“Băng” đang dần tan nhưng khi khách quay trở lại cũng là lúc yêu cầu phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 cũng như chất lượng dịch vụ đều phải được bảo đảm.

Tín hiệu lạc quan

Có mặt tại đền Bia (Cẩm Giàng, Hải Dương), nơi thờ danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh, ngày mồng 4 Tết Nhâm Dần, chúng tôi nhận thấy du khách khá đông và đều thực hiện tốt việc đeo khẩu trang, sát khuẩn... Cảm nhận rõ nhất sự thay đổi đó là các chị bán hàng quanh đền.

Họ hồ hởi cho biết, Tết mở cửa hàng cũng không nghĩ là khách đến đông như vậy. Ông Hà Quang Thành, Trưởng ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng thông tin: “Huyện Cẩm Giàng có 256 di tích, trong đó 4 di tích quốc gia đặc biệt. Dù đã chuẩn bị các phương án phòng, chống và tuyên truyền PCD nhưng chúng tôi khá bất ngờ khi trong dịp Tết, Cẩm Giàng đón 22.000 lượt khách, tương đương 60% lượng khách trước khi có dịch Covid-19. Hầu hết du khách đều tuân thủ các biện pháp phòng dịch”.

Du khách tuân thủ phòng dịch khi đến đền Đô (Bắc Ninh).

Không chỉ Hải Dương, nhiều điểm đến trong cả nước đều ghi nhận lượng khách tăng cao dịp này. Lâu lắm rồi, những người làm du lịch mới được cảm nhận không khí tưng bừng, đông đúc ở nhiều điểm đến. Một số khu nghỉ 4-5 sao ở Sa Pa (Lào Cai), Hòa Bình, Phú Quốc (Kiên Giang)... giá dịch vụ tăng cao nhưng vẫn đạt tỷ lệ lấp phòng 80-100%.

Thậm chí, một số địa điểm của Sa Pa, Đà Lạt, Ninh Bình, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu... còn xảy ra tình trạng ùn tắc. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, chỉ trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán, đã có khoảng 6 triệu lượt khách du lịch, nhiều hơn lượng khách của cả tháng 1 (5,2 triệu lượt) và gần bằng lượng khách cùng kỳ năm 2019 (thời điểm chưa xảy ra dịch, với hơn 7 triệu lượt). Dường như người dân đang dần vượt qua nỗi ám ảnh về dịch Covid-19. 

Bên cạnh lượng khách nội địa tăng cao, tính đến ngày 7-2, Việt Nam cũng đã đón 8.967 khách trong Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Dữ liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam tăng mạnh từ đầu năm 2022.

Lượng tìm kiếm đã tăng dần từ tháng 12-2021 và tăng mạnh từ cuối tháng 12-2021, đầu tháng 1-2022. Lượt tìm kiếm vào thời điểm ngày 1-1-2022 tăng 222% so với tháng trước và tăng 248% so với cùng kỳ năm 2021.

Đây là những tín hiệu khả quan về một sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch Việt Nam năm 2022. Điều đó cũng cho thấy nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của người dân là rất lớn; đồng thời khẳng định chính sách vừa mở cửa phát triển kinh tế, vừa chống dịch của Đảng và Nhà nước ta bước đầu mang lại kết quả tích cực.

Chú trọng chất lượng dịch vụ phục vụ du khách

Số lượng khách đến tăng là tín hiệu vui đối với ngành du lịch. Tuy nhiên, để “giữ chân” du khách, chúng ta cần sớm quan tâm tới chất lượng dịch vụ bên cạnh bảo đảm công tác PCD. Trước Tết Nguyên đán, tranh thủ giá vé máy bay và phòng nghỉ rẻ, chị Nguyễn Lan Hương (Hà Nội) đưa cả gia đình đi Nha Trang (Khánh Hòa).

Thế nhưng, nhiều dịch vụ đã dừng hoạt động hoặc bị hạn chế vì dịch nên chị phải mất khá nhiều thời gian để tìm kiếm dịch vụ thay thế. Trong khi đó, sau Tết, chị Đinh Thị Hồng Trang (Hà Nội) cùng bạn bè đi du xuân tại Bắc Ninh. Việc thực hiện phòng dịch tương đối tốt nhưng khi tìm kiếm địa điểm ăn trưa thì mới biết tất cả cửa hàng trên địa bàn của tỉnh chỉ bán mang về...

Tiếp đón du khách quốc tế đến Khánh Hòa. Ảnh: BẢO AN

Việc không thuận lợi trong tiếp cận dịch vụ tại những địa phương như vậy phần nào ảnh hưởng tới trải nghiệm của du khách ở các điểm đến.

Các chuyên gia cho rằng, những chuyến du lịch với cảm xúc tiêu cực có thể ảnh hưởng đến quyết định đi du lịch của du khách sau này.

Vì lý do đó, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Ngoài truyền thông, xúc tiến, quảng bá, phát triển thị trường để thu hút du khách, Quảng Ninh đang hướng tới xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, ấn tượng, tạo được thương hiệu riêng như Carnaval, Festival áo dài, ẩm thực, phố đêm, du thuyền... UBND tỉnh cũng quan tâm đào tạo, đào tạo lại đội ngũ nhân lực du lịch để nâng cao chất lượng dịch vụ. Phương châm của tỉnh là ưu tiên thực hiện các biện pháp phòng dịch trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách.

Với du khách nước ngoài, vấn đề lại nằm ở những chương trình quảng bá, xúc tiến và các chính sách phù hợp để du khách hiểu hơn về Việt Nam.

Cho rằng gần 9.000 lượt khách đến Việt Nam là con số quá nhỏ, theo ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA): “Bước chân của người nước ngoài đến Việt Nam thể hiện rằng họ tin Việt Nam. Con số chưa nhiều chứng tỏ vẫn còn những băn khoăn về chính sách PCD, thủ tục visa...”.

Các chuyên gia có chung nhận định rằng, đây là thời gian thích hợp để chúng ta mở cửa thu hút khách du lịch quốc tế. Nếu triển khai chậm hơn, sẽ làm giảm sức hấp dẫn cũng như sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam với các nước trong khu vực.

Ngày 26-1-2022, VITA, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cùng đại diện các hãng hàng không, một số tập đoàn du lịch lớn đồng loạt gửi Thủ tướng kiến nghị sớm mở cửa du lịch quốc tế.

Dành sự quan tâm rất lớn cho sự phục hồi ngành du lịch, trong Công văn số 758/VPCP-KGVX ngày 29-1 trả lời kiến nghị của VITA, trong cuộc họp đầu tiên của Thường trực Chính phủ vào chiều 3-2 (mồng 3 Tết), Chỉ thị số 01 về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ngày 8-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đều lưu ý về vấn đề mở cửa du lịch.

Ngày 8-2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gửi Chính phủ đề xuất từ ngày 31-3 mở hoàn toàn du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, bộ cũng đã đề xuất 5 nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch sẽ triển khai năm 2022, trong đó nhấn mạnh giải pháp triển khai Chương trình phục hồi và phát triển du lịch; tăng cường kiểm soát, nâng cao chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch, đáp ứng yêu cầu của du khách trong điều kiện thích ứng linh hoạt, bảo đảm an toàn PCD Covid-19.

Giải pháp và quyết tâm đều đã có, vấn đề là việc thực hiện và giám sát để du lịch Việt hồi sinh, phát triển bền vững, góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam.

Bài và ảnh: TOÀN LINH