Nhằm góp phần khắc phục hạn chế này, Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam vừa phối hợp với Hiệp hội Thụy Sỹ vì sự hợp tác quốc tế tại Việt Nam (Helvetas Việt Nam) tổ chức các khóa tập huấn về marketing du lịch sinh thái cho một số cộng đồng DTTS ở các địa phương nói trên. Thông qua khóa tập huấn, học viên là người DTTS được trang bị các kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể tự quảng bá cho các dịch vụ du lịch sinh thái của địa phương mình. Đây là hoạt động thuộc Tiểu hợp phần 6 của Dự án “Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học” (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Helvetas Việt Nam phối hợp với một số đối tác thực hiện nhằm cải thiện sinh kế cho các cộng đồng dân cư sống tại vùng đệm các khu bảo tồn quốc gia, khu bảo tồn và khu dự trữ thiên nhiên.

Chuyên gia hướng dẫn kỹ năng làm du lịch cộng đồng cho bà con dân tộc thiểu số tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: QUỲNH PHẠM 

Tại lớp tập huấn, các chuyên gia không chỉ cung cấp cho học viên những kiến thức chung về marketing du lịch mà còn hướng dẫn thực hành tại chỗ các kỹ năng, như: Quay phim, chụp ảnh, chỉnh sửa và dựng phim bằng phần mềm trên điện thoại di động, viết nội dung và đăng tải lên các nền tảng như Facebook, Zalo... Chị Viết Thị Cang ở xã A Roàng, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) chia sẻ: “Quê hương của tôi rất đẹp, tuy nhiên, chúng tôi lại chưa biết cách quảng bá để thu hút khách du lịch nên du lịch sinh thái tại địa phương chưa được nhiều người biết đến. Qua lớp tập huấn này, tôi cũng như nhiều người khác được các thầy dạy cách quay phim, chụp ảnh và có thể áp dụng ngay để quảng bá du lịch địa phương”. Chị Hồ Thị Son trú tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) bày tỏ: “Chúng tôi là những người nông dân làm du lịch nên kỹ năng còn nhiều hạn chế. Thông qua lớp học, tôi tích lũy được kinh nghiệm, kỹ năng và mong muốn sẽ góp phần tích cực để phát triển du lịch sinh thái nói riêng, du lịch cộng đồng nói chung ở địa phương”.

Bên cạnh đó, học viên còn được tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực tế tại Làng du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr (thôn Đút 1, xã Hồng Kim, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) và tham gia các hoạt động tập thể để giao lưu, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm. Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cho biết: “Những năm qua, sự phát triển của du lịch cộng đồng có chiều hướng “tăng trưởng nóng”. Nhiều địa phương nhanh chóng nắm bắt cơ hội và từ thế mạnh sẵn có về bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên, cảnh quan, môi trường để tập trung phát triển mô hình du lịch cộng đồng với nhiều nội dung đa dạng, hấp dẫn. Tuy nhiên, trên thực tế cũng xuất hiện tình trạng người dân làm du lịch với tâm lý “mạnh ai nấy làm”, hoặc theo kiểu phong trào, kinh doanh “chộp giật” với tầm nhìn ngắn hạn khiến việc phát triển du lịch cộng đồng xuất hiện nhiều bất cập, hạn chế. Chính vì vậy, chúng tôi đã tổ chức những lớp tập huấn như thế này để chính quyền địa phương cũng như người dân có thể định hướng đúng, có kế hoạch phát triển bài bản, khoa học và thiết thực, tạo cơ sở xây dựng chính sách phù hợp, nâng cấp cơ sở hạ tầng... phát triển du lịch một cách bền vững”.

Du lịch cộng đồng với nhiều tiềm năng và thế mạnh được các chuyên gia du lịch đánh giá cao, hứa hẹn mang lại nguồn thu lớn cho ngành du lịch và người dân. Song nhìn chung, đến nay, loại hình du lịch này vẫn đang tồn tại ở dạng tiềm năng, thiếu sự khai thác một cách bài bản, bền vững. Helvetas Việt Nam cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động kết nối doanh nghiệp và các khóa tập huấn cho cộng đồng tham gia làm du lịch tại các địa phương, như: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam... về kỹ năng hướng dẫn du lịch tại chỗ, các dịch vụ và kỹ năng phục vụ homestay, kỹ năng tổ chức lửa trại, kỹ năng phục vụ và bảo đảm an toàn trong các tour du lịch sinh tồn chinh phục suối, thác, hang động... nhằm góp phần thúc đẩy phát triển chuỗi du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và cải thiện sinh kế cho các cộng đồng DTTS vốn sống dựa vào rừng.

HUYỀN TRANG