Tại đây, học sinh được nghe giới thiệu về lịch sử hình thành địa đạo; hoạt động của quân và dân Củ Chi trong “làng ngầm” những năm chiến tranh; các mật khu, căn cứ chiến đấu tại Củ Chi; nghệ thuật đánh địch độc đáo trong địa đạo... Chăm chú quan sát, lắng nghe, nhiều học sinh còn ghi lại những chi tiết quan trọng liên quan đến lịch sử đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc.
 |
Một buổi kết nạp đảng viên được tổ chức tại đền Bến Dược. |
Em Ngô Thúy Hà, học sinh lớp 9/1, Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3, TP Hồ Chí Minh), tâm sự: “Đến Địa đạo Củ Chi, chúng em không chỉ được nghe giới thiệu về địa đạo, xem phim tư liệu về phương pháp đào hầm ngầm, công sự, giao thông hào... mà còn được trải nghiệm thực tế và hòa mình vào cuộc sống, chiến đấu ở “làng ngầm” để cảm nhận sâu sắc tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm, trí tuệ của quân và dân Củ Chi trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù. Đây là những kiến thức bổ ích giúp chúng em thêm hiểu và tự hào về truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam; từ đó củng cố niềm tin, bồi đắp lòng yêu nước và trách nhiệm của tuổi trẻ đối với công lao to lớn của thế hệ cha ông”.
Nổi bật giữa Địa đạo Củ Chi là đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược-nơi lưu danh hơn 45.000 liệt sĩ khắp cả nước đã chiến đấu, hy sinh tại Sài Gòn-Gia Định và những người con của Sài Gòn-Gia Định hy sinh trên khắp cả nước. Đền tưởng niệm là quần thể hài hòa, tầm vóc, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam với nhiều công trình kiến trúc độc đáo. Đây là nơi các cơ quan, đoàn thể thường tổ chức học tập, báo công, về nguồn, lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên và sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng.
Để thu hút du khách, nhất là giới trẻ, Đảng ủy, Ban giám đốc khu di tích tích cực xây dựng, bảo tồn, phục chế và giữ gìn các công trình; phối hợp với các cơ quan, đơn vị tiếp nhận, bổ sung hiện vật lịch sử làm phong phú thêm khu trưng bày của đơn vị; chỉ đạo phòng chuyên môn thường xuyên đăng tải hình ảnh, hoạt động của khu di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội; phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức hội nghị, lễ hội và các đợt giao, nhận quân hằng năm... nhằm khơi dậy truyền thống, tinh thần kiên cường, bất khuất, mưu trí, dũng cảm trong đấu tranh chống quân xâm lược, bảo vệ căn cứ địa cách mạng và khơi dậy khát vọng xây dựng quê hương, đất nước. Đại tá Lê Văn Phước, Giám đốc Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi cho biết: "Xác định rõ tầm quan trọng của “địa chỉ đỏ”, chúng tôi tổ chức tốt công tác đón tiếp, phục vụ các đoàn đến tham quan, học tập, hội thảo khoa học, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài. Ban giám đốc khu di tích thống nhất chủ trương mời các cựu chiến binh đã từng chiến đấu tại địa đạo kể chuyện, trả lời các câu hỏi về quá trình xây dựng, chiến đấu và bám trụ trong điều kiện vô cùng khó khăn, ác liệt của chiến trường, nhằm lan tỏa sâu rộng truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam anh hùng”.
Bài và ảnh: CHÂU GIANG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.