Nhiều điểm đến với các dịch vụ hấp dẫn

Sơn Tây giữa những ngày nắng hạ trời lãng đãng mây trắng. Cái oi ả nhen vào bóng nắng. Duy chỉ có màu xanh của đồi rừng, đồng bãi là ngút ngàn. Từ trung tâm thị xã, chúng tôi theo đường 416 dẫn về điểm du lịch Lòng Hồ ở xã Kim Sơn. Những ngôi nhà ẩn mình dưới bóng cây lúp xúp. Ngoài đường tiếng nói cười vang vang. Người rẫy cỏ trồng hoa, người quét dọn, cắm cờ, chăng đèn kết hoa. “Có phải làng sắp mở hội?”. Trả lời câu hỏi của chúng tôi, ông Vũ Huy Nam, Bí thư Đảng ủy xã Kim Sơn vui vẻ cho biết: “Đó là bà con đang tích cực làm công tác chuẩn bị cho buổi lễ để đón nhận quyết định của TP Hà Nội công nhận điểm du lịch Lòng Hồ”. Thiên nhiên ưu đãi cho Lòng Hồ cảnh quan hài hòa, đẹp mắt, có đồi, có sông, có ruộng đồng trù phú. Ý nghĩa hơn, bà con địa phương đã biết làm du lịch. Vẫn ngôi nhà, mảnh vườn đó nhưng giờ đây nhờ đầu tư cải tạo đã trở thành những homestay phục vụ hoạt động du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm. Rồi đồng đất ao chuôm nơi Lòng Hồ được bà con cấy trồng, chăn nuôi tạo ra các sản phẩm cung cấp cho khách du lịch.

leftcenterrightdel

Điểm du lịch trải nghiệm nhà Duối thu hút nhiều du khách.

Tham gia vào từng phân khúc khác nhau, người dân Lòng Hồ đã phát huy được những lợi thế của mình trong phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng. Theo ông Vũ Huy Nam, xu hướng du lịch hiện nay có nhiều loại hình, trong đó có du lịch trải nghiệm, hòa mình vào thiên nhiên, tham gia các hoạt động với người dân địa phương. Từ năm 2020, Đảng ủy, UBND xã Kim Sơn định hướng xây dựng điểm du lịch thôn Lòng Hồ với sự tham gia của 14 cơ sở kinh doanh chính và các hộ gia đình trong thôn cung cấp nhiều dịch vụ du lịch hấp dẫn.

Với địa hình bán sơn địa, Sơn Tây được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều hồ nước lớn có giá trị cảnh quan và du lịch, trong đó nổi tiếng nhất là hồ Đồng Mô rộng khoảng 200ha với nhiều đảo và bán đảo bên hồ, xung quanh là những đồng cỏ rộng lớn cùng hàng cây xanh mát. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sơn Tây cho biết: “Để tạo điều kiện cho phát triển du lịch, địa phương đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở đồng bộ với hệ thống giao thông thuận lợi. Những năm gần đây, nhiều điểm du lịch trên địa bàn đã trở thành điểm đến lý thú như: Thảo Viên resort, làng Mít, khu du lịch Glory resort, thôn Lòng Hồ”.

Giờ đây ở Sơn Tây, hầu hết các điểm tham quan, nghỉ dưỡng, lưu trú đều tích hợp đủ các loại hình trải nghiệm cho du khách như: Câu cá, chèo thuyền kayak, thưởng thức ẩm thực, đi chợ quê truyền thống, sân chơi văn hóa bổ ích cho trẻ em... Nhờ vậy, đã có nhiều đoàn du khách đến Sơn Tây tham quan, trải nghiệm vào các ngày trong tuần.

Du lịch bền vững, lợi ích lâu dài

Trong hành trình tham quan mảnh đất Sơn Tây tìm hiểu thực tế các mô hình du lịch mới thấy sự đổi thay về nhận thức cũng như cách làm của người dân. Chẳng hạn như hộ gia đình ông Nguyễn Văn Khang ở xã Kim Sơn đầu tư trồng chè và bưởi gắn với du lịch trải nghiệm. Khu đồi như một hòn đảo nhỏ ngay hồ Đồng Mô, bên dưới cánh đồng lúa bát ngát xanh. Đến đây, khách được tham gia hái chè, tìm hiểu quy trình chăm sóc chè, thưởng thức trà ngay tại vườn. Cùng tuyến du lịch ở xã Kim Sơn có khu nhà Duối của chị Nguyễn Thị Thùy Linh với vườn thuốc nam, bể thủy sinh, nhà hàng, nông trại, xưởng đồ họa mini. Chị Linh cho hay: “Nhà Duối đủ ấm cúng, yên tĩnh, tinh tế để khi đến đây mọi người cảm nhận được chiều sâu văn hóa Việt”.

leftcenterrightdel
Mô hình nuôi ong kết hợp du lịch trải nghiệm phục vụ khách tham quan. 

Thấy được lợi ích từ du lịch, người dân tích cực đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, làm đẹp cảnh quan, thực hiện ứng xử văn minh. Cùng chúng tôi đến tham quan các điểm du lịch, ông Hà Việt Phong, Trưởng ban Tuyên giáo thị xã Sơn Tây cho hay: “Địa phương tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống gắn với phát triển du lịch. Bên cạnh đó, các cơ sở du lịch đã không ngừng đổi mới, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng phục vụ du khách trong nước và quốc tế”.

Người dân và doanh nghiệp tận dụng lợi thế để làm du lịch. Đó là tín hiệu khởi sắc cho sự phát triển du lịch của Sơn Tây. Với mục tiêu tạo thành một chuỗi du lịch hoàn chỉnh, địa phương chú trọng xây dựng nhiều tuyến tham quan kết nối xuyên suốt các di tích nổi tiếng như: Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, đền Và, chùa Khai Nguyên, đền Măng, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, khu du lịch Đồng Mô... Mới đây, thôn Lòng Hồ được TP Hà Nội công nhận là điểm du lịch cấp thành phố, góp phần làm phong phú thêm bản đồ du lịch Sơn Tây.

Đi trên mảnh đất xứ Đoài mây trắng, chúng tôi được chứng kiến nhiều nét văn hóa độc đáo, thiên nhiên thơ mộng và nhiều điểm du lịch hiện đại. Địa phương tập trung phát triển mô hình du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin tạo ra những sản phẩm du lịch theo hướng hiện đại gắn với các hoạt động truyền thống như: Biểu diễn nghệ thuật dân gian, thao diễn nghề của các nghệ nhân, hội chợ phiên, bơi, chèo thuyền... Trong niềm vui chào mừng Năm du lịch Sơn Tây-xứ Đoài 2023 vừa khai mạc cuối tuần qua, ông Lê Đại Thăng, Phó chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây nhấn mạnh: “Trong định hướng phát triển du lịch, địa phương phát huy lợi thế về giá trị văn hóa lịch sử, điều kiện tự nhiên, nguồn lực con người. Đặc biệt khi người dân được tham gia và hưởng lợi từ làm du lịch là điều kiện để phát triển du lịch bền vững, chất lượng cao”.

Bài và ảnh: VŨ DUY