Tại điểm đến, thông qua trò chơi, du khách có cơ hội tìm hiểu di sản theo cách gợi mở, để nhớ và yêu di sản hơn.

Trên thế giới, thu hút du lịch bằng trò chơi không còn là cách làm mới của nhiều quốc gia. Ở Hàn Quốc, trò chơi điện tử Liên minh huyền thoại còn được Tổng cục Du lịch nước này đưa hẳn vào chương trình quảng bá du lịch xứ kim chi cho toàn thế giới.

Ở Việt Nam, tuy chưa đủ sức thu hút du khách bằng một tựa game đình đám đến vậy nhưng “đóng gói” tất cả trải nghiệm, phong cảnh, con người và văn hóa vào một trò chơi và thu hút du khách bằng cách biến điểm đến thành bối cảnh của các trò chơi tìm hiểu đang trở thành xu hướng được nhiều điểm đến cùng các công ty du lịch, lữ hành lựa chọn. Tại Hà Nội, nhiều điểm đến đã khai thác thành công cách thức này như những chương trình tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, cuộc đua kỳ thú tại các không gian di sản như phố cổ Hà Nội, làng cổ Đường Lâm...

leftcenterrightdel
Trải nghiệm tour du lịch “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”. 

Hoàng thành Thăng Long không phải là điểm đến mới với nhiều du khách, nhưng tìm hiểu di sản văn hóa thế giới này như tham gia một trò chơi đố tìm lại là một trải nghiệm thú vị. Bắt đầu tour du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, mỗi du khách được phát một thẻ giải mã gồm 8 ô. Thẻ giải mã này dùng để thử thách mức độ hiểu biết của du khách về các thời: Đại La, Lý, Trần, Lê của khu di sản ở cuối hành trình.

Nếu trong suốt hành trình, du khách nhớ được những hiện vật tiêu biểu của các thời kỳ, đóng đúng dấu vào các ô trên thẻ giải mã sẽ nhận được phần thưởng. Anh Nguyễn Tuấn Nam (phố Nguyễn Ngọc Nại, quận Thanh Xuân) chia sẻ: "Sau trải nghiệm này, tôi hiểu thêm về giếng nhà Trần, đầu chim phượng nhà Lý. Hay cùng là gạch được khai quật tại Hoàng thành Thăng Long nhưng ở mỗi thời kỳ lại có những dấu hiệu nhận biết riêng".

Cho rằng đưa du khách tiếp cận điểm đến thông qua trò chơi đang làm thay đổi cách tiếp cận du lịch, đặc biệt với những điểm đến văn hóa-lịch sử, ông Nguyễn Bá Tùng, sáng lập kiêm Giám đốc sáng tạo Công ty TNHH An Phú Thăng Long cho biết: "Từ thực tế lâu nay, nhiều học sinh tham gia các tour du lịch khám phá lịch sử-văn hóa do nhà trường tổ chức thường nói rằng chương trình không hay. Đó là bởi vì các cô cứ dẫn đi từ chỗ nọ sang chỗ kia, dừng lại ở một chỗ chụp ảnh rồi lại đi. Cuối cùng học sinh không hiểu gì.

Chúng tôi cho rằng, biến các tour du lịch theo trải nghiệm trò chơi dễ tiếp cận hơn với du khách. Giá trị của một tour du lịch không phải là lịch trình tour dài bao nhiêu ngày đêm mà là những trải nghiệm có được cùng sự thích thú sau mỗi chuyến đi. Giới trẻ hiện đang có xu hướng đi du lịch tương tác, không chỉ bằng đôi chân và con mắt mà còn muốn hòa mình vào không gian, lịch sử-văn hóa của điểm đến bằng toàn bộ các giác quan. Khi hiểu về di sản, điểm đến, tình yêu với lịch sử, cảnh quan, con người cũng sẽ nhiều hơn".

Bài và ảnh: THÚY KHANG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.