Chú trọng cập nhật kiến thức, kỹ năng ngành du lịch

Mở đầu lớp tập huấn dự án “Học tập trọn đời" năm 2024 do Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội và Tổ chức Kenan Foundation Asia tại Việt Nam tổ chức với sự hỗ trợ từ Công ty Diageo Việt Nam, thầy giáo Nguyễn Thành Luân, chuyên gia của dự án nêu yêu cầu sinh viên phân biệt bartender và mixology. Hầu như những người làm du lịch đều biết rằng đây là những thuật ngữ khá phổ biến trong lĩnh vực pha chế, nhưng nhiều sinh viên lại tỏ ra khá lúng túng. “Nếu bartender quen thuộc hơn thì khái niệm mixology và cách phân biệt hai công việc này lại khá mơ hồ.

leftcenterrightdel
 Hướng dẫn viên giới thiệu với du khách về Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ảnh: HỒNG HẠNH

Thực ra bartender và mixology đều là những người pha chế đồ uống, nhưng bartender quản lý tất cả công việc liên quan tới quầy bar từ chi phí, nhân sự, chăm sóc khách hàng đến nguồn hàng nhập, xuất...; còn mixology chỉ làm công việc pha chế đơn thuần”, thầy giáo Nguyễn Thành Luân phân tích. Bài học này và những kiến thức được đào sâu, mở rộng khác của buổi học nằm trong thông điệp thầy giáo muốn truyền tải tới sinh viên rằng: Dù người học mong muốn sau này trở thành quản lý thì thực tế người làm phải trải qua hầu khắp các vị trí với đủ trải nghiệm mới mong có sự thăng tiến. Chẳng hạn, muốn là quản lý khách sạn, các em cần biết công việc của một nhân viên tiếp tân, phục vụ bếp, quầy bar và cả làm buồng phòng, thậm chí dọn vệ sinh bồn cầu...

leftcenterrightdel

Hướng dẫn viên giúp du khách check-in tại Khu du lịch Tuần Châu (Hạ Long, Quảng Ninh). Ảnh: NGUYỄN QUANG PHÚC 

Kết thúc buổi học, nhiều sinh viên hào hứng với những kỹ năng mới được học. Sinh viên Nguyễn Quang Triều, Khoa Quản trị chế biến món ăn, chia sẻ: "Tham gia buổi học, em có thêm nhiều kiến thức và trải nghiệm thực tế về ngành bartender. Khác với các lớp học thông thường, lớp học này có thêm một bartender đứng lớp để pha chế trực tiếp, giúp chúng em được tận mắt xem nhiều phương thức pha chế khác nhau". Bạn Phạm Yến Nhi, Khoa Tiếng Anh quản trị khách sạn nhà hàng, mong muốn được tham gia nhiều hơn những khóa học kỹ năng như tại dự án để phục vụ công việc sau này.

leftcenterrightdel
Hướng dẫn viên giới thiệu với du khách quốc tế về dụng cụ truyền thống của người Việt Nam tại Ngôi nhà di sản (87 Mã Mây, Hà Nội). Ảnh: THANH TÙNG

Bà Đinh Kim Phượng, quyền Giám đốc Tổ chức Kenan Foundation Asia tại Việt Nam cho biết: “Hiện tại, nguồn nhân lực du lịch, khách sạn ở nước ta đang ở mức cung ít hơn cầu, bởi sau đại dịch Covid-19, nhu cầu, xu hướng du lịch đã thay đổi, nguồn nhân lực ngành du lịch cũng có sự dịch chuyển theo. Trước khi triển khai dự án, chúng tôi đã có khảo sát nhỏ để tìm hiểu nhu cầu đào tạo của sinh viên cũng như doanh nghiệp tuyển dụng. Chúng tôi thấy rằng, doanh nghiệp cần sinh viên có kinh nghiệm nhiều hơn vấn đề bằng cấp; còn sinh viên thì có nhu cầu nâng cao kỹ năng chuyên ngành và kỹ năng mềm. Vì thế, trong dự án này, chúng tôi tập trung vào dạy tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp, sự sáng tạo, khả năng thích ứng với môi trường làm việc năng động, kỹ năng số để hỗ trợ các sinh viên xây dựng thương hiệu cá nhân của mình cũng như sử dụng các nền tảng xã hội một cách hữu ích nhất”.

Dưới góc độ chuyên môn, ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, chia sẻ: “Du lịch là lĩnh vực không ngừng thay đổi và mức độ cạnh tranh ngày càng cao. Việc cập nhật kiến thức và kỹ năng mới là điều cần thiết để người lao động đáp ứng yêu cầu của thị trường”.

