Trong số hàng trăm di tích lịch sử tại TP Hồ Chí Minh, Địa đạo Củ Chi nổi bật với những nét độc đáo, như một biểu tượng bất diệt của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần sáng tạo và khát vọng hòa bình, trở thành điểm đến thú vị cho du khách muốn tìm hiểu về những trang sử oanh liệt, hào hùng của dân tộc Việt Nam.

leftcenterrightdel
Đoàn khách quốc tế tham quan Địa đạo Củ Chi. 

Ông Huỳnh Văn Chịa (Năm Chịa), một nhân chứng trực tiếp tham gia đào địa đạo trong những năm chiến tranh, cho biết: Địa đạo Củ Chi là một công trình vĩ đại, một kỳ tích anh hùng với khoảng 250km đường hầm tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất, liên hoàn với các công trình: Chiến hào, ụ, ổ chiến đấu, hầm ăn, ngủ, kho cất giấu lương thực, giếng nước, bếp Hoàng Cầm… và các khu vực hầm chông, bãi mìn… tạo thành những “làng ngầm”, “mật khu nguy hiểm” khiến quân thù khiếp sợ.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi tiếp nhận hiện vật máy bay C130 phục vụ trưng bày. 

Những sự tích có thật từ địa đạo đã vượt quá sức tưởng tượng của con người. Chỉ cần chui xuống một đoạn đường hầm, bạn sẽ hiểu vì sao nước Việt Nam nhỏ bé lại chiến thắng kẻ thù là một nước lớn và giàu có bậc nhất thế giới. Vì sao Củ Chi, mảnh đất nghèo khó lại đương đầu ròng rã suốt 21 năm với một đạo quân thiện chiến, đông hơn gấp bội, được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, tối tân. Trong cuộc đọ sức này, quân và dân Củ Chi đã chiến thắng oanh liệt…

leftcenterrightdel
 Du khách tham quan Đền Bến Dược.

Hiện tại, Địa đạo Củ Chi là một trong 6 công trình nhân tạo nổi tiếng trên thế giới; tốp 7 điểm đến kỳ lạ nhất tại khu vực Đông Nam Á; tốp 100 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới và có tên trong danh sách 20 đường hầm kỳ thú nhất thế giới, thu hút đông đảo khách du lịch trải nghiệm, tham quan.

leftcenterrightdel
Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi tham gia Quảng bá du lịch Việt tại Singapore năm 2023. 

Để quản lý và phát huy cao độ giá trị của Địa đạo, những năm qua, Đảng ủy, Ban giám đốc Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi luôn xác định công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ Việt Nam và khách du lịch quốc tế là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Do vậy, Đảng ủy, Ban giám đốc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quản lý, giữ gìn các hiện vật trưng bày, tích cực xây dụng, sửa chữa các công trình lịch sử phục vụ khách tham quan.

Theo Đại tá Lê Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi: Để lan tỏa ý nghĩa tuyên truyền, đơn vị đã phối hợp tổ chức các buổi hội thảo khoa học về việc biên soạn tập sách ký sự lịch sử “Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi 1948-2018”; phối hợp với Bảo tàng lịch sử Quốc gia khảo sát, thống kê các hiện vật tại đơn vị để xây dựng phương án bố trí, sắp xếp, trưng bày khoa học, hợp lý, mang tính thẩm mỹ; gặp gỡ, phỏng vấn 31 nhân chứng lịch sử là những người dân Củ Chi và những người trực tiếp sống, chiến đấu, đào địa đạo trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; khảo sát thu thập 36 đầu sách, bản đồ, hồ sơ, đĩa DVD về địa đạo… cùng nhiều tài liệu khác nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay.

leftcenterrightdel
Chi bộ Ban Quản trang TP Hồ Chí Minh tổ chức kết nạp Đảng tại Đền Bến Dược. 

Cùng với đó, việc quảng bá, thu hút du khách cũng được Đảng ủy, Ban giám đốc Khu di tích quan tâm thông qua chất lượng đầu tư thêm nhiều dịch vụ, tổ chức các loại hình phục vụ nhu cầu giải trí của du khách, như: Ông Đồ viết thư pháp, biểu diễn tạo hình bong bóng nghệ thuật, các trò chơi dân gian, vẽ chân dung… tạo được mô hình mới lạ, hấp dẫn. Gần đây, đơn vị còn trồng thêm rau, củ, quả trong Vùng giải phóng, bố trí nhân sự biểu diễn xay thóc, giã gạo, cấy lúa, bắt cá… tái hiện chân thực cảnh sinh hoạt của người dân Củ Chi trong chiến tranh.

 
leftcenterrightdel
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh tham gia chương trình “Liêng thiêng Việt Nam” tổ chức tại Đền Bến Dược 2022. 

Đại tá Lê Văn Phước, Giám đốc Khu di tích, cho biết: “Muốn phát triển phải tự làm mới mình. Quán triệt tinh thần đó, chúng tôi đã đầu tư nhiều mô hình, loại hình mới lạ, ứng dụng phần mềm, công nghệ thông tin để phục vụ tốt nhất nhu cầu của du khách. Đối với lực lượng phục vụ, hướng dẫn viên, chúng tôi thường xuyên chỉ đạo cập nhật kiến thức lịch sử, phối hợp với các trường văn hóa, kinh tế, du lịch tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và bổ sung kiến thức văn hóa, xã hội sâu rộng cho đội ngũ này.

Đơn vị đẩy mạnh liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành, bảo tàng, khu di tích… để nâng cao chất lượng, hiệu quả và làm mới chính mình, tạo sự hấp dẫn, cuốn hút du khách đến với Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi không chỉ một lần bởi những ấn tượng mới lạ, sâu lắng, khó quên... Tất cả những việc làm đó đều nhằm tuyên truyền, quảng bá, lan tỏa sâu rộng truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam đến với du khách và bạn bè quốc tế”.

leftcenterrightdel
Một phân đoạn trong chương trình tham quan “Trăng Chiến khu” sẽ ra mắt du khách vào dịp Tết Dương lịch 2024. 

Đặc biệt, đúng dịp đón Năm mới 2024, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi sẽ đưa vào phục vụ du khách chương trình “Trăng chiến khu”. Đây là sản phẩm du lịch đêm mới lạ, độc đáo, hấp dẫn mang đậm bản sắc Củ Chi “đất thép”, được đông đảo nhân dân và du khách kỳ vọng. Chương trình tham quan “Trăng chiến khu” lấy ánh trăng làm chủ đạo, tái hiện lại cuộc sống, sinh hoạt về đêm của người dân Củ Chi sống trong vùng giải phóng. “Trăng chiến khu” được đưa vào hoạt động sẽ góp phần tạo thêm sản phẩm du lịch mới phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ, điều kiện thực tế của đơn vị.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia du lịch, sự sáng tạo, đổi mới của Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi thông qua cách tự làm mới mình và đầu tư nhiều chương trình bổ ích, hấp dẫn sẽ là điểm nhấn thu hút du khách trải nghiệm, tham quan, góp phần khẳng định thương hiệu, nâng tầm du lịch Củ Chi, thiết thực quảng bá hình ảnh TP Hồ Chí Minh là điểm đến hấp dẫn, an toàn, sống động đối với khách du lịch thập phương.

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH - XUÂN CƯỜNG 

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.