Điểm trung chuyển du lịch

Mùa xuân đi du lịch Bắc Trung Bộ thì đến những điểm nào? Trả lời câu hỏi này của khách hàng, các công ty du lịch, lữ hành hầu như khó đưa ra lựa chọn phong phú. Dù có nhiều thắng cảnh đẹp cùng trầm tích văn hóa, lịch sử phong phú nhưng lâu nay, khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh của Bắc Trung Bộ vẫn bị coi là "vùng trũng" khi quanh quẩn chỉ có một vài địa điểm du lịch theo thời vụ như Cửa Lò, Sầm Sơn, hay thăm Làng Sen quê Bác...

Khách du lịch, công ty lữ hành đều coi nơi đây chỉ là “điểm trung chuyển” du lịch để vào Nam, ra Bắc hay sang Lào, Campuchia, Thái Lan. Ông Lê Diệp Thanh Tùng, Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Pearl Tours, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Thuận, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cho biết: "Công ty chúng tôi chuyên tổ chức tour xuyên Việt nhưng đến Nghệ An thì đoàn chỉ nghỉ một đêm rồi đi, còn Hà Tĩnh, Thanh Hóa hầu như bỏ qua. Tại sao chúng tôi bỏ quên ư? Vì lâu nay chúng tôi không biết đưa khách đến điểm du lịch nào ở những địa phương này".

Hát ca trù phục vụ du khách tại Khu di tích đền thờ Nguyễn Công Trứ. 

Có thể dễ dàng nhìn thấy thế mạnh về văn hóa, lịch sử vùng Bắc Trung Bộ đặc biệt phù hợp với thị trường phía Nam. Thế mạnh về biển, đảo của khu vực này lại đặc biệt phù hợp với phân khúc thị trường nguồn của các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, theo ông Phan Đông Nhựt, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam: "Đa số thị trường phía Nam đến Bắc Trung Bộ bằng đường hàng không nên phải có nhiều trải nghiệm để du khách ở lại 3-4 đêm cho bõ tiền vé máy bay. Trong khi, nguồn nhân lực địa phương cần cải thiện cả về số lượng và chất lượng sao cho đủ sức thay thế hướng dẫn viên phải đi theo từ miền Nam hay miền Bắc để tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, vào mùa cao điểm, doanh nghiệp lữ hành chưa có nhiều lựa chọn cơ sở vật chất ưng ý đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Những hạn chế này cần được các địa phương Bắc Trung Bộ sớm giải quyết để thu hút du khách ở lại, có nhiều trải nghiệm hơn và sử dụng nhiều dịch vụ, chi tiêu nhiều hơn".

Thêm sản phẩm, tạo liên kết mới

Bước chân vào Khu di tích đền thờ Nguyễn Công Trứ tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), điều thu hút các du khách chính là giọng ca điêu luyện, trau chuốt của ca nương và tiếng đàn đáy nhặt khoan, thánh thót trình diễn tác phẩm “Chí nam nhi” của Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ. Chị Trần Hải Châu, hướng dẫn viên tại điểm di tích cho biết: “Sinh thời, Nguyễn Công Trứ là người tài hoa, phóng khoáng. Ông để lại cho hậu thế nhiều bài thơ ca trù thể hiện sự biến hóa tài tình trong sử dụng ngôn ngữ. Di tích là điểm các nghệ nhân ca trù biểu diễn phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm, học những làn điệu hát nói do các nghệ nhân câu lạc bộ ca trù ở đây truyền dạy. Thời gian qua, các cấp chính quyền và nhân dân nơi đây đã triển khai nhiều hoạt động văn hóa, cải tạo cơ sở vật chất... để thu hút du khách”.

Không chỉ điểm di tích này, Hà Tĩnh, Nghệ An còn triển khai nhiều sản phẩm mới và làm mới sản phẩm khác như: Thăm Khu di tích đại thi hào Nguyễn Du; thăm bến Giang Đình, một trong 8 danh thắng nổi tiếng xưa của Nghi Xuân, nơi thân phụ của đại thi hào Nguyễn Du, Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm về vinh quy bái tổ khi được phong làm Tể tướng; ngắm nhìn 99 ngọn núi Hồng soi bóng xuống dòng sông Lam, thăm đền thờ vua Quang Trung, cầu phao Bến Thủy, nghe ca trù Cổ Đạm, lẩy Kiều, ví, giặm Nghệ-Tĩnh... trên du thuyền Giang Đình cổ độ; đi tour du lịch "Làng cá gỗ-sau ánh hào quang" đến làng Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu)...

Tham quan các điểm đến, ông Lê Diệp Thanh Tùng bày tỏ: "Một thời gian dài mới trở lại, cảm xúc trong tôi vỡ òa. Hà Tĩnh, Nghệ An đã bị chúng tôi bỏ quên. Giờ nơi đây có hệ sinh thái với nhiều di tích lịch sử, danh nhân và cả những địa điểm lịch sử cách mạng có thêm những sản phẩm phụ trợ hấp dẫn. Đường sá thông thoáng, phương tiện giao thông thuận lợi, điểm đến cũng đang được đầu tư. Sau chuyến đi, chúng tôi sẽ xây dựng con đường liên tuyến, xây dựng sản phẩm để du khách có một tuyến đi 2-3 điểm đến..., không chỉ là điểm dừng chân mà là nơi lưu trú cho du khách trải nghiệm, chi tiêu".

Ngoài những đầu tư như các địa phương vẫn làm, ông Phan Đông Nhựt gợi ý các tỉnh có thể xây dựng thêm chính sách hỗ trợ nhau. Chẳng hạn, khi khách đến Nghệ An thì Hà Tĩnh, Thanh Hóa được hưởng lợi gì; hay ngược lại, nếu khách ở một đêm ở Hà Tĩnh thì sẽ được thêm quyền lợi gì ở Thanh Hóa, Nghệ An... Như vậy, giá trị cộng hưởng cũng gia tăng mà không giảm giá dịch vụ để tour được hoàn chỉnh và nhiều tour tuyến mới hấp dẫn được xây dựng. Về điều này, đồng chí Phạm Văn Thủy, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nhìn nhận: "Bắc miền Trung có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch nhưng khả năng khai thác còn hạn chế. Vì thế, các địa phương cần ngồi lại với nhau, bàn bạc các phương án để tạo nên những kết nối hiệu quả. Ngoài ra, quảng bá thương hiệu và sản phẩm cũng là điều cần lưu ý, nếu không sẽ như một cô gái đẹp mà không ai biết đến”.

Bài và ảnh: THANH HƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.