Vừa yếu vừa thiếu

Thực tế cho thấy, những khóa đào tạo, tập huấn như cách làm của dự án “Học tập trọn đời" năm 2024 thời gian gần đây đang dần nhiều lên để đáp ứng nhu cầu của cả nhà tuyển dụng và người lao động. Thế nhưng thực tế thì vẫn như muối bỏ biển.

Nhân lực du lịch Việt Nam vừa thiếu vừa yếu là thực trạng đã được nhắc đến nhiều. Trong Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ ngày 18-5-2023 "Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững", xác định việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là một nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, tỷ lệ lao động chuyên nghiệp của chúng ta hiện nay chỉ chiếm 43% tổng số lao động du lịch. Nhiều lao động du lịch là lao động chuyển từ ngành khác sang hoặc chưa qua đào tạo. Trong khi trung bình mỗi năm chúng ta cần thêm 60.000 lao động thì các trường chỉ đào tạo được khoảng 20.000 sinh viên hằng năm.

leftcenterrightdel
 Hướng dẫn viên Công ty Flamingo Redtours đưa khách đến thăm cầu Hiền Lương (Quảng Trị). Ảnh: BÍCH HUỆ 

Số lượng đã thiếu, chất lượng người lao động lại càng đáng bàn hơn khi du lịch là ngành dịch vụ đòi hỏi người lao động cả về kiến thức, kỹ năng và thái độ. Vì thế, trong các trường đào tạo du lịch luôn yêu cầu chương trình đào tạo mở và linh hoạt, đặc biệt bảo đảm thực hành đạt tới khoảng 70% thời gian đào tạo. Khi không được đào tạo bài bản, người lao động sẽ nhận thức chưa hết tầm quan trọng của những yêu cầu này. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, chất lượng, năng suất lao động trong ngành du lịch và khách sạn tại Việt Nam còn thấp. Cụ thể, năng suất lao động tại khách sạn ở Việt Nam chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/10 so với Nhật Bản và 1/5 so với Malaysia. Lao động ngành du lịch có nguy cơ bị cạnh tranh việc làm ngay tại Việt Nam. Hiện nay, lao động Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore đến Việt Nam để làm việc khá nhiều, hầu hết khách sạn 4-5 sao đều có lao động nước ngoài. GS, TS Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo du lịch Việt Nam, cho biết: "Vấn đề phát triển nhân lực, đặc biệt nhân lực có chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu của tình hình mới. Đây cũng là vấn đề đặt ra trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch Việt Nam một cách bền vững". 

leftcenterrightdel
Trao chứng chỉ tốt nghiệp cho học viên Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội đã hoàn thành khóa học kỹ năng "Học tập trọn đời" năm 2024. Ảnh: TÚ UYÊN

"Nghịch lý là khi đào tạo thì đòi hỏi phải có thực hành, nhưng khi đi kiến tập và thực tập tại các cơ sở thì sinh viên khó có thể tiếp cận được với công việc thực tế bởi nhiều quy định ràng buộc, nên dẫn tới tình trạng suốt thời gian thực tập, sinh viên vẫn không có khả năng tiếp cận với thực tế nghề nghiệp và tích lũy được kinh nghiệm cho bản thân", GS, TS Đào Mạnh Hùng bày tỏ. Theo PGS, TS Dương Đức Thắng, Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Công nghệ Đông Á), công tác đào tạo theo phương thức truyền thống hiện không còn phù hợp với tiêu chuẩn, đòi hỏi ngày càng cao của ngành du lịch. Nhân lực du lịch hiện nay không chỉ thông thạo ngoại ngữ mà còn phải sử dụng tốt công nghệ, các kỹ năng xây dựng sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Trong khi đó, nhiều sinh viên được đào tạo tại các khoa du lịch khi ra trường thậm chí không cạnh tranh được với những sinh viên học ngoại ngữ do yếu kỹ năng giao tiếp với người nước ngoài. Đây là thực tế đáng buồn.

Khó khăn vậy nhưng hiện tượng phổ biến hiện nay của chúng ta là khi phân bổ nguồn lực cho chiến lược, chính sách phát triển thường ưu tiên cho xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và chi thường xuyên, còn nguồn lực cho phát triển con người thường xếp vào hàng thứ yếu. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch của Việt Nam cũng không nằm ngoài tình trạng như vậy. Do đó, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nhân lực trong việc phát triển du lịch ở các cấp, các ngành là việc làm rất cần thiết hiện nay.

TÚ UYÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.