng rất bất bình với bọn quan lại đô hộ tàn ác bóc lột và đàn áp dân chúng, ông đã bỏ quan về chiêu binh, liên kết với nhiều hào kiệt, tù trưởng giỏi khác khởi nghĩa chống lại quan quân đô hộ nhà Lương tại Giao Châu.

Nhân dân địa phương tham quan Khu di tích đền thờ vua Lý Nam Đế. 

Cuối năm 541, Lý Bí chính thức khởi binh chống nhà Lương. Được nhiều người hưởng ứng, lực lượng của Lý Bí lớn mạnh. Tháng Giêng năm 544, Lý Bí tự xưng là Lý Nam Đế, lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiên Đức, lập trăm quan, đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở Ô Diên (nay là xã Hạ Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội), dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội. Di tích thờ Lý Nam Đế hiện nằm rải rác trên địa bàn các tỉnh: Thái Bình, Thái Nguyên, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… nhưng chỉ duy nhất ở Phú Thọ có đền thờ tại nơi Ngài mất và lăng mộ của nhà vua.

Mới đây, trong buổi lễ trao bằng công nhận Khu di tích đền thờ vua Lý Nam Đế là khu di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh, đồng chí Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ khẳng định, Khu di tích đền thờ vua lý Nam Đế có ý nghĩa văn hóa, lịch sử quan trọng, tái hiện lại một phần quá khứ hào hùng của cha ông ta. Đây xứng đáng là một điểm du lịch tâm linh cho du khách thập phương khi về với mảnh đất Tam Nông, Phú Thọ. 

Một góc Khu di tích đền thờ vua Lý Nam Đế tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. 

Dù nằm khá gần với Khu di tích lịch sử Đền Hùng, nhưng hiện nay, đền thờ vua Lý Nam Đế chưa được nhiều du khách biết tới mà chỉ có nhân dân địa phương qua lại thăm viếng. Vì thế, trong tương lai, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa đến công tác lập quy hoạch tổng thể khu di tích, tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư tu bổ, tôn tạo khu di tích trở thành quần thể kiến trúc, văn hóa tâm linh xứng tầm với giá trị lịch sử, văn hóa vốn có. Thêm vào đó, cần đầu tư quảng bá hình ảnh, tạo thành điểm, tuyến du lịch hấp dẫn, thu hút khách du lịch, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu tổng thể các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, sưu tầm các nguồn tư liệu liên quan đến nhân vật lịch sử vua Lý Nam Đế, phục dựng lễ hội truyền thống tại di tích, tiến tới xây dựng hồ sơ khoa học trình các cấp có thẩm quyền xem xét, xếp hạng Khu di tích đền thờ vua Lý Nam Đế trở thành di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, nằm trong hệ thống các di tích tiêu biểu của Việt Nam.

HỒNG UYÊN