Nỗ lực tỏa sáng để trở thành điểm đến hấp dẫn
Một trong những sự kiện tiêu biểu đó là Lễ hội Sông nước. Có thể nói đây là ngày hội được người dân thành phố háo hức chờ đợi nhiều nhất. Lễ hội năm nay diễn ra trong 10 ngày với gần 20 chương trình hoạt động. Nhiều chương trình đan xen giữa hiện đại và hoài cổ đã để lại ấn tượng mạnh mẽ cho người dân và du khách bao gồm: Chương trình nghệ thuật khai mạc “Chuyến tàu huyền thoại”; bắn pháo hoa nghệ thuật; tái hiện chợ nổi miền Tây; Tuần lễ Trái cây trên bến dưới thuyền; Giải vô địch Bơi vượt sông mở rộng… Đặc biệt đêm bế mạc, Ban tổ chức sử dụng hơn 1.000 thiết bị bay không người lái, vẽ lên bầu trời đêm những “bức tranh” lung linh, huyền ảo với muôn vàn màu sắc lộng lẫy, nhiều ý nghĩa; qua đó như một sự tri ân mĩ mãn tới khán giả, khép lại một mùa lễ hội sôi động, ngập tràn sức sống.
Cùng với Lễ hội Sông nước là Lễ hội Bánh mì lần thứ 2 cũng diễn ra trong năm 2024 tại Công viên Lê Văn Tám (quận 1, TP Hồ Chí Minh). Lễ hội không chỉ mang đến sự đa dạng của bánh mì Việt Nam mà còn tạo cơ hội giao lưu văn hóa ẩm thực giữa các quốc gia. Chỉ sau 3 ngày tổ chức, Lễ hội đón hơn 150.000 lượt khách tới tham quan, trải nghiệm; tăng hơn 100.000 lượt khách so với năm 2023. Trong đó, nhiều gian hàng đã bán hơn 4.000 chiếc bánh mì. Những thương hiệu bánh mì lâu năm đã quen thuộc với người dân thành phố như “Bánh mì Huỳnh Hoa” bán hơn 1.400 ổ mỗi ngày, “Bánh mì Cụ Lý” 1.200 ổ mỗi ngày…
 |
Lễ hội sông nước TP Hồ Chí Minh năm 2024 đã ghi nhận 4,5 triệu lượt người dân, khách du lịch tham gia, tương tác trực tiếp.
|
Bên cạnh những lễ hội lớn mang tính hiện đại, các lễ hội truyền thống được định hướng rõ rệt để phát huy và lan tỏa văn hóa dân tộc trong thời đại hội nhập như: Lễ hội chùa Ông, Lễ hội Lăng Ông Bà Chiểu, Lễ hội Kỳ Yên đình Trường Thọ... Đặc biệt “Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ”, diễn ra vào ngày rằm tháng Tám âm lịch hằng năm với mong muốn được ấm no, hạnh phúc trong tình đoàn kết, gắn bó keo sơn trong cộng đồng ngư dân Cần Giờ. Lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2013.
Ở lĩnh vực nghệ thuật, Liên hoan phim quốc tế TP Hồ Chí Minh lần đầu tiên năm 2024, đã mở ra cơ hội quảng bá nền điện ảnh Việt Nam ra thế giới và thu hút sự quan tâm của giới điện ảnh quốc tế. Liên hoan được kỳ vọng sẽ giúp Thành phố trở thành điểm đến cho các đoàn làm phim trong nước và quốc tế; tiến tới hình thành “Thành phố Điện ảnh” và được công nhận là thành viên trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
 |
Quang cảnh Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ 2024. |
Được biết, cuối năm nay, Tuần lễ Du lịch TP Hồ Chí Minh năm 2024 sẽ được tổ chức với hy vọng thực hiện có hiệu quả Đề án về Chiến lược phát triển ngành Công nghiệp văn hóa TP Hồ Chí Minh đến năm 2030. Tuần lễ bắt đầu từ ngày 5-12, tập trung vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, như diễu hành xe điện, triển lãm du lịch… nhằm tôn vinh di tích chợ Bến Thành, cũng như quảng bá hình ảnh du lịch của Thành phố.
Khuyến khích xây dựng, phát triển du lịch văn hóa
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, năm nay Thành phố công bố gần 60 chương trình du lịch với 20 sản phẩm du lịch mới. Một số chương trình du lịch mới tạo được ấn tượng và thu hút sự quan tâm của du khách như: Chương trình tham quan Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Trụ sở HĐND và UBND TP Hồ Chí Minh, Tour Biệt động Sài Gòn, Du lịch Sinh thái Cộng đồng Thiềng Liềng, các tour đêm, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị), du lịch y tế, du lịch golf…
Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, trong 10 tháng năm 2024, Thành phố đã đón hơn 35,5 triệu lượt khách, lượng khách quốc tế đạt gần 4,7 triệu lượt, khách nội địa đạt gần 31 triệu lượt. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 156.649 tỷ đồng, tăng 11,9% so cùng kỳ năm 2023, đạt 82,4% kế hoạch năm 2024.
Bà Antonella Cole, du khách người Anh đang ghé thăm TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi bị hấp dẫn bởi ấn tượng với truyền thống yêu nước, lịch sử hào hùng của Việt Nam. Khi tới đây, tôi rất thích thú. Văn hóa, nghệ thuật và ẩm thực của Việt Nam rất phong phú, độc đáo, có sự riêng biệt so với các quốc gia Đông Nam Á khác. Tôi bị choáng ngợp bởi sự sống động của TP Hồ Chí Minh, dường như tuần nào Thành phố cũng có các lễ hội lớn, nhỏ khác nhau”.
Thời gian tới, để tiếp tục kích cầu du lịch, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh tiếp tục xây dựng chính sách ưu đãi cho các đoàn du lịch quốc tế, các nhà tổ chức và đơn vị cung cấp dịch vụ MICE (hội nghị, hội thảo, triển lãm), hứa hẹn đưa Thành phố trở thành điểm đến MICE hàng đầu. Cùng với đó, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động liên kết phát triển du lịch với 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long; liên kết du lịch với vùng Đông Nam Bộ…
Ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: “TP Hồ Chí Minh sẵn sàng đăng cai các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm quốc tế và sẽ hoàn thành tốt để thu hút du khách đến nhiều hơn; đồng thời cũng sẽ đăng ký thí điểm các mô hình văn hóa, thể thao, du lịch nhằm có thêm các kinh nghiệm thực tiễn”.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, TP Hồ Chí Minh là nơi xuất phát, khởi đầu của nhiều sự kiện du lịch, văn hóa trên khắp cả nước bằng nhiều cách làm mới, sáng tạo. Thành phố đã kết hợp rất nhuần nhuyễn giữa kinh tế và văn hóa, tiệm cận và lượng hóa được nội hàm văn hóa trong phát triển kinh tế, để đi đúng hướng, hài hòa, không đánh đổi các giá trị lấy kinh tế thuần túy làm ảnh hưởng đến văn hóa xã hội…
Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.