Trong sự liên kết này, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chịu trách nhiệm tạo ra các sản phẩm tinh hoa cung cấp cho ngành du lịch sử dụng khai thác theo chuẩn du lịch.

Trên thế giới, du lịch nông nghiệp đã phát triển từ rất lâu. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, du lịch nông nghiệp đã góp phần mang lại thu nhập cho dân cư nông nghiệp, thay đổi bộ mặt nông thôn... ở Italy, Nhật Bản, Pháp, Hoa Kỳ... Thậm chí, từ lâu, Israel coi du lịch nông nghiệp là một hình thức giáo dục bắt buộc cho trẻ em.

  Trải nghiệm du lịch nông nghiệp tại Trang trại Đồng quê Ba Vì. Ảnh: VŨ XUÂN DƯƠNG

Theo số liệu năm 2020, Việt Nam có diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 80% tổng diện tích, 70% dân số sống ở vùng nông thôn và miền núi. Trên bản đồ kinh tế thế giới, chúng ta cũng được biết tới là một quốc gia nông nghiệp. Do vậy, cũng có thể nói rằng, đa số các sản phẩm du lịch khác nhau của Việt Nam khi hoạt động đều có liên quan tới không gian nông thôn, nông nghiệp.

Mô hình du lịch nông nghiệp mang đặc thù Việt Nam khác với các nước trên thế giới. Lý do là vì chúng ta đã có sẵn hàng nghìn làng nông nghiệp truyền thống về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, nghề muối và thủ công mỹ nghệ, chế biến. Các làng này đã trở thành các chợ đầu mối cung cấp hàng hóa đa dạng cho thị trường người tiêu dùng. Vì thế, du lịch nông nghiệp Việt Nam có lợi thế thu hút du khách đến vừa được mua hàng hóa, vừa được nghe các câu chuyện mang tính lịch sử, văn hóa hình thành ra sản vật. Ngoài ra, theo xu thế sản xuất nông nghiệp hiện đại, chúng ta cũng đã có các trang trại, trung tâm khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm, các trung tâm nông nghiệp công nghệ cao... là điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách tới vừa tham quan, học hỏi, vừa thưởng lãm sản vật.

Nếu có sự kết nối chặt chẽ giữa du lịch và nông nghiệp, chúng ta sẽ xây dựng được sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn mang bản sắc văn hóa Việt rất phong phú và đa dạng. Trong sự liên kết này, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chịu trách nhiệm tạo ra các sản phẩm tinh hoa cung cấp cho ngành du lịch sử dụng khai thác theo chuẩn du lịch. Ngược lại, chính việc tạo thị trường ngành du lịch sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuẩn bị nói trên. Thực ra, nền tảng của việc nối kết đã có chính là các kết quả khả quan của chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, chương trình OCOP, chương trình bảo tồn các giá trị văn hóa của hàng nghìn làng nghề truyền thống với việc phát triển đa dạng sản phẩm... Du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam những năm gần đây đã được nhiều địa phương chú ý phát triển dưới các hình thức trải nghiệm theo điều kiện đặc thù của mình.

Từ năm 2008 đến nay, Trang trại Đồng quê Ba Vì (Hà Nội) đã thực hiện xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, mô hình thí điểm mang tính gợi mở tại vùng phụ cận chân núi Ba Vì. Trang trại đã xây dựng các tour du lịch nông nghiệp, đóng góp vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc có sự giao thoa Kinh, Mường, Dao; không gian cộng đồng nông nghiệp truyền thống và các sản vật gốc thiên nhiên.

Trang trại cũng gắn kết chặt chẽ với cộng đồng nông dân của các làng nghề nông nghiệp truyền thống xung quanh trên cơ sở nghiên cứu lịch sử, văn hóa hình thành sản vật trồng trọt và chăn nuôi, để không những có các thông tin thật sự hấp dẫn du khách mà còn trở thành đơn vị quảng bá các sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch, an toàn của vùng. Ban quản trị trang trại đã đào tạo cho các cán bộ, nhân viên là con em của địa phương, nông hộ liên kết về những kiến thức và kỹ năng du lịch nông nghiệp. Ngoài ra, trang trại cũng xây dựng các quan hệ liên kết trong và ngoài vùng thông qua thị trường du khách tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu của vùng, như: Thảo dược, sữa, chè, rau sạch...

Từ thực tế đó, cùng với tham khảo, tư vấn cho một số địa phương về du lịch nông nghiệp, nông thôn, chúng tôi nhận thấy, để tạo ra thương hiệu sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn thu hút du khách, chúng ta cần hoàn thiện chính sách đặc thù cho sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn; tạo sức mạnh nội sinh trong cộng đồng dân cư, kết nối với nguồn lực bên ngoài cho sự phát triển kinh tế nông thôn toàn diện gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tăng cường quảng bá hình ảnh miền quê đáng sống, thân thiện và các nét đặc sắc riêng có về văn hóa, lịch sử, các sản phẩm OCOP đặc hữu, đặc sản hấp dẫn du khách...

Ngoài ra, Việt Nam cần tiến hành điều tra tài nguyên du lịch nông nghiệp, nông thôn để có đủ thông tin dữ liệu làm căn cứ phân loại, sắp xếp các vùng tiềm năng trong xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn; quy hoạch không gian nông thôn theo chương trình nông thôn mới; xây dựng một số mô hình điển hình du lịch nông nghiệp, nông thôn ở bên trong hoặc liền kề với vùng du lịch đã có sẵn du khách, nhằm đánh giá tính hấp dẫn và tính bền vững của sản phẩm; đưa du lịch nông nghiệp, nông thôn thành một nghề trong các ngành nghề nông thôn, đào tạo giáo viên và lao động, có giáo trình phù hợp.

TS NGÔ KIỀU OANH, Chuyên gia du lịch nông nghiệp, nông thôn