Tuy nhiên, sau nhiều năm nhìn lại, liên kết vùng-“cái bắt tay” đáng mong đợi trong phát triển du lịch vẫn chưa mang lại hiệu quả.

Sức mạnh kép từ liên kết vùng

Nhằm tăng cường sự gắn kết, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ của các địa phương, thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2020-2025 được ký vào tháng 12-2019. Thỏa thuận này hướng đến mục tiêu phát huy thế mạnh cạnh tranh của từng địa phương vào việc xây dựng sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch vùng.

Thực tế cho thấy, liên kết hợp tác nêu trên đã giúp cộng đồng doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc kết nối và tháo gỡ khó khăn để triển khai hoạt động. Trong đó, doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành đã xây dựng hơn 50 chương trình du lịch kích cầu từ TP Hồ Chí Minh đi đến các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Mặt khác, có 5 doanh nghiệp lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã khai thác thành công những chương trình tour mới với 50.000 du khách từ TP Hồ Chí Minh đến vùng ĐBSCL; liên kết du lịch cũng giúp thu hút du khách từ miền Bắc và miền Trung đến với vùng ĐBSCL.

leftcenterrightdel

Du khách tham quan Du lịch điện gió ở Bạc Liêu. 

Cùng với liên kết giữa TP Hồ Chí Minh thì các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL còn liên kết theo cụm phía Đông gồm các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp và Vĩnh Long; phía Tây gồm 7 đơn vị: TP Cần Thơ và các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Đặc biệt, mới đây, sự kiện xúc tiến điểm đến du lịch giữa Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Ðịnh với ÐBSCL diễn ra tại TP Cần Thơ đã tạo nhiều cơ hội mở rộng thị trường du khách giữa các vùng. Phân tích những điểm mạnh về lợi thế điều kiện tự nhiên trong phát triển du lịch ở các tỉnh, thành phố, ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh: “Việc liên kết này sẽ tạo thành thế mạnh nổi trội, đặc sắc, là phần bù trừ của nhau, tạo ra nhu cầu liên kết để trao đổi khách du lịch giữa các vùng Đông Bắc, duyên hải Nam Trung Bộ và ĐBSCL”.

Ở góc độ lữ hành, bà Phạm Kim Huê, Giám đốc Công ty du lịch Nam Du Travel (An Giang) cho biết: “Trong bối cảnh du lịch hiện nay, việc liên kết vùng là cách làm hiệu quả để ngành công nghiệp không khói phục hồi và phát triển. Liên kết mới giữa Quảng Ninh, Ninh Bình và Bình Ðịnh với các tỉnh, thành phố khu vực ÐBSCL đã mở ra nhiều triển vọng về thị trường du lịch và xây dựng sản phẩm”.

Thực tế, việc liên kết giữa các tỉnh, thành phố, vùng, miền đã tạo ra đòn bẩy cho kinh tế-xã hội địa phương. Như liên kết phát triển du lịch góp phần thúc đẩy đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL, trong đó, một số tuyến đường cao tốc đã được gấp rút triển khai, góp phần rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương, nâng cao tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch như tuyến Trung Lương-Mỹ Thuận... Riêng về du lịch, chỉ tính ở ĐBSCL, trong 8 tháng qua đã thu hút được khoảng 30 triệu lượt khách, từ đó mang lại nguồn thu từ du lịch cho các địa phương vùng ĐBSCL hơn 21.000 tỷ đồng.

Thiếu “nhạc trưởng” điều phối

Nếu chỉ nhìn vào số liệu thống kê lượng khách du lịch thì có thể thấy ngành công nghiệp không khói đã phục hồi sau thời gian “nghỉ dưỡng” vì Covid-19. Tuy nhiên, xét ở nhiều góc độ thì việc phát triển du lịch vẫn còn nhiều vấn đề để bàn, đặc biệt là sự liên kết vùng lỏng lẻo khiến du lịch chưa thực sự bứt phá như kỳ vọng. Thống kê từ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho thấy, chỉ số lưu trú khách du lịch tại ÐBSCL đến nay vẫn thấp, bình quân khách quốc tế là 1,95 ngày, khách nội địa là 1,7 ngày.

Thực tế, liên kết du lịch giữa các tỉnh hiện nay mới chỉ dựa trên yếu tố địa lý, ví dụ như các tỉnh cùng dọc tuyến quốc lộ; ở cấp nhà nước mới dừng lại ở việc hỗ trợ xúc tiến quảng bá, đào tạo... Việc thiếu “nhạc trưởng” đứng ra điều phối khiến nhiều địa phương nằm trong mắt xích liên kết, sau khi hô hào hợp tác đã quay ra tổ chức các hoạt động du lịch như thể “một mình một mâm”. Hay như liên kết cụm phía Tây và phía Đông ĐBSCL. Tại đây, mỗi địa phương đều có nét giống nhau trong du lịch sinh thái, miệt vườn, chợ nổi, văn hóa-lịch sử gắn với di tích, du lịch tâm linh...; nếu như ở Cần Thơ có mô hình “cá lóc bay” thì Ðồng Tháp cũng có; Bến Tre có mô hình trò chơi miệt vườn thì Vĩnh Long, Cần Thơ, Cà Mau cũng có... Ðiều này khiến du khách dễ có tâm lý đi một nơi đã biết hết.

Ngoài trùng lắp về sản phẩm hay tình trạng “loạn giá” vì tranh giành khách và tạo hình ảnh không đẹp với du khách thì kết nối đường bay cũng là rào cản đối với ngành công nghiệp không khói. Ở góc độ lữ hành, bà Lê Ðình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ chia sẻ: “Những chuyến bay thẳng sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn cho các địa phương phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc kết nối đường bay từ Cần Thơ đến Quy Nhơn (Bình Định), từ Cần Thơ đến Ninh Bình hay Quảng Ninh đều chưa có nên rất khó thực hiện việc liên kết du lịch”.

Có lẽ, đã đến lúc du lịch từng vùng, miền phải ngồi lại một lần nữa, dưới sự cầm trịch của một “tư lệnh cấp cao” đủ sức điều phối các mối quan hệ. Thành phần ấy được cho là “có trên có dưới” thì mới đưa ra được chương trình hợp tác cụ thể, dạng chương trình liên kết mà mọi nhà đều được lợi, không phải lo xảy ra chuyện xé rào, mạnh ai nấy làm.

Liên kết vùng cần có cái nhìn về một hướng, tính đường xa với những việc làm, hành động cụ thể...

Bài và ảnh: THÚY AN