“Du lịch xanh” có thể hiểu là du lịch có trách nhiệm với các khu tự nhiên, bảo tồn môi trường; duy trì cuộc sống của người dân địa phương và tuyên truyền, giáo dục con người biết trân trọng cuộc sống, trân trọng và phát huy bản sắc văn hóa vùng, miền.

Ngày nay, việc đi đến các địa điểm du lịch sinh thái dễ dàng hơn nhờ có hệ thống và phương tiện giao thông thuận tiện. Những chuyến trải nghiệm ở những nơi rừng núi, sông suối, buôn làng xa xôi giúp con người thảnh thơi, yêu đời, khám phá được nhiều điều mới mẻ để thêm yêu quê hương đất nước và văn hóa của các vùng, miền.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: toquoc.vn 

Tuy nhiên, “du lịch xanh” ở nước ta hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập. Đó là việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, quản lý môi trường ở các khu đông khách vào những mùa cao điểm khá khó khăn. Một số điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam như Huế, Hội An, Mũi Né, Cà Mau... chịu cảnh sạt lở, xâm nhập mặn, mưa lũ...

“Du lịch xanh” cũng tăng mức độ tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, nguồn nước, tiếng ồn, thay đổi cảnh quan thiên nhiên và thay đổi quân bình môi sinh đối với môi trường sống của sinh vật. Cùng với đó, ngày càng nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch xây dựng trên các đảo, rừng núi không theo quy hoạch, làm suy thoái hệ sinh thái và gây ô nhiễm; một số tài nguyên du lịch bị tàn phá, sử dụng sai mục đích.

Không những thế, ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường của không ít du khách và người dân còn kém, còn có tình trạng xả rác bừa bãi, ứng xử thiếu văn hóa hay đi vào những vùng cấm và trải nghiệm những hoạt động không an toàn...   

Để phát triển “du lịch xanh”, nước ta cần ban hành “Bộ tiêu chí du lịch xanh”. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch sẽ vận dụng trong quá trình đầu tư, quy hoạch và kinh doanh. Đó cũng là căn cứ để công nhận sản phẩm "du lịch xanh" như: “Tour du lịch xanh”, “Khách sạn, nhà hàng xanh”, “Khu nghỉ dưỡng xanh”... 

Cũng từ đây, việc khai thác tài nguyên, phát triển sản phẩm du lịch phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ tài nguyên tự nhiên, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch thân thiện và không phá vỡ cảnh quan môi trường. Phát triển “du lịch xanh” phải gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, dân tộc; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và tạo nên những cơ hội giao lưu, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau giữa con người các vùng, miền, cũng như các quốc gia, dân tộc.

Phát triển “du lịch xanh” rất cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho du khách và người dân địa phương ý thức bảo vệ môi trường, đa dạng các hình thức quảng bá văn hóa truyền thống và văn hóa ứng xử. Du khách và người dân địa phương cùng góp phần làm đẹp thêm các vùng đất, thổi hồn vào rừng núi, sông suối, biển đảo để môi trường sống của chúng ta được trong lành, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy mạnh mẽ. Có như vậy, “du lịch xanh” mới thực sự ý nghĩa và góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

LÊ PHI HÙNG